Người đương thời

Hà Tĩnh: Chuyện về Anh hùng Uông Xuân Lý

Chiến thắng Đồng Lộc đi vào lịch sử dân tộc như một sự khẳng định sức mạnh đoàn kết, tinh thần quả cảm chiến đấu hy sinh của nhân dân Việt Nam.

48 năm trôi qua với biết bao biến đổi thăng trầm, song ký ức về những tháng ngày quân dân ta “Sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường, dũng cảm” mãi lắng sâu trong trái tim người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Uông Xuân Lý.

Tiếp chuyện cùng chúng tôi, anh hùng Uông Xuân Lý chậm rãi kể lại câu chuyện cuộc đời mình. Năm 1960 học hết phổ thông, ông rời quê hương Sơn Phúc, huyện Hương Sơn theo học lái máy ủi tại Trường trung cấp cơ giới Hoà Bình. Sau 2 năm học tập, rèn luyện, tốt nghiệp ra trường ông đã tình nguyện mang sức trẻ, khát vọng tuổi thanh xuân cống hiến cho đất nước tại nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi vùng rừng núi Tây Bắc, nước bạn Lào và ở nhiều nơi khác.
hatinh24hChân dung anh hùng Uông Xuân Lý giữa đời thường

Năm 1966, ông tham gia Đội Thanh niên xung phong N39 miền Tây Nghệ An và đến tháng 5 năm 1967 chuyển về công tác tại Đội cơ giới thuộc Ty giao thông Hà Tĩnh. Tháng 4 năm 1968, Đội cơ giới được điều động đến ngã ba Đồng Lộc làm nhiệm vụ san lấp hố bom, đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt. Thời điểm đó tổ lái máy ủi của Uông Xuân Lý gồm 9 người do chính ông làm tổ trưởng.

Kể đến đây đôi mắt ông Lý nhìn xa xăm về về phía bầu trời Đồng Lộc và chia sẻ: “Thời điểm đó Đồng Lộc suốt ngày đêm máy bay gầm rít, bom đạn, pháo sáng như muốn nổ tung cả vùng đồi núi và thung lũng nhỏ hẹp này. Mặc cho bom cày, đạn xới, các lực lượng giải toả điểm chốt, chi viện chiến trường của ta vẫn dũng cảm kiên cường bám trụ với ý chí quyết tâm sắt đá thông tuyến, thông xe nhanh nhất có thể”.

Sau chiến thắng Đồng Lộc, Uông Xuân Lý tiếp tục tham gia làm đường ở nhiều nơi, đến tháng 2 năm 1973 ông được cấp trên điều về làm đội trưởng đội xe của Tổng đội Thanh niên xung phong 299 rồi làm công tác quản lý ở Công ty xây dựng đường 4 Nghệ Tĩnh. Trong suốt những năm tháng tham gia chiến đấu và lao động trên các mặt trận, Uông Xuân Lý đã nhiều lần bị thương với tỷ lệ thương tật 56%. Ông luôn bị hành hạ bởi những cơn đau dày vò cơ thể, nên vào thời điểm chia tỉnh năm 1991 ông được nghỉ hưu theo chế độ.

Trở về cuộc sống đời thường với biết bao vất vả lo toan, nhưng ông luôn gương mẫu, sống gần gũi, chan hoà và được mọi người hết mực tin yêu, kính trọng. Ngôi nhà nhỏ của ông Lý ở phường Trần Phú – TP Hà Tĩnh trở thành nơi tụ họp sum vầy của các đồng chí, đồng đội từng tham gia chiến đấu ở ngã ba Đồng Lộc và những cán bộ, kỹ sư, công nhân giao thông nơi ông công tác. Mỗi lần gặp mặt họ lại có dịp ôn lại nhiều kỷ niệm, ký ức xa xưa để rồi tất cả cùng đoàn kết, gắn bó bên nhau khi tuổi cao, sức khoẻ ngày một yếu dần.

Hình ảnh công việc bình dị thường ngày của ông

Ông Lý đã trọn một đời gắn bó với ngành giao thông, nếm trải nhiều gian khổ, hy sinh trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ở ngã ba Đồng Lộc. Với những chiến tích, cống hiến lớn lao đó, năm 2010, Uông Xuân Lý được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND.

Ông Đào Văn Tinh – Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Tĩnh vui mừng cho biết:  “Thời trai trẻ Uông Xuân Lý không tiếc tuổi thanh xuân và đến khi mái tóc đã bạc, đôi mắt ông vẫn luôn ánh lên niềm vui, niềm tự hào về một quá khứ đau thương nhưng rất đổi hào hùng. Những chiến công oanh liệt và cả những hành động, việc làm đầy ý nghĩa của ông giữa cuộc sống đời thường đã góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng thanh niên xung phong trên quê hương Hà Tĩnh”.

Ngã ba Đồng Lộc nơi một thời in đậm dấu chân ông

Mảnh đất Đồng Lộc xưa mang trên mình những hố bom chi chít, giờ đã thực sự hồi sinh. Màu xanh của cỏ cây, của không gian trải rộng những cung đường, ở đó có những người đã một thời làm nên lịch sử. Đặt chân lên mảnh đất thiêng, ngắm nhìn tượng đài chiến thắng Đồng Lộc kiêu hãnh dưới trời xanh, mây trắng anh hùng, Uông Xuân Lý lại bồi hồi nhớ về những tháng ngày “Đường ra trận mùa này đẹp lắm”.

Quang Toản

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP