Hà Tĩnh ngày nay

Hà Tĩnh: Cựu chiến binh đạp xe hơn 100km vào viếng Đại tướng

Chỉ với chiếc xe đạp cọc cạch, không ai tin ông Lê Văn Hùng (62 tuổi, xóm Bảo Am – Thạch Vĩnh – Thạch Hà – Hà Tĩnh) lại có thể vượt hơn 100km trong thời tiết mưa bão để vào Đảo Yến – Vũng Chùa (Quảng Đông – Quảng Trạch – Quảng Bình) viếng Đại tướng.

Nhập ngũ năm 1972, từng tham gia chiến đấu tại Lào và chiến dịch giải phóng miền Nam lịch sử dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên khi hay tin Đại tướng qua đời, ông Hùng rất đau xót, không thể diễn tả thành lời. “Biết tin bác Giáp mất nhưng do nhà tui không có tivi nên không biết bác được chôn cất ở mô hết, thương bác lắm” – ông Hùng chia sẻ.


“Hôm 13/10 tôi có qua nhà hàng xóm chơi, biết được bác Giáp được chôn cất ở Đảo Yến – Vũng Chùa, thấy đường không xa lắm nên tôi quyết định sẽ đạp xe vào tận nơi thắp hương cho bác. Mọi người trong xóm khi biết tôi có ý định như rứa, ai cũng khuyên tôi không nên đi, mà có đi chắc gì đã đi vào tới nơi nhưng tui vẫn đi. Tối hôm đó, tôi nấu cơm đủ cho bốn bữa ăn để mang theo. 5h sáng hôm sau (14/10), do ảnh hưởng của bão số 11 nên trời mưa to, gió lớn lắm phải đến 4h chiều tôi mới vào tận nơi” – ông Hùng nói.


“Năm 1968 tôi có cơ hội được gặp bác Giáp, khi đó tôi mới 17 tuổi, bác Giáp cùng với bác Lê Duẩn về thăm huyện ủy. Đó là lần đầu tiên tui được gặp bác. Nay mới có cơ hội gặp lại thì bác đã mất đi. Thật đau xót!” ông Hùng ngấn lệ.


Chia tay Đại tướng, chia tay đất Quảng Bình, ông Hùng cũng kịp lấy 1 nắm đất trên mộ đại tướng để về thờ cùng với di ảnh của bác Giáp.



Ông Phạm Công Ngụ bên bức ảnh kỷ niệm về Đại tướng.


Cũng trong thời gian này, PV tiếp xúc với ông Phạm Công Ngụ (47 tuổi, Xóm Mới – Thạch Bình – TP Hà Tĩnh), người đã có may mắn vẽ hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp với trung tướng Văn Cương trên đá.


Ông Ngụ kể Năm 1992, khi ấy tôi còn theo học trường Sĩ quan chính trị quân sự Bắc Ninh, tướng Giáp về thăm và trò chuyện với cán bộ chiến sĩ tại trường. Những lời nói hôm đó của tướng Giáp như hằn sâu trong tâm trí chung tôi: “Chính trị phải gắn liền với quân sự, một cán bộ không chỉ giỏi về công tác tư tưởng, tổ chức mà còn phải giỏi trong chiến đấu”.


“Tôi may mắn là người chụp ảnh và khắc hình cho tướng Giáp trên tấm bia đá. Phải mất hơn 1 tháng tôi mới hoàn thành xong 2 bức hình. Một bức hình dành tặng Đại tướng, bức còn lại lưu giữ tại trường như một minh chứng lịch sử. Sau này, khi ra trường, tôi đã vẽ lại bức hình khác và giành được giải “Báu vật gia truyền” do hiệp hội làng nghề tổ chức.” – Ông Ngụ trải lòng.


Biết tin Đại tướng về với đất mẹ Đảo Yến – Vũng Chùa, ông Ngụ đã 7 lần tới thắp hương, ông chia sẻ: “Với những cựu binh như chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một vị cha già, suốt đời chỉ lo cho dân tộc, một người mà cả đời này chúng tôi sẽ mãi ghi nhớ, thật là một mất mát quá lớn”.


Trong lần gần đây nhất trở lại thăm Đại tướng, ông Ngụ đã mang theo sản phẩm của các cháu tật nguyền, con của các thương binh có hoàn cảnh khó khăn của trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Thành Sen mà ông làm giám đốc là bộ bàn ghế giả tre tặng cho khu mộ Đại tướng để cho những du khách tới viếng mộ có chỗ nghỉ chân.


Phan Chính – Đức Lê

Người Đưa Tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP