Người đương thời

Hà Tĩnh: Đại úy Trần Đình Giáp và những lần chữa cháy muộn

Tôi hẹn gặp anh những ngày cuối mùa thu tháng 9, lúc ấy, đơn vị anh đang hân hoan kỷ niệm 55 ngày truyền thống của lực lượng phòng cháy, chữa cháy vào đầu tháng 10 sắp tới. Hòa chung niềm vui đó, anh cũng tiếp đón tôi trong không khí rất chân tình, cởi mở.

Gặp Đại úy Trần Đình Giáp ngoài đời, ít ai biết người cán bộ trẻ tuổi với làn da trắng được thừa hưởng từ mẹ ấy lại là người trực tiếp xông pha dập tắt hàng trăm đám cháy lớn nhỏ trên địa bàn. Với khuôn mặt thư sinh và nụ cười rất hiền, anh chinh phục được người đối diện bởi tính cách điềm đạm và suy nghĩ chín chắn so với tuổi đời 31.  Hơn 12 năm trong nghề, từ một anh sinh viên trường Trung cấp phòng cháy chữa cháy, cho đến học viên trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, rồi đến Phó đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp bây giờ, là cả một chặng đường dài phấn đấu không  mệt mỏi. Ấy thế mà, anh chẳng bao giờ chịu nói về bản thân, mà phải hỏi kỹ lắm anh mới mở lòng kể cho tôi nghe về chuyện đời, chuyện nghề của mình.

hatinh24h
Đại úy Trần Đình Giáp

Anh sinh ra trong gia đình chẳng có ai theo truyền thống lực lượng, ấy thế mà ngay từ nhỏ chứng kiến những lần xảy ra tai nạn hỏa hoạn, sự cố cháy nổ, thảm họa thiên nhiên thì ngay lập tức sẽ xuất hiện những người lính chữa cháy với nhiệm vụ giúp đỡ, cứu hộ cho người dân và tài sản của họ. Chính vì vậy, mơ ước của anh, chẳng có gì khác là khi lớn lên sẽ trở thành lính cứu hỏa. Quả thật, nghề lính cứu hỏa vinh quang là như vậy, nhưng trên thực tế, đây không chỉ là một công việc đầy hiểm nguy mà để trở thành một lính cứu hỏa tốt, người ta phải trải qua rất nhiều thách thức cũng như lịch làm việc luôn vất vả, ngặt nghèo.

Trầm ngâm nhấp chén trà khi thời tiết chuyển thu, anh không nhớ nổi mình đã tham gia dập tắt bao nhiêu vụ cháy rừng khi vừa mới tốt nghiệp năm 2006, lúc ấy anh được phân công về đội chữa cháy Thị xã Hồng Lĩnh. Chục năm về trước, chàng trai chớm tuổi đôi mươi chẳng ngại xông pha trên những tuyến lửa, trèo đèo lội suối với đôi chân trần mà không hề sợ cảm giác bỏng rát. Anh tếu táo bảo rằng cái nghề của lính phòng cháy này thật kỳ lạ, khi mà người ta thi nhau chạy ra đám cháy để thoát thân thì các anh lại lao vào đám cháy để mong cứu người và tài sản.

Nhớ lại kỷ niệm trong nghề của mình, anh vẫn không quên đêm 30 tết năm 2009, khi đơn vị đang chuẩn bị những thứ cần thiết để đón giao thừa chào năm mới, thì đơn vị nhận được tin báo nhà anh Nguyễn Đăng Khoa ở huyện Kỳ Anh, chuyên kinh doanh phụ tùng xe máy bị cháy dữ dội. Ngay lập tức anh cùng 24CBCS, và 3 xe chữa cháy được xuất, phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh ngay lập tức tham gia chữa cháy, khi vào đến nơi toàn bộ ngôi nhà 3 tầng khang trang của anh Khoa đã bị bao trùm bởi “giặc lửa”. Chẳng quản ngại hiểm nguy, anh cùng CBCS tham gia đã xông vào áp chế ngọn lửa với những vòi phun được mở rộng hết sức tối đa, cùng anh em mau chóng đưa tài sản ra ngoài. Nhờ sự nhanh nhẹn, dũng cảm anh cùng đồng đội đã làm giảm bớt thiệt hại về tài sản cho gia đình anh Khoa. Khi dập tắt xong đám cháy, trở về đơn vị cũng đã quá nửa đêm, người lính như anh lại ngậm ngùi lỡ hẹn với vợ con một lần nữa đêm giao thừa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của minh.

Nhưng có lẽ vụ hỏa hoạn làm anh nhớ nhất trong cuộc đời làm lính phòng cháy là vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 11/7/2008. Lúc đó là vào 11h40 phút, Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH nhận được tin báo qua điện thoại 114, cháy xảy ra tại Nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Tân Trường Phát tại khu công nghiệp Vũng Áng – Kỳ Anh. Sau khi nhận được tin, anh cùng 11CBCS, 2 xe chữa cháy được xuất nhanh chóng lên đường. Sau hơn 1 giờ đơn vị đã tiếp cận được đám cháy và triển khai đội hình phun nước để khống chế ngọn lửa, hạn chế cháy lan và bảo vệ các công trình xung quanh. Khi lực lượng PCCC đến, đám cháy đã bao phủ rất lớn diện tích chứa hàng ngàn tấn sản phẩm gỗ băm dăm và đang cháy lan sang một số đống gỗ tròn 15.000 tấn, khu vực nhà xưởng và xí nghiệp nhựa thông bên cạnh. Lúc đó tình hình gió tây nam thổi mạnh cấp III, cấp IV, nắng nóng kéo dài nhiều ngày, không có mưa nên đám cháy phát triển dữ dội. Chưa kể do nguồn nước chữa cháy tại cơ sở không đáng kể, hệ thống cấp nước tại khu công nghiệp chưa có, nguồn nước tự nhiên cách đám cháy gần 2km nên anh cùng với anh em chiến sỹ phải sử dụng đội hình tiếp nước con thoi để chữa cháy, bảo vệ các công trình và vật liệu xung quanh. Sử dụng các lăng có công suất lớn, chữa cháy cắt tầng, cắt lớp dùng máy ủi di dời sản phẩm gỗ băm dăm chưa cháy ra khu vực an toàn. Phải đến 16h ngày 13/7/2008 đám cháy mới được khống chế dập tắt hoàn toàn. Như vậy sau 36h đồng hồ với tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, áp dụng chữa cháy phù hợp trong từng thời điểm chữa cháy, anh cùng đồng đội đã bảo vệ được toàn bộ các đống gỗ tròn 15000 tấn, dây chuyền sản xuất, các phân xưởng, khu làm việc và các nhà máy xung quanh trị giá hàng chục tỷ đồng. Chưa kể còn cứu được 5000 tấn gỗ băm dăm trong khu vực cháy ra nơi an toàn. Anh kể lại lần đó do bức xạ nhiệt của ngọn lửa quá lớn khiến khuôn mặt anh tưởng như cũng bùng cháy theo lửa, đôi ủng đi lại một phần do quá nóng chảy thành nhựa dưới chân, trong tình thế cấp bách đó thì việc đặt trên vai việc dập lửa và cứu lại tài sản cho doanh nghiệp mới là quan trọng nhất mà anh quên mất rằng bàn chân anh đang rướm máu dưới đôi ủng đã tan chảy đi vì nhiệt.

Sự hi sinh thầm lặng của anh đóng góp chung vào sự hi sinh thầm lặng rất đỗi cao đẹp của người chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy & chữa cháy luôn tỏa sáng trước ngọn lửa, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân. Chẳng nhớ bao nhiêu lần bị xây xước, chẳng nhớ bao nhiêu lần bị bỏng rát, anh vẫn luôn cho rằng “Nghề lính không ít nguy hiểm nhưng đầy tự hào, bất kể lịch trình, các cuộc gọi khẩn cấp, thường xuyên yêu cầu lính cứu hỏa luôn trong tư thế tác chiến kể cả trong giấc ngủ. Cho nên, nếu được làm lại, chọn lại tuổi trẻ của tôi một lần nữa, tôi vẫn luôn yêu màu áo lính chữa cháy”.

Năm 2013, giữa lúc Đội Tham mưu Tổng hợp đang thiếu người, nhân lực còn mỏng kinh nghiệm. Anh được cấp trên tín nhiệm đề bạt Phó Đội trưởng Đội Tham mưu, nhưng khi đơn vị cần người chữa cháy, anh lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Điển hình như đêm ngày 17/9/2016 gần đây anh còn cùng đơn vị tham gia chữa cháy ở Chợ Sơn Hương Khê và khẩn trương vận chuyển hàng hóa của tiểu thương ra ngoài khu vực đám cháy.

Với những cống hiến không mệt mỏi, trong 3 năm 2008,2009,2015 anh đều đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở; năm 2008 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích trong chữa cháy Tân Trường hát; năm 2013 được Bộ Công an tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học; năm 2015 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Hội thao kỹ thuật nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ toàn tỉnh năm 2015.

Kết thúc buổi trò chuyện cùng anh, tôi càng thêm “thấm” những nỗi vất vả của người lính phòng cháy. Bất kể ngày hay đêm, dù trời nắng hay mưa, các anh – những người chiến sỹ không ngại khó khăn, gian khổ để chiến đấu với “giặc lửa” bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho biết bao gia đình, góp phần giữ vững bình yên cho mọi người. Có lẽ chính vì vậy mà hình tượng những anh lính chữa cháy cùng với vòi rồng phun nước luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng nhân dân và ươm mầm ước mơ cho biết bao thế hệ cậu bé mong muốn được trở thành như Đại úy Giáp năm xưa đã từng./.

THANH NGÀ – ANH LÊ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP