Kinh tế

Hà Tĩnh đảm bảo cung ứng hàng hóa dịp

Chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường mua sắm Tết tại Hà Tĩnh đã rất sôi động. Các siêu thị lớn, doanh nghiệp trên địa bàn đưa nhiều chương trình kích cầu, bình ổn giá phục vụ khách hàng.

Anh Trần Giang Nhật Thảo, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho biết, phục vụ Tết 2017, hệ thống siêu thị Co.opmart dự trữ 110.000 tấn hàng, dự kiến tăng trưởng năm nay là 15%. Trong đó, những mặt hàng thiết yếu như: dầu, gạo, mắm, muối… dự kiến tăng trưởng 5%. Mặt hàng tăng trưởng cao nhất là bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá…

Năm nay, Co.opmart chú trọng phát triển nhóm hàng có nhãn riêng của siêu thị với hơn 1.000 sản phẩm, chiếm 20% lượng hàng phục vụ Tết. Nhóm hàng địa phương lên kệ siêu thị Co.opmart được chú trọng trong năm nay với hơn 55% nhóm hàng thực phẩm là hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ của các địa phương trong tỉnh, chủ yếu là thực phẩm tươi sống và nông sản.

Để kích cầu tiêu dùng, ngay từ những ngày đầu tháng 12 dương lịch, Co.opmart tung ra nhiều chương trình khuyến mãi với giá giảm từ 5 – 15%. Tại các siêu thị lớn như Vinmart hay các cửa hàng tiện ích, tạp hóa lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, không khí Tết nhộn nhịp khi các giỏ quà Tết rực rỡ màu sắc bắt đầu lên kệ.

Nắm bắt nhu cầu về thực phẩm sạch và các đặc sản địa phương của người tiêu dùng, năm nay Doanh nghiệp tư nhân Tân Thanh Phong (huyện Hương Khê) chuẩn bị lượng lớn cam phục vụ Tết.

Chị Lan, nhân viên cửa hàng hoa quả Tân Thanh Phong, thành phố Hà Tĩnh cho biết, thông thường, từ dịp Tết ông Táo, mỗi ngày cửa hàng bán gần 2,5 tấn cam với giá 70.000 – 75.000 đồng/kg. Do doanh nghiệp Tân Thanh Phong có sự liên kết với các hộ trồng cam, lượng cam Tết được dự trữ tại vườn từ trước nên cam bán ra từ doanh nghiệp không bị “đẩy giá”, hầu như năm nào cũng ổn định.

Tại chợ đầu mối Hà Tĩnh, việc chuẩn bị các loại hàng hóa như rau, củ, quả dịp Tết được các tiểu thương triển khai từ đầu tháng. Anh Tiến, chủ cửa hàng cung cấp sỉ, lẻ rau củ quả ở đường Hà Tôn Mục (cổng sau chợ thành phố Hà Tĩnh) chia sẻ, từ đầu tháng 12 dương lịch, thương lái ở các huyện đặt hàng chuẩn bị cho việc bán Tết. Rau, củ, quả được cửa hàng anh nhập về chủ yếu từ Đà Lạt và các tỉnh phía Bắc. Anh Tiến chia sẻ, do có sự chuẩn bị trước nên giá cả các mặt hàng rau, củ, quả dịp Tết có tăng nhưng không nhiều.

Theo nhận định Sở Công Thương Hà Tĩnh, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, điện máy tăng mạnh trong dịp Tết. Dự kiến trong 2 tháng trước và sau Tết nguyên đán, nhu cầu sử dụng gạo của người dân sẽ là 27.300 tấn; 1.000 lít dầu ăn; 35.700 tấn rau củ quả. Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 80 siêu thị, siêu thị mini và doanh nghiệp lớn cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn.

Anh Võ Tá Nghĩ, Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, Sở đã ban hành kế hoạch bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Cơ quan này cùng doanh nghiệp chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung – cầu hàng hóa, nhất là mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng thiếu, găm hàng, tăng giá đột biến hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Dịp Tết, Sở Công Thương Hà Tĩnh khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng sản xuất trong tỉnh và thực hiện chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”.

Hoàng Ngà (TTXVN)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP