Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Chủ tịch UBND huyện Hương Khê bị tố cưỡng chế đất của dân “biếu” doanh nghiệp

Hàng chục cán bộ hưu trí, người cao tuổi, cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ, gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng xã Hương Xuân cùng kí đơn tố cáo ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cưỡng chế, lấy đất của dân để “biếu” doanh nghiệp. Không chỉ Hương Khê, nhiều nơi khác trong tỉnh cũng có vụ việc tương tự, Báo Người cao tuổi đã nhiều lần phản ánh nhưng không được giải quyết, nên tệ nạn ấy ở Hà Tĩnh vẫn xảy ra…

Lấy đất dân bằng “bàn tay sắt”

Cuối năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt quy hoạch trang trại nuôi lợn và trồng cây ăn quả, diện tích lên đến 179.232m2 tại xã Hương Xuân, huyện Hương Khê cho bà Lê Thị Phương. Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huấn kí nhiều quyết định thu hồi đất của 25 hộ cho dự án là trái pháp luật, vì dự án này không thuộc trường hợp phải thu hồi đất. Đã thế, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thực hiện theo quy định của pháp luật. Đất và tài sản trên đất không được bồi thường, mà chỉ… trả 80 triệu đồng/ha, chưa đến 10% giá trị.

Dân phản đối, không chịu giao đất, nên bị người có trách nhiệm tìm cách cô lập, vận động đảng viên, dân trong vùng không quan hệ với các hộ này, kể cả gia đình chính sách. Cách làm ấy không thuyết phục được ai, ông Huấn bèn chủ trì đối thoại với dân 3 thôn: Vĩnh Trường, Hòa Xuân, Trường Sơn, tất cả đều phản đối việc làm trái pháp luật này. Ông Huấn lại cho họp các Hội: Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, vận động người có đất giao đất… nhưng cũng thất bại.

Thế rồi, ông Huấn kí một loạt quyết định cưỡng chế để thu hồi đất, dân khiếu nại nhưng tỉnh im lặng. Ngày 8/9/2015, hàng nghìn người dùng cưa máy cầm tay, hoặc dao, rựa, công cụ vào hủy hoại tài sản trên 10ha của dân để lấy đất. Hàng chục vạn cây gió trầm, cây ăn quả, cây lấy gỗ… bị chặt bỏ, chuyển đi tiêu thụ hoặc chất đống, tưới dầu đốt… Nhiều cơ quan, cá nhân đã tiếp tay cho hành vi trái pháp luật, vô nhân đạo này.

Trại nuôi lợn của bà Phương quy hoạch vào đầu nguồn nước, được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt tại Quyết định số 3873 ngày 10/12/2014

Hành động của ông Huấn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho hàng chục hộ dân, cần phải khởi tố, xử lí nghiêm và buộc phải bồi thường theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 Luật Đất đai năm 2013.

Làm trại nuôi lợn đầu nguồn nước, điều chưa từng có

Đơn tố cáo gửi Chủ tịch Quốc hội cho biết, các cơ quan Trung ương chuyển hàng chục đơn của dân về tỉnh, nhưng tỉnh làm thinh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Ngọc Sơn nhận được đơn của dân khi đất chưa bị thu hồi, nếu can thiệp thì sẽ ngăn chặn được hậu quả, nhưng ngày 5/1/2015, ông Sơn trả lại đơn cho người gửi, lí do: “Không có thẩm quyền”, trong khi ông Sơn lúc đó là Tỉnh ủy viên, nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Người kí phê duyệt quy hoạch dự án nuôi lợn nêu trên là ông Lê Đình Sơn, lúc ấy Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Bí thư Tỉnh ủy, không đến nơi nên không biết nơi quy hoạch trại lợn là đầu nguồn nước, phía dưới là dân ba thôn sinh sống. Còn người lập quy hoạch, ông Huấn thì biết rõ đó là đầu nguồn nước, nhưng khu đất này bà Phương rất ưng ý, nên ông phải tước của dân bằng được để đẹp lòng bà.

Điều 43 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”. Trong một cuộc họp có người nêu ý kiến: “Quy hoạch trại lợn ở đầu nguồn nước là nguy hiểm, việc này cần hỏi ý kiến Nhân dân”. Chủ tịch Huấn ngắt lời: “Việc dân biết, dân bàn, bây giờ lỗi thời rồi”.

Đúng là chỉ có ông Huấn, người bất chấp tất cả, để tước đoạt đất của dân biếu doanh nghiệp mới có câu nói “nổi tiếng” như vậy. Người dân cho biết, mấy năm nay, trại lợn này ô nhiễm rất nặng, mùi phân đi vào cả trong bữa cơm, giấc ngủ của họ. Nước thải từ trại lợn không được xử lí, đen ngòm chảy về xuôi, ai cấm nó không ngấm vào các giếng ăn? Nhưng dân ngắn cổ, kêu tỉnh không thấu nói gì kêu trời? Mấy tháng nay, nước đỡ đen, nhờ huyện có sáng kiến đưa nước thủy lợi vào để làm loãng nước thải của trại lợn. Còn mùi thối cũng giảm nhiều, nhưng đi trên Tỉnh lộ 17, cách nửa cây số đã biết có trại lợn, nhờ cái mùi… đặc trưng của nó.

Ông Huấn huy động lực lượng tước đoạt đất, hủy hoại tài sản, gây thiệt hại rất lớn cho hàng chục hộ dân và quy hoạch trại lợn gây ô nhiễm, làm hại cho sức khỏe của hàng nghìn người dân. Giữa sức khỏe, tính mạng hàng nghìn người dân với trại lợn của bà Phương, UBND tỉnh Hà Tĩnh nên chọn ai? Nếu để người dân sống yên ổn, thì phải dời trại lợn đi, hoặc ngược lại. Một lần nữa chúng tôi yêu cầu xử lí hình sự đối với ông Huấn, buộc bồi thường thiệt hại mà ông gây ra cho từng hộ dân. Đây là hậu quả của sự buông lỏng quản lí, xa rời dân không loại trừ vì lợi ích nhóm.

Tác giả: Trần Hoành Sơn

Nguồn tin: ngaymoionline.com.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP