Nông Thôn Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Công trình nước sạch nông thôn xây dựng nhiều, hiệu quả ít!

Hà Tĩnh hiện có 57 công trình cấp nước nông thôn tập trung, nhưng chỉ có 21 trong số đó còn phát huy hiệu quả. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có những giải pháp bền vững trong việc xây dựng, quản lý, vận hành… các công trình nước sạch nông thôn.

Gần 50% công trình không phát huy hiệu quả


Vẫn là câu chuyện cũ, qua nhiều đợt thanh, kiểm tra thì vấn đề công trình nước sạch không phát huy hiệu quả vẫn là chủ đề “nóng”, luôn được người dân quan tâm. Từ năm 2006 trở về trước, hàng loạt công trình nước sạch nhỏ, lẻ được đầu tư xây dựng.


Xét cho cùng, việc tranh thủ các nguồn lực là hợp lý, giải quyết phần nào vấn đề bức thiết ở giai đoạn đó. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế, “miếng bánh” chia nhỏ, manh mún, phân tán, việc quản lý nhà nước về vấn đề nước sạch không thu về một mối…, dẫn đến nhiều công trình đầu tư không phát huy hiệu quả.


Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 57 công trình cấp nước nông thôn tập trung, thế nhưng số phát huy hiệu quả chỉ vẻn vẹn khiêm tốn với 21 công trình. Số còn lại chỉ sử dụng được một phần, có công trình trở thành “đống phế liệu” ngay sau khi hoàn thành. Có thể kể tên được cả chục công trình hư hỏng, không có khả năng phục hồi như: Tân Lộc (Lộc Hà); Cương Gián (Nghi Xuân); Sơn Kim 1; trạm cấp nước xã Sơn Trà (Hương Sơn)….


Ông Trần Huy Oánh – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết: “Trong số các công trình không phát huy hiệu quả, nhiều công trình có cơ sở vật chất khá kiên cố nhưng do nhiều nguyên nhân bất cập nên bị bỏ hoang ngay sau khi hoàn thành”.


Mới đây, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh và các huyện, thị đã tiến hành rà soát, kiểm tra 26 công trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Có thể coi đây là lần “khám tổng thể” để các nhà chức trách tìm ra “bệnh” và cách “chữa”. Theo Phó chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh: “Tồn tại phổ biến là đơn vị tư vấn thiếu năng lực, chủ đầu tư “buông lỏng”, thiếu minh bạch trong công tác chỉ định thầu và đấu thầu khiến cho hàng loạt công trình bị ngưng trệ hoặc “lạc hậu” ngay sau hoàn thành; một số công trình nghiệm thu sai khối lượng hoặc không có hồ sơ thanh quyết toán. Tất nhiên, không thể không kể đến sự thờ ơ, thiếu ý thức trong việc khai thác và bảo vệ công trình ở địa phương”.


Cần những giải pháp bền vững


Sau khi tiến hành rà soát, kiểm tra 26 công trình cấp nước tập trung, UBND tỉnh đã phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị liên quan từng công trình cụ thể để có hướng giải quyết hợp lý. Theo đó, bên cạnh khảo sát, đề xuất sửa chữa, phục hồi 8 công trình cấp nước nhỏ thì 10 công trình không phát huy hiệu quả sẽ bị “khai tử” khỏi hệ thống.

Công trình nước sạch nông thôn: Xây dựng nhiều, hiệu quả ít!

Bên cạnh 8 công trình được đề xuất sửa chữa, có 10 công trình không phát huy hiệu quả sẽ bị “khai tử” khỏi hệ thống.

Như vậy, những công trình ngưng trệ sẽ phải chuyển đổi mục đích, dồn nguồn lực về một mối, chấm dứt tình trạng đầu tư tràn lan. Theo đó, các công trình nằm trong danh mục được sửa chữa đợt này sẽ phải đảm bảo các tiêu chí quan trọng như: phải phù hợp với nhu cầu của người hưởng lợi; việc phục hồi không đòi hỏi kinh phí quá lớn nhưng phải phát huy hiệu quả ngay và có được sự đồng thuận tham gia đối ứng của người dân, nhằm tránh dư nợ cho công trình.


UBND xã Thạch Long (Thạch Hà) đang chuẩn bị bàn giao công trình cấp nước cho Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh sau hơn 2 năm chật vật tìm cách vận hành. Ông Nguyễn Viết Thường – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết: “Một công trình, hai bộ máy quản lý nên dù được đầu tư hiện đại cũng không có cách nào hoạt động được. Bàn giao lại cho Công ty TNHH MTV Cấp nước Hà Tĩnh khai thác và quản lý là cách quy về một mối để khai thác trở lại, phục vụ nhu cầu của người dân”.


Ông Nguyễn Hồng Quang – Giám đốc Trung tâm NS&VSMT nông thôn cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành công tác tập huấn về Bộ chỉ số đánh giá Chương trình NS&VSMT nông thôn trên toàn tỉnh. Không chỉ phản ánh đầy đủ hiện trạng tình hình thực hiện chương trình mà còn là cơ sở quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Tuy nhiên, công trình nước sạch mang tính chất công ích là chính, khai thác nguồn nước là một chuyện, giữ được nó mới là điều quan trọng. Điều đó, không thể thiếu sức mạnh của toàn xã hội, sự chung tay của cộng đồng trong việc xây dựng mô hình quản lý mới cho công trình nước sạch”.


Muốn vậy, trước hết ngành chức năng cần sớm xây dựng mô hình điểm về công tác vận hành quản lý, vận hành. Phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng cho từng thành viên ban điều hành Chương trình MTQG NS&VSMT nông thôn, gắn trách nhiệm cũng như sự xâu nối giữa các thành viên. Cần cân nhắc phương án thiết kế dư trong mỗi đợt nâng cấp, sửa chữa công trình; dự bị thêm một vài công trình để tiếp tục sàng lọc, đồng bộ nếu công trình được lựa chọn không đáp ứng được yêu cầu. Có như thế, vừa tạo động lực tại công trình, vừa là cách để chia sẻ với doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực công ích này.


Nguyễn Oanh

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP