Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Dân lo lắng môi trường ô nhiễm do cơ sở nuôi tôm xả thải

Thời gian gần đây, nhiều gia đình sống gần các cơ sở nuôi tôm ở thôn Song Long (Cương Gián – Nghi Xuân – Hà Tĩnh) bức xúc phản ánh cơ sở nuôi tôm xả thải ra môi trường bốc mùi hôi thối về lâu dài không khắc phục sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của họ.

Chiều ngày 7.5, phóng viên đã có mặt tại địa điểm người dân phản ánh, qua quan sát có 4 đường ống nước đang chảy có màu chuyển đen, có mùi. Dòng nước chảy theo mương thoát qua cống cắt ngang đê và chảy thẳng ra biển.

Đường mương nước thải chảy song song với các hồ nuôi tôm.


Theo tìm hiểu được biết, ở Song Long có 2 cơ sở nuôi tôm có đường ống chảy ra tại điểm dân phản ánh. Trong đó, cơ sở nuôi tôm của Công ty Thông Thuận có diện tích 7,3ha được xây dựng từ năm 2014 và đi vào hoạt động năm 2015, còn cơ sở của Hợp tác xã Thái Minh Thùy quy mô chăn nuôi nhỏ hơn rất nhiều so với Công ty Thông Thuận. Theo Ông T. một người dân sống gần đó cho biết: Những năm trước khi chưa xây đê chắn sóng ven biển thì người dân hầu như không đi ra đó nên không để ý, chỉ thấy mùi hôi bốc lên khi gió thổi mạnh nhưng từ năm ngoái đến nay đê xây xong đi lại tiện nên người dân thường ra đó thể dục cứ đi đến đoạn đó là mùi không chịu được nên phải quay lại đi chỗ khác. Cũng từ đó, người dân nhiều lần phản ánh và nhiều đoàn về nhưng chỉ được ít hôm là lại có tình trạng mùi bốc lên. Nhà tôi ở gần nên hầu như ngày nào cũng thấy mùi, đặc biệt mỗi lần nắng to sau có đợt mưa giông thì mùi nồng nặc không chịu được.

Nước chuyển màu chạy dọc mương. Thời điểm này nước vẫn đang chảy từ đường ống ra mương thoát.


Sau khi nhận được phản ánh của người dân về việc xả thải gây ảnh hưởng môi trường từ hồ tôm của Công ty Thông Thuận và Hợp tác xã (HTX) Thái Minh Thùy, UBND xã Cương Gián đã tiến hành thành lập đoàn kiểm tra gồm có bà Lê Thị Sáu – Phó Chủ tịch UBND xã, ông Thiều Văn Dũng – Phó trưởng Công an xã, bà Đặng Thị Hoàng Mai – công chức xã và ông Đinh Văn Long – Trưởng thôn Song Long.

Đoàn đã tiến hành kiểm tra thực tế các ao nuôi và vị trí xả thải của 2 cơ sở Thông Thuận và HTX Thái Minh Thùy và yêu cầu 2 đơn vị trong tuần này phải khắc phục tình trạng xả thải ra môi trường và nạo vét đoạn mương nước thải chảy ra đóng váng đen; đồng thời dùng khử khuẩn để làm sạch. Phía chính quyền xã cũng yêu cầu đơn vị chăn nuôi sửa chữa, cải tạo lại đường ống, làm hố ga thu gom nước thải không được xả trực tiếp ra môi trường biển.

Nước thải chảy qua cống cắt ngang đê và tống trực tiếp thẳng ra biển.


Bà Lê Thị Sáu, Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: “Sau khi có phản ánh của người dân, xã đã lập đoàn kiểm tra và yêu cầu đơn vị phải khắc phục”. Cũng theo ý kiến của cán bộ xã, cái khó của xã là không đủ thẩm quyền để xử lí vì vấn đề quan trắc môi trường thuộc cấp chuyên môn ở sở nên khi người dân phản ánh thì xã chỉ ra kiểm tra và báo cáo lên cấp trên.

“Dù UBND xã không đủ thẩm quyền để thực hiện việc này nhưng đề nghị hai cơ sở cung cấp kết quả quan trắc định kỳ và các đợt quan trắc khác để xã nắm bắt, trả lời người dân” – bà Đặng Thị Hoàng Mai, công chức xã chia sẻ.

Có thể nói, việc nuôi tôm ở những vùng đất không phát huy được giá trị cây trồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cải thiện nhiều việc làm cho người dân địa phương. Tuy vậy, các chủ dự án nuôi tôm cần phải thực hiện đúng quy định trong việc xử lý nước thải tránh gây ô nhiễm môi trường. Thiết nghĩ về vấn đề này, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp xử lý mạnh để các chủ dự án nuôi tôm trả lại môi trường trong sạch cho người dân. Hơn nữa, tình trạng môi trường biển đang ngày càng bị ô nhiễm nên cần có sự tự giác của các doanh nghiệp và mỗi người dân trong vấn đề làm sạch môi trường sống.

Tác giả: Bùi Ánh

Nguồn tin: langmoi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP