Giáo dục

Hà Tĩnh: Cô giáo tiếng Anh hồi sinh lại những ca khúc ví giặm bị lãng quên

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình không ai theo nghệ thuật. Thế nhưng bằng tình yêu dân ca, cô đã biến cái người ta lãng quên trở nên sống động thông qua ngôn ngữ thứ hai. Cô chính là Đặng Anh Phương, giáo viên tiếng Anh trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Chuyển lời ví giặm tiếng Việt sang tiếng Anh

Gặp cô vào một buổi cuối tuần, thay vì súng sính quần áo cùng bạn bè đi chơi để cà phê, hàn huyên thì cô lại miệt mài bên bàn làm việc của mình, cặm cụi viết viết, đọc đọc. Trò chuyện một lúc mới biết cô đang sáng tác lời bài hát mới để dạy cho những học trò nhí của mình tại câu lạc bộ ví giặm Tuổi hồng.

Không chỉ là một giáo viên giỏi chuyên môn, trong các hoạt động của trường THPT Nghi Xuân, cô luôn tích cực tham gia. Ảnh NVCC.

Chia sẻ cùng PV, cô Phương cho hay: “Nhà mình không có ai theo nghệ thuật, nhưng bà, bố và mẹ hát rất hay. Từ hồi bé, mình thường được nghe bà hát ví giặm cho ngủ. Nghe nhiều đâm ra nghiện, sau này lớn lên cứ mỗi lúc đi học về lại muốn bà hát cho nghe”.

“Bên cạnh đó, bố mình cũng rất hay hát dân ca nên cảm hứng đó được ngấm dần. Rồi sau khi đi học đại học, tham gia các hoạt động đoàn của trường đại học, mình cũng hay hát hò, tham gia văn nghệ nên đâm ra nghiện”, cô Phương trải lòng.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng cô Phương được nhận công tác tại một trường cấp 3 miền núi ở Hà Tĩnh, để truyền cảm hứng cho học trò học tiếng Anh, cô đã chuyển thể lời nhiều bài hát từ tiếng Việt sang tiếng Anh, đặc biệt thông qua các bài hát giúp các em nhớ từ vựng cực nhanh và lâu. Thế rồi, câu lạc bộ vui học tiếng Anh của cô ra đời.

“Ban đầu, tôi hướng dẫn các thành viên trong nhóm hát bài tiếng Anh bằng giọng cải lương, thấy các em khá hào hứng học. Dần dần, số học sinh xin tham dự vào câu lạc bộ tiếng Anh ngày một nhiều, thế là càng có động lực cho mình làm”, cô Phương trải lòng.

Hình ảnh cô cùng bạn diễn tham gia một MV. Ảnh NVCC.

Sau 5 năm công tác tại trường THPT Đồng Lộc (Hà Tĩnh), cô được chuyển về ngôi trường mới gần nhà hơn, chính là trường THPT Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Đây cũng là mảnh đất - cái nôi hình thành ra nhiều bài ví giặm, thế nhưng nó đang bị mai một, thay vào đó là dòng nhạc trẻ. Bằng tình yêu của mình với ví giặm, cô lại bắt đầu chuyển thể lời tiếng Việt sang tiếng Anh để những giờ ngoại khóa có thể dạy cho học sinh của mình.

“Ban đầu tôi chỉ chuyển thể những bài hát đơn giản, với những từ vựng đơn giản để các em có thể hát. Rồi tôi dành những giờ học ngoại khóa, những tiết học tự chọn hay những giờ sinh hoạt 15 phút văn nghệ đầu giờ, tôi lại hướng dẫn, tập hát cho các em. Tôi cũng khảo sát trong chính học sinh của mình, với cách học này, các em có nhớ từ mới không. Các em chia sẻ là có nên tôi càng có động lực để làm hơn. Tôi cũng cố gắng chuyển thể nhiều bài hơn và những từ vựng thường liên quan đến các chủ đề học trong sách giáo khoa”, cô Phương chia sẻ.

Cô Phương tâm sự thêm: “Trong tim tôi, tuổi thơ của tôi ví giặm cũng như dân ca Nghệ Tĩnh nó ngấm vào trong xương tủy. Đồng thời, tôi thấy xót xa khi những nét đẹp, riêng và độc đáo của quê hương mình đang bị phôi phai, thế hệ trẻ dường như đam mê chính những ca khúc nhạc trẻ, rock… mà không hề quan tâm đến cái giá trị cha ông để lại bởi vậy tôi cố tìm cách giữ”.

Cô từng là cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Ảnh NVCC.

Truyền cảm hứng yêu dân ca ví giặm cho thế hệ trẻ

Ngoài thời gian giảng dạy trên lớp, mỗi tuần cô vẫn dành 1-2 buổi của mình để dạy hát ví giặm cho câu lạc bộ Tuổi hồng. Cô Phương chia sẻ: “Muốn giữ được nét truyền thống, những câu ví giặm này thì chúng ta phải truyền lại cho chính thế hệ trẻ. Và cũng chính các con là người thay mình truyền cho các thế hệ tiếp theo”.

Những bài hát cô dạy cho những cô cậu học sinh nhí của mình với chủ đề rất gần gũi như: Tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, bác Hồ. Đồng thời, tại ngôi trường nơi mình đang công tác, cô cùng một số thầy cô thành lập câu lại bộ ví giặm.

Cô kể: “Ngày mới thành lập, câu lạc bộ ví giặm của trường THPT Nghi Xuân – Hà Tĩnh có rất ít thành viên. Nhưng một năm sau, đã có 60 thành viên chính thức, mỗi tháng sinh hoạt một lần. Tại các buổi sinh hoạt, các thành viên được học các lời mới của các bài ví giặm, đồng thời cùng nhau thảo luận cách để phát triển câu lạc bộ của mình, để nhiều người tham gia và cùng nhau bảo vệ di sản mà ông cha để lại".

Cô cũng trải lòng, những câu ví giặm chính là hồn quê hương, hồn dân tộc, bởi vậy nhìn nó bị tàn lụy, mai một cô thực sự không nỡ. Dường như những tâm huyết của cô đã dần thành công. Khi tháng 1.2016, câu lạc bộ ví giặm của trường THPT Nghi Xuân đã bảo vệ thành công đề tài “Bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh bằng các hoạt động trải nghiệm ở câu lạc bộ dân ca ví giặm trường THPT Nghi Xuân” tại hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh do Sở giáo dục Hà Tĩnh tổ chức và giành giải nhì.

Sống với đam mê, sống bằng chính tình yêu của mình, cô đã viết nên một câu chuyện ít người có thể viết được, cô đã góp công sức không nhỏ vào việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa của chính quê hương mình.

Tác giả: Xuân Diệp

Nguồn tin: Báo Công lý

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP