Hương Khê

Hà Tĩnh: Dân kêu trời vì “không có miếng” vụ tham ô hơn 5 tỷ

Sau khi được giao đất để triển khai dự án trồng rừng cao su, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh (Công ty Cao su Hà Tĩnh), doanh nghiệp 100% vốn của Nhà nước, đã móc nối với doanh nghiệp tư nhân lập khống hồ sơ đền bù cho người dân, để hưởng lợi 5,2 tỉ đồng. Trong khi đó, hàng chục hộ dân thuộc vùng rừng phòng hộ đầu nguồn xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lại rơi vào tình cảnh “có tiếng mà không có miếng”.

Lập hồ sơ khống rút ruột tiền tỉ của Nhà nước
Mới đây, Thượng tá Phạm Văn An, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với các đối tượng đã có hành vi lập hồ sơ khống để tham ô 5,2 tỉ đồng tiền của Nhà nước.
Theo đó, các đối tượng bị bắt tạm giam gồm: Nguyễn Văn Hà (SN 1971, trú tại tỉnh Hải Dương), nguyên Giám đốc Công ty Đại Phát và Ngô Đăng Khoa (SN 1973, trú tại Nghệ An), nguyên Trưởng ban rừng phòng hộ Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Sáng 28/8, cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Ngọc Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh vì đã có hành vi cấu kết lập hồ sơ khống.
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, năm 2010, Công ty Cao su Hà Tĩnh triển khai dự án đầu tư trồng rừng cao su trên 1.000ha tại xã Cẩm Mỹ và Cẩm Quan (Cẩm Xuyên). Nhưng diện tích đất Công ty Cao su Hà Tĩnh khảo sát thuê để trồng cây cao su trùng với khu vực trước đó UBND tỉnh cấp cho Công ty chế biến gỗ xuất khẩu Đại Phát. Do vậy, Công ty Cao su Hà Tĩnh đã lập dự toán hỗ trợ cho Công ty Đại Phát 3,5 tỉ đồng và gửi vào tài khoản công ty này số tiền 1,7 tỉ đồng để chia nhau.
Cụ thể, cuối tháng 3/2010, ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Cao su Hà Tĩnh cùng với trợ lý Nguyễn Thanh Bình và Lê Hươm, Trưởng phòng kế hoạch thông qua Ngô Đăng Khoa, trực tiếp gặp Nguyễn Văn Hà, bàn bạc thỏa thuận để Công ty Đại Phát rút dự án trồng rừng nguyên liệu cho Công ty Cao su Hà Tĩnh thuận lợi làm thủ tục thuê đất. Tuy nhiên, do Nguyễn Văn Hà đòi giá bồi thường hỗ trợ quá cao (10 triệu đồng/ha) nên thỏa thuận không thành công.
Khoảng một tuần sau, Trần Ngọc Sơn và Nguyễn Thanh Bình tiếp tục gặp Nguyễn Văn Hà, Ngô Đăng Khoa bàn về chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam là chỉ đền bù tối đa 5 triệu đồng/ha và thống nhất bồi thường cho Công ty Đại Phát 3,5 tỉ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên 1,7 tỉ đồng, nhưng kèm điều kiện là phải nhanh chóng làm thủ tục trả đất để Công ty Cao su thuê và được Nguyễn Văn Hà chấp nhận. Còn Ngô Đăng Khoa ra điều kiện số tiền 1,7 tỉ đồng phải chuyển vào tài khoản của Công ty Đại Phát và giữ kín thông tin không cho ai biết.
Đầu tháng 4/2010, Công ty Cao su Hà Tĩnh chuyển tiền vào tài khoản của Công ty Đại Phát 5,2 tỉ đồng. Trong đó, 3,5 tỉ đồng là chi phí cơ hội đầu tư và chi phí để công ty này bỏ ra làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận đầu tư; còn 1,7 tỉ đồng được chia làm đôi, 1,2 tỉ đồng cho Ngô Văn Khoa và 500 triệu đồng cho Trần Ngọc Sơn.
Sau khi chuyển tiền vào tài khoản Công ty Đại Phát, Trần Ngọc Sơn đã hướng dẫn Nguyễn Văn Hà chỉ đạo cán bộ chuyên môn lập khống chứng từ, bảng kê và hồ sơ bồi thường số tiền 5,2 tỉ đồng. Được biết, đây là vụ án tham ô xảy ra trong doanh nghiệp chiếm hữu 100% vốn Nhà nước.

Dân kêu trời vì "không có miếng" vụ tham ô hơn 5 tỷ ở Hà Tĩnh - Ảnh 1

ông Ngô Đăng Khoa – nguyên Trưởng ban rừng phòng hộ Cẩm Xuyên, bị bắt tạm giam. (ảnh: Công an Hà Tĩnh cung cấp).
Dân bức xúc vì có tên nhưng không có tiền…?
Những ngày gần đây, dư luận địa phương hết sức bất ngờ trước việc một số hộ dân thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên có danh sách trong diện được hưởng tiền đền bù trồng rừng cao su, nhưng trên thực tế họ là những người không nhận được một đồng nào từ dự án này. Vì thế, họ đã rơi vào tình cảnh “có tiếng mà không có miếng”, khi danh sách được hỗ trợ trồng rừng lên đến số tiền hơn 2,5 tỉ đồng!
Hơn 50 hộ dân ở xóm 4 ở Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) đang muốn tìm câu trả lời cho việc tại sao tên của họ lại xuất hiện một cách khó hiểu trong một bản danh sách được nhận tiền đền bù trồng rừng cao su. Người có tên ở đầu danh sách này là ông Dương Hữu Tuấn được nhận hơn 100 triệu đồng. Nhưng thực tế, ông không hề biết cho đến khi được mời đến họp về sự việc này. “Chúng tôi không hiểu vì sao tên mình lại có trong danh sách nhận tiền đền bù, bởi số tiền đó không biết ai nhận, nhận ở đâu và số lượng bao nhiêu? Chúng tôi kính mong các cơ quan chức năng cùng vào cuộc một cách khách quan, minh bạch vấn đề này để trả lại tiền cho Nhà nước”.

Dân kêu trời vì "không có miếng" vụ tham ô hơn 5 tỷ ở Hà Tĩnh - Ảnh 2

Người dân xã Cẩm Mỹ bức xúc trước việc bị mạo danh để nhận tiền đền bù

Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, trong Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, không hề có thông tin nào liên quan đến Công ty Đại Phát, cũng như không có diện tích đất rừng của Công ty Đại Phát tại rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên quản lý. Thế nhưng trước đó, ngày 12/5/2010, Công ty Cao su Hà Tĩnh có biên bản thỏa thuận đền bù 5,2 tỉ đồng cho Công ty Đại Phát.
Theo nội dung đã thỏa thuận, Công ty Cao su Hà Tĩnh đã thanh toán chuyển số tiền 5,2 tỉ đồng cho Công ty Đại Phát thông qua ba lần chuyển tiền từ tháng 8/2010 đến tháng 12/2011. Trong đó có “chi phí đầu tư trên diện tích thu hồi các hộ dân giao khoán trồng rừng nguyên liệu” là 2,52 tỉ đồng. Liền sau đó, Công ty Đại Phát bắt đầu làm thủ tục đền bù, hỗ trợ cho người dân trong khu vực. Các giấy tờ liên quan thể hiện người dân đã nhận tiền dần được thiết lập, con số chi đền bù lên đến hàng tỉ đồng… Nhưng lạ thay, người dân không hề hay biết rằng mình được nhận đền bù, chứ chưa nói đến việc họ cầm được một xu tiền đền bù hỗ trợ.
Trên thực tế, thời điểm đó, Công ty Đại Phát chưa đầu tư gì trên diện tích trồng rừng nguyên liệu tại địa phương. Số diện tích đất này do người dân xã Cẩm Mỹ trực tiếp trồng rừng và bảo vệ rừng theo các dự án trồng rừng nguyên liệu và dự án trồng rừng 661 của Nhà nước, thuộc BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên quản, bảo vệ. Rõ ràng, Quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ giao thu hồi rừng phòng hộ Cẩm Xuyên cho Công ty Cao su Hà Tĩnh thuê chứ không phải là Công ty Đại Phát. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công ty Đại Phát lại xuất hiện trong một thỏa thuận, nhận hàng tỉ đồng mà nhẽ ra, số tiền đó là khoản đền bù, hỗ trợ cho người dân được giao khoán trồng rừng, hay BQL rừng phòng hộ Cẩm Xuyên.
Theo những người dân ở địa phương, chỉ có một manh mối duy nhất để có thể lý giải cho danh sách khống này là vào năm 2010, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã thuê một số người dân địa phương hợp đồng chặt bỏ những đồi cây keo lai để phủ xanh những rừng cao su… Và danh sách này dựa trên những hộ dân nhận hợp đồng thuê khoán trồng rừng nguyên liệu từ đó.
Tai hại nhất là phá mất một rừng thông thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn để trồng cây cao su, nhưng do không hợp khí hậu và thổ nhưỡng nên giờ khu rừng vẫn chỉ là những quả đồi trọc. Kết quả là, những gốc keo già trơ gốc, cây cao su thì chưa kịp lớn. Thế nhưng, dự án kia lại được báo cáo là đã hoàn thành và kết thúc. Chỉ có người dân là giật mình không biết họ đã được nhận hơn 2,5 tỉ đồng vào lúc nào!?
Ngày 29/8, Thượng tá An cho biết, hiện cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục mở rộng, làm rõ vụ án.
THIỆN QUYỀN – LOAN NGUYỄN


Xem thêm Clip lãnh đạo công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh tham ô tài sản:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP