Họ tộc tại Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chuyện học ở Làng tiến sĩ

Xã Kim Lộc (Can Lộc – Hà Tĩnh) xưa nay được mệnh danh là “Làng tiến sĩ”, bởi từ vùng đất này đã sản sinh biết bao thế hệ hiền nhân, danh sĩ, tiến sĩ (TS) lỗi lạc.

Dù là quê nghèo, cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn, song đối với người dân nơi đây sự học luôn được đặt lên tất thảy. Đất và người Kim Lộc vẫn đang tiếp tục tạo dấu ấn bằng việc học.

hatinh24h

Danh nhân sinh ra từ làng

Kim Lộc được biết đến như một vùng đất học nức tiếng gần xa. Nằm ở phía Tây sông Nghèn, vào thời Khải Định, Kim Lộc được gọi là làng cổ Nguyệt Ao thuộc huyện La Sơn. Bỏ xa sự bụi bặm, ồn ào, đông đúc của phố phường, làng cổ Nguyệt Ao nằm yên bình, khép mình với những nét trầm tư cổ kính. Cũng tại đây, ngôi nhà tưởng niệm vị Danh nhân văn hóa La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp được nằm uy nghiêm bên những tán xà cừ hàng trăm năm tuổi. Mảnh đất cằn cỗi này đã sinh ra lớp lớp anh tài làm rạng danh cho quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Văn Giai (86 tuổi), hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Bật cho chúng tôi xem những bút tích của vua Quang Trung gửi cho Nguyễn Thiếp. “Những bút tích này, không chỉ là niềm tự hào cho dòng họ mà còn là để nhắc nhở con cháu thế hệ sau phải phát huy truyền thống của cha ông”, ông tâm niệm.

Ông Trần Văn Hữu – Phó chủ tịch UBND xã Kim Lộc cho biết, tính đến nay, toàn xã Kim Lộc đã có 54 TS, có những gia đình tính cả cha, mẹ, con, cháu, dâu, rể, có tới 8 người là GS, TS. Hiện nay việc học tập của con em cũng được quan tâm, đầu tư nên ngày càng tiến triển.

“Cốt” và “cách” của đất học

“Cốt” để đất học Kim Lộc giữ được danh hiệu “Làng TS” chính là truyền thống hiếu học của cha ông. Dòng họ là nơi đã làm rạng danh thêm cho thành tích của xã.

Toàn xã có hơn 40 dòng họ thì đều là những dòng họ khuyến học. Những dòng họ có nhiều TS như dòng họ Nguyễn Bá có tới 9 GS, TS. Nhiều vị làm công việc đầu ngành như GS TS Nguyễn Thụ, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội; GS. TS Nguyễn Lâm Phương (con GS, TS Nguyễn Thụ) Phó TGĐ tập đoàn FPT Việt Nam. Một dòng họ nổi tiếng của xã nữa là dòng họ Nguyễn Viết cũng có nhiều người con đỗ đạt cao và giữ nhiều chức vụ quan trọng, như ông Nguyễn Văn Nga – GS. TS Môi trường; ông Nguyễn Thái Hòa – GS. TS nghiên cứu văn học, lịch sử…

Đến Kim Lộc, nguời dân vẫn không ngớt nhắc đến câu chuyện về 3 cậu bé ngày xưa thường đi chăn trâu với nhau cùng được phong hàm Phó Giáo sư, đều đến Văn miếu Quốc Tử Giám để nhận bằng và được ghi danh trên “bảng vàng” trong một ngày. Đó là: PGS Trần Văn Nam (Phó Hiệu trưởng trường ĐH An Ninh, TP.HCM); PGS Nguyễn Huy Nga (Cục trưởng cục Y tế Dự phòng) và PGS Trần Anh Tài (trường Đại học  Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội).

Một trong những cách hay để nhân dân xã Kim Lộc học tập tốt đó là thi đua. Ở các vùng trong xã, lâu này các dòng họ vẫn thường lấy thành tích học tập của con cháu mà “đọ” với nhau. Chính vì vậy, trong xã có những gia đình được mệnh danh là “phổ cập TS” hay “phổ cập đại học”. Chẳng hạn như gia đình Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, TS Trần Văn Huỳnh – nhà có đến 3 thế hệ đều là TS. Hay gia đình TS Nguyễn Thụ cũng có 6 người trong nhà là TS. Gia đình anh Nguyễn Văn Cầm (xóm Yên Hồ) có 3 con học đại học, nhà anh Thái Hòa (xóm Thượng Xá) có 4 con học đại học, anh Trần Văn Luận, Trần Văn Bính…đều có các con phổ cập đại học.

Năm nay, xã có 2 em đậu học sinh giỏi quốc gia (em Nguyễn Trọng Nhân đạt giải ba và em Trần Văn Dũng đạt giải nhì quốc gia môn Tiếng Anh). Năm học 2012-2013, toàn xã đã có 23 em đậu đại học, cao đẳng (trong tổng số 56 em tốt nghiệp lớp 12). Bình quân mỗi năm Kim Lộc có từ 20 đến 25 em đậu đại học, cao đẳng. Đặc biệt, năm nay có em Nguyễn Văn Đàn (xóm Phúc Tân) đậu cả Đại học Y Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Khuyến khích tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ, xã và các dòng họ luôn tổ chức các hoạt động khuyến học, khen thuởng những cá nhân có thành tích học tập tốt, tạo nguồn học bổng cho những em học giỏi nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

“Để con em có được tinh thần thi đua học tập tốt như vậy một mặt là nhờ cái “cốt” truyền thống hiếu học của xã, mặt khác là người dân đã ý thức được rằng học chính là con đường để thoát nghèo. Vì vậy, họ rất quan tâm đầu tư cho con em. Nhờ con em học tập tiến bộ đi ra rồi quay trở về đầu tư xây dựng quê hương nên Kim Lộc mới được như ngày nay”, ông Hữu chia sẻ.

Ông Trần Khương – Chủ tịch hội Khuyến học xã  Kim Lộc tự hào nói: “Ở đây có rất nhiều gia đình hai vợ chồng là nông dân chất phác, suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng lại nuôi ba, bốn đứa con học đại học, vì cha mẹ nghèo khổ nên chỉ có thể nuôi được đến đó rồi các con muốn học lên nữa thì phải tự lực cánh sinh. Khó khăn là vậy nhưng danh sách TS của xã không ngừng dài thêm”.

HẠNH NGUYÊN

Đại Đoàn Kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP