Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh có nên chi 46 tỉ đồng mở đường vào dự án Văn Miếu?

Thông tin TP. Hà Tĩnh sẽ triển khai dự án mở đường vào Văn Miếu Hà Tĩnh với kinh phí 46 tỉ đồng gây dư luận nhiều chiều, trong đó nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng thuận.

Văn miếu Hà Tĩnh xây xong từ năm 2019 nhưng đến nay chưa có đường vào. Ảnh: Trần Tuấn


Như Báo Lao Động đã thông tin, dự án “Phục hồi và phát huy giá trị Di tích Văn Miếu Hà Tĩnh” được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt năm 2010 với tổng vốn đầu tư 72 tỉ đồng, khởi công năm 2014, đến nay các hạng mục chính cơ bản đã hoàn thành nhưng chưa có đường vào.

Được biết, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng TP Hà Tĩnh vừa đề xuất kinh phí xây dựng gần 1km đường dẫn vào di tích Văn Miếu Hà Tĩnh với nguồn vốn hơn 46 tỉ đồng.

Thông tin nói trên gây dư luận nhiều chiều. Theo nhiều người dân, 46 tỉ đồng đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách lớn không phải là nhiều, nhưng đối với tỉnh Hà Tĩnh, thu ngân sách còn khiêm tốn và chưa cân đối được ngân sách, thì cần cân nhắc.

Theo Cục Thống kê Hà Tĩnh, năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế địa phương này chỉ tăng khoảng 0,53% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tính đến ngày 15.12.2020 đạt 10.126 tỉ đồng, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng chi ngân sách tính đến ngày 15.12.2020 đạt 18.917,1 tỉ đồng. Trong năm 2020, thiên tai gây thiệt hại hơn 5,4 nghìn tỉ.

Trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn, đường vào công trình Văn Miếu Hà Tĩnh có phải là dự án cần thiết, cấp bách?

Theo nhiều nhà nghiên cứu, dự án đường vào công trình văn hóa phục dựng như Văn Miếu Hà Tĩnh không phải là dự án cấp bách để phục vụ các nhu cầu dân sinh bức xúc hay trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về đặc trưng của dự án Văn Miếu Hà Tĩnh, nhà nghiên cứu Bùi Minh Hào (Nghệ An) nói: “Văn Miếu Hà Tĩnh hiện nay là công trình xây dựng mới 100% trên nền di tích cũ, khác biệt với Văn Miếu xưa cả về kiến trúc lẫn chủ thể thờ tự. Văn Miếu xưa thờ Khổng Tử là thần chính vị, cùng với các tiên hiền, tiên thánh, đại khoa. Văn Miếu Hà Tĩnh hiện đúc tượng thờ 5 vị, gồm: Chu Văn An, Nguyễn Du, Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Nguyễn Huy Oánh. Các danh nhân này đã có nơi thờ tự rồi. Thần chính vị của Văn Miếu xưa là Khổng Tử lại không có tượng thờ”.

“Những dự án như Văn Miếu Hà Tĩnh rất khó tạo ra sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Vì thông thường, du khách chỉ đến các công trình, địa điểm độc đáo, lạ, nguyên bản, nguyên gốc, chứ công trình phục dựng, xây mới hoàn toàn thì hoàn toàn không có giá trị về kiến trúc cổ” – ông Nguyễn Hữu Bắc – Chủ tịch Công ty Du lịch PhucGroup nhận định.

Theo người dân địa phương, mặc dù cơ bản khánh thành từ năm 2019, nhưng số lượng người dân, du khách đến tham quan, dâng hương tại công trình Văn Miếu Hà Tĩnh không nhiều. “Theo tôi, nguyên nhân người dân, du khách đến Văn miếu Hà Tĩnh chưa nhiều do công trình không có sự độc đáo về kiến trúc hay chủ thể thờ tự. Nói về công trình Văn Miếu, lâu nay trong nhận thức của mọi người, chủ yếu là nói đến Văn Miếu - Quốc tử giám Hà Nội, Văn Miếu Huế, được xây dựng ở kinh đô, cơ bản có đầy đủ các yếu tố gốc. Các dự án Văn Miếu địa phương phục dựng xây mới không đáp ứng được yêu cầu này”- nhà nghiên cứu Vĩnh Khánh (Hà Tĩnh) cho biết.

“Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp, đời sống người dân còn khó khăn, việc đầu tư số tiền lớn từ ngân sách để làm dự án không cấp thiết cần phải cân nhắc kĩ lưỡng. Nếu có thể lùi thời gian thực hiện hoặc triển khai phương án tiết kiệm tối đa” – ông Vĩnh Khánh nói.

Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Khánh, việc làm đường vào Văn Miếu Hà Tĩnh nếu làm thì không nên đầu tư ở mức kinh phí quá lớn, mà nên xem xét phương án làm đường cấp phối, rải đá dăm, hai bên trồng cây bóng mát với kinh phí vừa phải.

Tác giả: QUANG ĐẠI

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP