Địa Chí Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chuyện của những ngư dân đi vớt “lộc biển”

Biển động, gió mùa đông bắc thổi mạnh, sóng lớn đánh dạt những con sò lông vào bãi biển tạo thành những vệt trắng xóa. Bất chấp thời tiết lạnh giá, hàng trăm người dân ven bãi biển xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đổ xô đi nhặt “lộc” của biển. Với ngư dân nghèo, đó là nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, công việc tưởng chừng đơn giản ấy luôn có những nguy hiểm rình rập…

“Lộc biển” từ những đợt biển động

Thời gian cuối năm, những đợt gió mùa liên tục tràn về các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Cái lạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như công việc của nhiều người, trong đó có bà con ngư dân. Khác với nhiều vùng biển khác mỗi khi biển động, gió giật cấp 5, cấp 6, ngư dân thường thất thu thì đây lại là thời điểm bà con ven biển xã Thạch Hà và những vùng lân cận được hưởng nguồn “lộc” biển quý giá. Đó là những con sò lông giàu chất dinh dưỡng mà không phải năm nào và nơi đâu cũng may mắn có được. Cũng chính vì vậy mà khi chúng tôi đến vùng biển này, dù đang tất bật với công việc nhưng những nụ cười vẫn hiện hữu trên khuôn mặt rám nắng của các ngư dân.

Nhanh tay lựa mớ sò chồng mới vớt lên, chị Nguyễn Thị Thanh (37 tuổi, trú thôn Đại Hải) hồ hởi cho hay: “Người dân ở đây ít ruộng, mỗi khi biển lặng, cá ít khiến cuộc sống khá vất vả. Do đó, khi có đợt sò lông vào, ai ai cũng đổ xô đi nhặt bán kiếm ít tiền. Đợt sóng biển này, mỗi ngày vợ chồng tôi có thể vớt được hơn 30 kg sò lông. Với giá dao động từ 20- 30 nghìn đồng/kg bán tươi, tính ra mỗi ngày vợ chồng tôi cũng kiếm được non 1 triệu đồng. Công việc tuy vất vả nhưng vì lâu lâu mới có “lộc” của biển nên mừng lắm”. Chị Thanh còn cho biết thêm, sò lông là loại hải sản ngon và bổ hơn nghêu rất nhiều. Trong nhà hàng, người ra thường hay nấu cháo hoặc súp, không thì xào với sả hoặc nướng sa tế.

Theo chia sẻ của người dân nơi đây, cứ khoảng từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hàng năm, mỗi khi sóng to, biển động, thời tiết lạnh, sò lông biển thường quẩn dưới cát và bị sóng đẩy vào bờ. Bởi vậy, người dân ven biển xã Thạch Hà và những vùng lân cận tận dụng cơ hội để kiếm tiền triệu mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải năm nào, thời điểm nào cũng có thể bắt được loài hải sản này vì sò lông nằm sâu dưới đáy đại dương, ưa nhiệt độ lạnh. Chỉ những khi biển động, thời tiết lạnh, người dân mới có thể bắt được nó. Ông Nguyễn Xuân Biên (58 tuổi) cho hay: “Năm nay người dân chúng tôi gặp may khi có ba đợt sò lông dạt vào. Những năm trước, sò lông cũng nhiều lần bị dạt vào bãi biển nhưng không phải năm nào số lượng cũng nhiều như năm nay. Vậy nên, dân làng ai cũng phấn khởi lắm”.

Thoáng nhìn bãi biển dài hơn 5 km, rất đông người đang miệt mài vớt “lộc” của biển. Tùy vào tuổi tác, sức khỏe mà mỗi người làm những công việc phù hợp. Đàn ông có sức khỏe, đảm nhận nhiệm vụ cầm vợt tự chế xuống biển hứng những con sò được sóng biển đẩy vào. Còn trẻ em, người già ngồi trên bờ cát phân loại rác và vỏ của loài ốc, nhuyễn thể bị lẫn trong đám sò. Dù phải ngâm mình dưới dòng nước giá lạnh, nhưng những ngư dân này vẫn nở nụ cười  tươi rói. Từ dưới xa vọng lên, ông Nguyễn Văn Luyện nói: “Đây là lộc của biển, không phải khi mô (nào) cũng được như ri (vậy) cả. Thôi thì chịu khó lạnh vài ngày kiếm thêm ít tiền, sắm Tết cho vợ con”. Nói đoạn, ông tiếp tục dùng vợt cào con sò lông từ những đợt sóng biển đẩy vào.

Được biết, dụng cụ để vớt sò lông là những chiếc vợt tự chế, cán dài khoảng 2m, ở đầu bọc lưới xung quanh chiếc vành xe đạp hoặc vòng thép đường kính khoảng 60cm. Những người có kinh nghiệm trong việc vớt sò cho hay, để vớt hiệu quả đòi hỏi phải dứt khoát, nên đặt vợt xuống bên dưới và giữ thật chặt trước khi con sóng ập vào. Cứ như vậy, họ dễ dàng thu lượm được những món quà từ biển khơi gửi tặng.

Sau khi thu được “lộc” của biển, người dân nơi đây có thể bán tươi cho các thương lái đang đợi sẵn trên bờ hoặc đem về nhà luộc, sau đó lấy ruột bán. Thông thường giá những con sò lông đã luộc đắt hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba so với bán tươi. Cũng vì vậy mà nhiều nhà hàng quanh vùng thường thu mua lại của người dân, sau đó để tủ lạnh đợi mùa hè bán cho khách du lịch. Một điều đặc biệt nữa là giá trị sử dụng của con sò lông. Không những sử dụng phần thịt, vỏ con sò tưởng chừng như bỏ đi cũng được người dân nơi đây tận dụng đốt đi, lấy tro bón đồng ruộng.

Biển động, gió lạnh về là dịp bà con xã Thạch Hải rủ nhau đi lấy lộc của biển.     Ảnh: Kim Long

Những nguy hiểm rình rập

Tuy là “lộc” của biển nhưng để lấy được những con sò lông nhiều chất dinh dưỡng, có giá trị ấy, các ngư dân phải ngâm mình dưới dòng nước biển lạnh giá nhiều giờ đồng hồ. Nói về điều này, chị Nguyễn Thị Hồng (47 tuổi, sống sát biển Thạch Hải) cho hay: “Tùy từng đợt sóng mà sò lông được cuốn vào những vị trí xa, gần khác nhau. Khi sóng mạnh, những con sò được đẩy sâu vào bờ cát. Song cũng có nhiều hôm sò nằm ngoài biển nên chúng tôi phải lội ra biển, cầm theo dụng cụ để cào. Tuy sóng biển không quá cao nhưng những người đi vớt phải chịu ướt hết người. Vậy nên, nghề này cũng nguy hiểm lắm”.

Theo chia sẻ của chị Hồng, vì đặc trưng của nghề như vậy nên những người có sức khỏe yếu, nhất là chịu rét kém thường không dám xuống ngâm nước biển lâu. Bình thường, những công việc nặng nhọc này được giao cho những thanh niên trai tráng khỏe mạnh hoặc những người đàn ông trung tuổi, có kinh nghiệm đi biển. Tuy vậy, để đảm bảo sức khỏe khi một người trong gia đình xuống biển vớt sò, người ở trên cạn phải canh trực đề phòng tình huống xấu xảy ra. Thậm chí, vào những hôm quá lạnh, người ở trên phải đốt sẵn đống củi để khi bị cóng chân tay, họ kịp thời chạy lên bờ sưởi ấm. “Mỗi đợt có sò lông về, người dân chúng tôi vui lắm, dù công việc cực nhọc. Mọi người từ già, trẻ đến gái, trai đều có việc để làm. Người thì “chiến đấu” dưới dòng nước biển lạnh. Người thì ở trên bờ chờ đợi những mớ sò lông được đưa lên để làm sạch. Người thì lo việc hậu cần, nhóm bếp lửa tiếp tế cho những người đang ngâm mình dưới biển”, chị Hồng chia sẻ thêm.

Công sức của vợ chồng chị Thanh sau gần một ngày ngâm mình dưới dòng nước lạnh.

Mặc dù sự việc trôi qua đã lâu nhưng người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in vụ tai nạn xảy ra vào mùa đông năm 2011. Năm đó, ông Trần Hữu Trung (trú tại địa phương) đi vớt sò lông một mình, lại chủ quan không đem theo quần áo ấm. Nhiệt độ thấp, gió lạnh thổi dồn dập nên sau khi ngâm mình dưới nước biển hơn 1 tiếng đồng hồ, người ông bỗng dưng tím tái. Ông vội vào bờ nhưng vì chân tay đã cứng đơ nên việc di chuyển rất khó khăn. Rất may, hôm đó ông Trung được một số người trên bãi biển kịp thời phát hiện, khiêng vào nhà dân sưởi ấm nên giữ được tính mạng. Sau vụ tai nạn đó, mọi người không ai bảo ai đều quan tâm hơn đến việc bảo vệ tính mạng của mình mỗi khi ra biển. Trước khi đi vớt “lộc” của biển, họ đều chuẩn bị sẵn sàng những vật dụng cần thiết để giữ ấm cho cơ thể. “Phải thừa nhận rằng, những đợt sò biển dạt vào đã cho người dân chúng tôi “lộc” rất nhiều. Tuy vậy, để lấy được nó cũng vất vả lắm. Nhất là những đợt giá lạnh, để kiếm được đồng tiền, chúng tôi phải hết sức cẩn thận”, chị Hồng tâm sự.

Rời biển Thạch Hải khi trời đã xế chiều nhưng bóng người đi lấy “lộc” của biển vẫn còn lác đác. Với những ngư dân nghèo khó này, họ đang cố gắng nhặt nhạnh hết món quà mà biển khơi ban tặng.

Nói về nguồn lộc biển này, ông Bùi Đình Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hải, cho hay: “Mấy năm gần đây, con sò lông đã đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con. Vào dịp cuối năm, trời lạnh, công việc làm ăn khó khăn thì những con sò từ ngoài biển dạt vào là nguồn thu nhập đáng kể cải thiện đời sống bà con. Tuy vậy, để công việc được đảm bảo an toàn, chúng tôi luôn tuyên truyền bà con phải có ý thức bảo vệ tính mạng của mình, nhất là những đợt gió lạnh, biển động”.

Kim Long

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP