Giáo dục - Đào tạo

Hà Tĩnh: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhìn từ chất lượng giáo viên

Giờ học ngoài trời của học sinh Trường Mầm non Đức Thuận (TX Hồng Lĩnh).

Những năm học gần đây, Hà Tĩnh là một trong các tỉnh thuộc tốp dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Kết quả đáng tự hào ấy được xây đắp từ truyền thống hiếu học, tư chất thông minh, vượt khó của người Hà Tĩnh, sự quan tâm của toàn xã hội và hơn hết là đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ, giáo viên (CBGV).
Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nhìn từ chất lượng giáo viên

Đánh giá cao vai trò của người thầy trong việc dạy chữ, rèn người, Nghị quyết số 29 Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT nêu rõ: “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT”. Trên tinh thần ấy, Hà Tĩnh đã có những bước đón đầu để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và GV.

Dẫu còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung, đội ngũ CBGV trên địa bàn toàn tỉnh đã nỗ lực khắc phục, trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong lĩnh vực được giao.

Thầy Nguyễn Xuân Trường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết GV tỉnh ta đã có trình độ đạt chuẩn, trong đó nhiều GV trình độ trên chuẩn. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục trong tình hình mới, đồng thời thực hiện có hiệu quả nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngoài việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ nhà giáo, thời gian qua, ngành Giáo dục đã chủ động rà soát quy hoạch và bồi dưỡng đội ngũ, tham mưu tỉnh ban hành chính sách thu hút sinh viên ngành sư phạm xuất sắc; đẩy mạnh tinh giản biên chế, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ nghề nghiệp cũng như phẩm chất đạo đức”.

Năm học vừa qua, Sở GD&ĐT đã tổ chức kỳ thi khảo sát chất lượng CBGV bậc THSC, tiểu học và mầm non, góp phần nâng cao ý thức tự học, rèn luyện, nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong đội ngũ CBGV. Song song với khảo sát, đánh giá đúng chất lượng người dạy, ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý; khuyến khích CBGV, nhân viên nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, quản lý nhà nước. Đến thời điểm hiện tại, CBGV trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ cao: cán bộ quản lý 95,74%, GV mầm non 66,81%; tiểu học 88,15%, THCS 76,65%, THPT 10,97%…

Để góp phần thực hiện nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, Hà Tĩnh đã mời lãnh đạo các vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, nhà khoa học, chuyên gia và đội ngũ giảng viên có uy tín trực tiếp bồi dưỡng cho gần 2.000 CBGV tiểu học để triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục trong năm học này. Ngoài ra, tổ chức bồi dưỡng chuyên sâu cấp THCS và THPT cho tất cả GV dạy môn Ngữ văn, Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Toán học, Vật lý…; bồi dưỡng GV Tiếng Anh theo chuẩn châu Âu.

Điểm mới trong công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý ngành Giáo dục Hà Tĩnh là năm vừa qua, ngành đã tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý với các chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cho các đơn vị trực thuộc. Đây là cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đi đầu trong thực hiện chủ trương bổ nhiệm cán bộ quản lý qua thi tuyển. Hình thức thi tuyển này không chỉ phát hiện, củng cố đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng để giao giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà với tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, sẽ hạn chế tối đa hiện tượng tiêu cực có thể nảy sinh.

Thầy Nguyễn Hồng Sơn – Phó hiệu trưởng Trường THPT Đồng Lộc – người dự thi chức danh hiệu trưởng cho rằng: “Theo tôi, việc đổi mới phương pháp tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý qua thi tuyển là rất cần thiết. Những kiến thức, kinh nghiệm qua kỳ thi sẽ tạo cho những người được bổ nhiệm một tâm thế mới, tự tin hơn khi bắt tay vào công việc được giao”.

Cùng với chỉ đạo tổ chức tốt cuộc thi GV dạy giỏi các cấp, việc thực hiện đánh giá, phân loại CBGV theo chuẩn của Bộ GD&ĐT đã tạo dựng niềm tin trong tập thể sư phạm cũng như các cấp quản lý. Thầy Nguyễn Xuân Trường – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: “Kết quả đánh giá gần đây theo chuẩn hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có 28,2% đạt loại xuất sắc 61,4% loại khá; chuẩn GV có 25,9% xuất sắc, 59,4% khá, 0,2% loại yếu. Việc đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp của Hà Tĩnh đã được Cục Nhà giáo Bộ GD&ĐT đánh giá cao và tổ chức hội thảo triển khai nhân rộng vào cuối năm 2013”.

Với nhận thức sâu sắc vai trò quyết định của đội ngũ CBGV trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, thời gian qua, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, góp phần đưa nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đi vào thực tiễn.

Anh Thư/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP