Kinh tế

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách

Với những người làm công tác thu ngân sách ngành Hải quan Hà Tĩnh, những tháng đầu năm 2014 thật ý nghĩa và tự hào, bởi chỉ sau hơn 9 tháng thực thi nhiệm vụ, họ đã nỗ lực mang về cho ngân sách hơn 5.056 tỷ đồng. Chưa thỏa lòng với những gì đã đạt được, tập thể CBVC ngành Hải quan Hà Tĩnh đang đặt ra những kế hoạch mới vì sự phát triển chung của tỉnh nhà…

Tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2014 trên địa bàn Hà Tĩnh đã đạt trên 8 nghìn tỷ đồng; trong đó, thu từ nội địa hơn 3.026 tỷ đồng, thuế xuất nhập khẩu 5.056 tỷ đồng. Với đà thuận lợi này, UBND tỉnh đặt mục tiêu tổng thu thuế cả năm nay dự kiến trên 11.000 tỷ đồng. Để hoàn thành mục tiêu này, Hà Tĩnh đang huy động cả hệ thống chính trị dồn sức cho công tác hành thu…

(bài 1): Thuế xuất nhập khẩu vượt đích gần 400%

Những con số ấn tượng

Nhìn một cách tổng thể, 2014 là năm nền KT-XH Hà Tĩnh tiếp tục gặp khá nhiều bất lợi bởi những biến động của cơ chế thị trường cũng như sự suy thoái kinh tế trong nước và quốc tế. Trong bối cảnh này, việc hoàn thành các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước so với kế hoạch trên giao khá nan giải. Vậy nhưng, ngành Hải quan Hà Tĩnh đã làm nên nhiều điều kỳ diệu khi tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tính đến 20/10/2014 hơn 5.056 tỷ đồng, vượt 391% dự toán Bộ Tài chính giao (1.050 tỷ đồng). Trong đó, thu từ xuất khẩu 20,523 tỷ đồng; nhập khẩu 729,276 tỷ đồng; thuế GTGT 4.299 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt 4,698 tỷ đồng; thuế bảo vệ môi trường 1,051 tỷ đồng…

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài 1): Thuế xuất nhập khẩu vượt đích gần 400%

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng đi vào hoạt động hứa hẹn đóng góp vào ngân sách Hà Tĩnh hàng trăm tỷ đồng.

Nhìn lại công tác thu ngân sách thời gian qua của ngành Hải quan Hà Tĩnh, nhiều người ghi nhận nỗ lực cũng như những giải pháp mang tính căn cơ, bền vững, bảo đảm thu đúng, đủ, song cũng vừa nuôi dưỡng các nguồn thu. Những kết quả đạt được trong hơn 9 tháng đầu năm sẽ là nền tảng để Hải quan Hà Tĩnh vững tin đề ra những kế hoạch mới vì sự phát triển chung của tỉnh. Hướng đi và nhiệm vụ đã rõ, nhưng để biến những chủ trương, đường lối thành hiện thực, ngành Hải quan Hà Tĩnh đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp.

Thành quả từ những giải pháp đồng bộ

Ông Đinh Văn Hòa – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Tĩnh cho biết: “Ngay từ đầu năm 2014, Hải quan Hà Tĩnh đã quyết liệt thực hiện nhiều nhóm giải pháp tăng thu. Trong đó, việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kê khai xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa được ưu tiên hàng đầu. Trọng tâm trong công tác này là triển khai thành công dự án thông quan hàng hóa tự động. Ngoài ra, Hải quan Hà Tĩnh tiếp tục triển khai dự án hiện đại hóa thu ngân sách liên kết giữa các ngành: thuế – kho bạc – hải quan và ngân hàng. Kế đó, đơn vị tổ chức thu hồi các khoản nợ thuế, đồng thời, không để phát sinh nợ mới và hoàn thiện hồ sơ các khoản nợ không có khả năng thu. Đơn vị còn tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan nhằm chống thất thu thuế và nâng cao năng lực phân tích, phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Đặc biệt, đơn vị có chính sách khuyến khích, động viên kịp thời những doanh nghiệp làm thủ tục hải quan và nộp thuế tại đơn vị. Đặc biệt, ngành đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra thuế. Trong đó, chú trọng những doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất”.

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài 1): Thuế xuất nhập khẩu vượt đích gần 400%
Lượng người, hàng hóa và phương tiện qua lại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo ngày càng tăng.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, ông Hòa cho biết thêm: “Để tiếp tục thực hiện tốt công tác thu ngân sách những tháng còn lại của năm 2014, trong tháng 10, Hải quan Hà Tĩnh liên tục có công văn chỉ đạo các chi cục trực thuộc như Vũng Áng, Cầu Treo, Xuân Hải… tăng cường rà soát kết quả thu ngân sách 9 tháng đầu năm; đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan và triển khai có hiệu quả thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Vũng Áng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa. Mặt khác, đơn vị tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thủ tục hải quan điện tử, thực hiện nghiêm túc cam kết phục vụ khách hàng nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu quản lý, phục vụ của Hải quan.

Ngoài ra, đơn vị phối kết hợp với các lực lượng chức năng liên quan trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là lâm sản; triển khai có hiệu quả nhiệm vụ quản lý, giám sát chặt chẽ và làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý, đảm bảo thuận lợi, nhanh chóng, chính xác, đúng quy định.

Cục Hải quan Hà Tĩnh chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu, đơn vị trực thuộc tích cực đôn đốc thu hồi nợ đọng, hạn chế tối đa nợ thuế phát sinh cũng như theo dõi chính xác từng khoản nợ để có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, tiến hành cưỡng chế theo luật định; đẩy mạnh công tác hậu kiểm từ phương pháp quản lý hải quan truyền thống sang phương pháp quản lý hải quan hiện đại”.

Công tác chỉ đạo, lãnh đạo được xem là một trong những yếu tố quan trọng để Cục Hải quan Hà Tĩnh mang lại những kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách thời gian qua. Nhiệm vụ thời gian tới khá nặng nề, chỉ có sự quyết lâm, đồng lòng của CBCC toàn đơn vị như thời gian qua mới hy vọng mang lại những thành công.

(bài 2): Thu nội địa – gian nan chặng nước rút

Đã qua hơn 2/3 chặng đường nhưng tình hình thu ngân sách nội địa mới chỉ đạt xấp xỉ 50% kế hoạch đề ra. Những “điểm nghẽn” vừa khách quan, vừa chủ quan đang “gìm cương” chặng nước rút những tháng cuối năm…

Đối mặt khó khăn

Mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong công tác thu ngân sách. Theo báo cáo của Cục Thuế Hà Tĩnh, tính đến 16/10, tổng thu ngân sách nội địa đạt 3.026 tỷ đồng, xấp xỉ 50% kế hoạch HĐND tỉnh giao (6.065 tỷ đồng) và bằng 103% so cùng kỳ.

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài 2): Thu nội địa - gian nan chặng nước rút
Đặc thù của hoạt động kinh doanh vận tải là cơ động, sản phẩm không mang tính định lượng nên ngành thuế khó xác định được doanh thu cụ thể để làm cơ sở tính thuế.

Trong đó, chỉ có 7/13 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ dự toán (đạt 67% dự toán trở lên), nhưng lại là các khoản thu nhỏ; 6 khoản thu, sắc thuế còn lại đạt thấp hơn so với yêu cầu, bao gồm các khoản thu quan trọng: thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước (48%); khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (28%); thuế bảo vệ môi trường (62%); thuế thu nhập cá nhân (56%).

Ông Nguyễn Văn Phúc – giám đốc một DN xây dựng và du lịch ở TP. Hà Tĩnh cho biết: “Hiện tại, nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn, nên tình hình sản xuất, kinh doanh của chúng tôi cũng không mấy thuận lợi. Năm 2013, công ty nộp trên 2,6 tỷ đồng tiền thuế, song ước cả năm nay, số tiền đóng góp cho ngân sách nhà nước chỉ bằng 2/3 so với năm trước”. Điều mong muốn hiện nay là Nhà nước hạn chế việc giãn thuế, thay vào đó là xem xét để tăng miễn và giảm thuế cho DN, vì DN được giãn thuế sẽ phải tăng chi phí theo dõi khoản thuế được giãn và tăng gánh nặng về tài chính cho DN khi đến kỳ nộp thuế – ông Phúc giãi bày.

Đến thời điểm này, khối huyện, thị có 7/12 địa phương thu đạt yêu cầu tiến độ dự toán. Các đơn vị trọng điểm chưa đạt yêu cầu như: TP Hà Tĩnh, Kỳ Anh, Văn phòng Cục Thuế Hà Tĩnh…

Ông Đinh Nho Hậu – Cục trưởng Cục Thuế Hà Tĩnh nhìn nhận:“Ngoài việc hụt thu từ Tập đoàn FORMOSA, việc giảm các loại thuế do chính sách thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân; tình hình kinh tế trong nước, quốc tế khó khăn… cũng đã làm cho tiến độ thu ngân sách của ngành Thuế Hà Tĩnh trong những tháng đầu năm nay “đuối” so với kế hoạch”.

“Điểm nghẽn” khó tháo gỡ

Thời gian qua, ngành Thuế đã có nhiều giải pháp quyết liệt chỉ đạo khai thác hiệu quả nguồn thu nhưng kết quả vẫn không đạt chỉ tiêu đề ra. Một số “điểm nghẽn” ở nhiều lĩnh vực làm nhiệm vụ thu ngân sách gặp khó khăn.

Tập đoàn FORMOSA được coi là “đầu tàu” trong thu ngân sách nội địa, nhưng vì lý do khách quan lẫn chủ quan nên nguồn thu giảm, đây là yếu tố làm tổng thu ngân sách bị “hụt” nghiêm trọng. Cụ thể, cùng kỳ năm trước, số thuế, phí bảo vệ môi trường thu từ tập đoàn là 1.299 tỷ đồng, trong khi, hiện nay chỉ mới đạt 492 tỷ đồng, hụt thu 807 tỷ đồng. Nếu không tính nguồn thu từ FORMOSA, đến thời điểm này, thu ngân sách nội địa của tỉnh đạt 65% so kế hoạch và tăng 35% so cùng kỳ. Nguyên nhân được xác định do năm nay kế hoạch giải ngân của FORMOSA chủ yếu từ nhập khẩu máy móc, thiết bị không thuộc diện phải nộp thuế GTGT nội địa, mà chỉ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu; mặt khác, ảnh hưởng của “sự cố 14/5” tại Khu kinh tế Vũng Áng phần nào làm ngân sách thuế nhà thầu nước ngoài và nguồn thu một số DN khác giảm đáng kể.

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài 2): Thu nội địa - gian nan chặng nước rút
Cán bộ Chi cục Thuế Vũ Quang làm thủ tục cho người nộp thuế. Ảnh: Tuấn Vũ

Bên cạnh đó, thu ngân sách ở lĩnh vực giao thông vận tải cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đặc thù của hoạt động kinh doanh vận tải là cơ động; sản phẩm mang tính dịch vụ, không định lượng cụ thể. Vì thế, ngành Thuế khó xác định doanh thu thực tế để làm cơ sở tính thuế. Trong khi, hiện tượng đơn vị, cá nhân kinh doanh cho phương tiện đón khách dọc đường, không bán vé, chở quá số lượng quy định không phải là hiếm. Vận tải hàng hóa thì chỉ một số có hợp đồng vận chuyển, hóa đơn, chứng từ, còn lại là thỏa thuận miệng giữa chủ hàng và phía vận chuyển. Không có hóa đơn để quản lý giá dẫn đến việc quản lý thuế rất khó khăn.

Ngoài ra, tìm hiểu thực tế tại nhiều đơn vị kinh doanh lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn cho thấy, đối với khoản chi chỉ vài trăm nghìn, cả đơn vị kinh doanh và khách hàng đều mặc định không cần hóa đơn. Ngay cả đối với mức chi lớn hơn, việc xuất hóa đơn GTGT đối với lĩnh vực bán lẻ cũng chưa thông dụng. Bao biện cho điều này, một chủ kinh doanh lĩnh vực ăn uống cho biết, nếu khách không lấy hóa đơn thì 10% GTGT sẽ được khấu trừ trong tổng chi của khách. Theo số liệu khảo sát, tính đến tháng 10/2014, ngành Y tế Hà Tĩnh thực hiện quản lý 2.741 cơ sở dịch vụ bán lẻ, trong đó có 1.632 nhà hàng, 21 khách sạn, 638 cửa hàng thức ăn đường phố… Có thể thấy, số lượng hộ kinh doanh, DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ trên địa bàn tỉnh rất đa dạng. Tuy nhiên, công tác thu ngân sách từ lĩnh vực này chưa triệt để; việc phối hợp giữa cơ quan thuế và Sở Y tế hầu như chưa có nên tạo điều kiện để người nộp thuế dễ dàng “lách” luật, trốn thuế…

Ở hầu hết các lĩnh vực đều tồn tại những “điểm nghẽn” đặc thù. Nếu như hoạt động khai thác khoáng sản gặp khó ở việc cơ quan thuế không thể nắm chính xác khối lượng khoáng sản được khai thác, mà tính các loại thuế và phí bảo vệ môi trường trên cơ sở DN tự khai nên rất dễ xẩy ra tình trạng khai gian, thì lĩnh vực xây dựng cơ bản lại khó khăn ở việc phần lớn các công trình xây dựng nhà ở tư nhân đều thực hiện thông qua giao dịch hợp đồng viết tay và trả tiền mặt nên việc quản lý thu các khoản thuế liên quan rất bất cập… Những nút thắt này gây bất lợi cho công tác thu ngân sách những tháng cuối năm.

(bài cuối): Vào cuộc tổng lực

Để cán đích 6.065 tỷ đồng, nhiệm vụ thu ngân sách đặt ra với ngành Thuế Hà Tĩnh những tháng cuối năm vô cùng nặng nề. Điều này đòi hỏi những người làm công tác thu ngân sách phải thực sự đồng tâm hiệp lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu hiệu để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra…

Quản lý chặt nguồn thu, tăng cường thanh kiểm tra

Ông Đinh Nho Hậu – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Mục tiêu 3 tháng cuối năm không chỉ hoàn thành nhiệm vụ thu trên địa bàn mà còn phải vượt thu để đảm bảo các chương trình đầu tư cho phát triển tại địa phương. Kết quả thu hiện nay đạt thấp nên nhiệm vụ còn lại hết sức nặng nề. Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện quyết liệt bằng nhiều biện pháp nhằm tăng thu ngân sách ở mức cao nhất”.

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài cuối): Vào cuộc tổng lực

Việc giải quyết hoàn thuế GTGT kịp thời đã góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người nộp thuế quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong SXKD.

Theo đó, Cục Thuế tăng cường công tác giám sát, kê khai thuế, thực hiện thanh, kiểm tra việc chấp hành thuế tại các doanh nghiệp (DN); có giải pháp đôn đốc thu thuế, hạn chế các khoản nợ thuế phát sinh, thu hồi thuế kịp thời sau kiểm tra, thanh tra; tập trung thanh, kiểm tra tại các DN kê khai lỗ, âm thuế liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư, DN phát sinh doanh số lớn nhưng thuế phát sinh ít; rà soát tình hình kê khai thuế nhà thầu nước ngoài để đôn đốc DN kê khai thuế các loại; thực hiện ấn định thuế đối với các trường hợp vi phạm về thuế, nhất là lĩnh vực kinh doanh thương mại…

Song song với đó, Cục Thuế chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm tra, rà soát thuế; thành lập 3 đoàn liên ngành gồm cán bộ cốt cán ngành Thuế và các sở, ngành liên quan nắm bắt thông tin, đánh giá tình hình, chỉ đạo, quản lý các địa phương; thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý về thuế, phí, lệ phí, các khoản thu về đất và chính sách của người nộp thuế theo pháp luật.

Cùng với ngành Thuế, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các cấp, ngành vào cuộc hết sức khẩn trương nhằm thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách. Đáng chú ý, thực hiện các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự ngày 6/10, 17/10, Cục Thuế tập trung lực lượng, huy động sức mạnh tập thể, nên trong 10 ngày (6 – 16/10), thu ngân sách đạt trên 111,2 tỷ đồng. Theo đó, các Sở: TN&MT, Xây dựng, GTVT cùng các ngành Công an, Thanh tra… tích cực hỗ trợ ngành Thuế trong công tác giám sát, xác minh các hoạt động liên quan. Ngân hàng, Kho bạc, tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý và cấp phát vốn, chính quyền các cấp… phối hợp nhuần nhuyễn với ngành Thuế trong công tác thu hồi nợ đọng, thành lập đoàn liên ngành để thu hồi nợ thuế, cưỡng chế nợ thuế…

Mới đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra, giám sát thu ngân sách. Bắt đầu từ 23/10, mỗi đoàn do một phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng 10 lãnh đạo và thành viên các sở, ngành liên quan trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc quản lý thu nộp ngân sách của các đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động SXKD các lĩnh vực thuộc địa bàn được giao; đồng thời, phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật thuế và xử lý nghiêm theo quy định.

Hỗ trợ người nộp thuế

Bên cạnh các giải pháp quản lý chặt nguồn thu, tăng cường thanh, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, thì các giải pháp hỗ trợ người nộp thuế cũng góp phần tăng thu ngân sách.

Hà Tĩnh dồn sức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách (bài cuối): Vào cuộc tổng lực
Chi cục Thuế thành phố Hà Tĩnh công khai mức thuế cho người dân.

Công tác cải cách hành chính được quan tâm thực hiện, hiện nay đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính như: hồ sơ đăng ký giải quyết trong ngày, hoàn thuế không quá 4 ngày, kiểm tra sau hoàn thuế không quá 20 ngày… Đồng thời, bắt đầu từ 1/10/2014, Hà Tĩnh là một trong 15 tỉnh đầu tiên thực hiện kê khai thuế qua mạng. Bước đầu, hình thức này đã tạo điều kiện giảm thiểu thời gian, chi phí cho DN. Đến nay, đã có thêm 928 DN đăng ký khai thuế qua mạng, nâng tổng số DN khai thuế qua mạng lên 2.025.

Đến hết tháng 9/2014, Cục Thuế tiếp tục hoàn thuế với số tiền trên 5.343 tỷ đồng. Trong đó, hoàn thuế đầu tư chiếm tỷ trọng 94% số thuế hoàn, còn lại là các khoản hoàn thuế khác. Việc giải quyết hoàn thuế GTGT kịp thời của cơ quan thuế đã góp phần tạo điều kiện cho DN, người nộp thuế quay vòng vốn nhanh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Bằng các giải pháp cụ thể, sự vào cuộc đồng bộ, tích cực, phối hợp nhuần nhuyễn giữa các cấp, ngành cùng sự ủng hộ của DN, người nộp thuế, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động chống thất thu thuế trên địa bàn. Trong bối cảnh hiện tại, trên 6 nghìn tỷ đồng cho kế hoạch thu ngân sách nội địa trong năm nay không phải là mục tiêu dễ dàng. Cán đích hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nhập cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong việc theo dõi sát tình hình SXKD để phát hiện, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, đồng thời tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách nhà nước.

Thành Chung – Đình Trung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP