Người đương thời

Hà Tĩnh: CCB Nguyễn Xuân Cừ- Những ký ức về Đoàn tàu không số

25 năm gắn bó trong quân đội thì có đến 11 lần làm lễ truy điệu “ra đi cảm tử, không hẹn ngày về”. Đó là những năm tháng ghi dấu ấn khó phai trong suốt cuộc đời của ông Nguyễn Xuân Cừ- một cựu binh Đoàn tàu không số.

Đất nước hoà bình thống nhất, trở về với cuộc sống đời thường hôm nay trái tim ông luôn thao thiết nhớ về những tháng ngày lênh đênh trên biển, vượt qua bao gian khó, hiểm nguy để bí mật vận tải vũ khí, quân nhu chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.

Rời vùng quê biển xã Cẩm Nhượng huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lên đường nhập ngũ khi chưa đầy 18 tuổi. Sau thời gian huấn luyện lái tàu chiến đấu tại phân đội 6 Ba Nhất, thuộc căn cứ 2 Hải quân, năm 1964 Nguyễn Xuân Cừ được lệnh điều về Lữ đoàn 125. Đây là đơn vị vận tải biển chủ lực của Hải quân Việt Nam mang biệt danh tàu không số.

Để bí mật vận tải vũ khí, quân nhu và cán bộ, chiến sĩ bằng đường biển từ miền Bắc vào miền Nam, Lữ đoàn 125 đã sử dụng nhiều tàu vận tải cỡ nhỏ thâm nhập vào những căn cứ ven biển từ Sông Gianh- Quảng Bình, Vũng Rô- Phú Yên, Lộc An- (Bà Rịa- Vũng Tàu) đến tận Vàm Lũng- Cà Mau. Bất chấp sự rình rập vây bắt của kẻ thù và muôn vàn khó khăn, gian khổ, bằng tài trí, lòng dũng cảm ông Nguyễn Xuân Cừ đã cùng đồng đội vận dụng nhiều cách thức đi biển rất linh hoạt, an toàn mà vô cùng hiệu quả.

Tên tuổi ông Nguyễn Xuân Cừ đã được lưu vào lịch sử Lữ Đoàn 125 Hải Quân Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi cựu binh Nguyễn Xuân Cừ tự hào cho biết: Lớn lên từ chân sóng, kinh nghiệm đi biển dạn dày, lại được đào tạo thêm nghiệp vụ chỉ huy tàu mặt nước ở Trường 45- Hải quân, đây là điều kiện cần và đủ để ông vững vàng vượt qua bao sóng gió, bão giông trên biển. Suốt thời gian từ năm 1964 đến năm 1972, ông đã gắn bó với các tàu vận tải 55, 56, 121… thuộc Lữ đoàn 125. Dù phụ trách kỷ thuật cơ điện, thuỷ thủ trên boong hay phó thuyền trưởng ông đều hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Hàng chục năm trôi qua, hôm nay ông Nguyễn Xuân Cừ không còn nhớ rõ các tàu của ông đã vận chuyển được bao nhiêu tấn vũ khí, trang thiết bị chi viện cho chiến trường miền Nam. Chỉ biết rằng trong mỗi chuyến đi vừa công khai vừa bí mật các tàu đã phải đối mặt với nhiều đợt bao vây bắn phá điên cuồng của quân địch. Vậy nhưng, những năm tháng gian khổ, hiểm nguy, thấm đẫm bao hy sinh mất mát  ấy lại rất đỗi tự hào, bởi Đoàn tàu không số đã dệt nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tháng 10 năm 1986 Đại uý Nguyễn Xuân Cừ rời quân ngũ trở về địa phương. Với tâm niệm còn sức lực hãy còn cống hiến, ông tiếp tục tham gia hoạt động vào các tổ chức đoàn thể, góp phần khơi dậy các phong trào thi đua yêu nước. Phẩm chất người lính Cụ Hồ luôn được ông gìn giữ, phát huy, nêu gương sáng cho mọi người học tập.

Ông Trần Xuân Linh- Chi hội trưởng Hội CCB Tổ dân phố 12 Thị trấn Cẩm Xuyên tự hào cho biết: Ngôi nhà nhỏ nơi vợ chồng ông Cừ, bà Lan chung sống, nhiều năm nay trở thành địa chỉ tụ họp sum vầy của của các hội viên CCB và  cả hội viên người cao tuổi. Họ đến với ông bà trước hết vì tình cảm xóm làng, sau nữa là có dịp cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Nhiều câu chuyện kể cảm động, những lời thăm hỏi, động viên lẫn nhau vừa tạo bầu không khí vui tươi, phấn khởi vừa làm cho mọi người gắn bó mật thiết hơn. Can trường trong chiến đấu, giản dị ở cuộc sống đời thường và có những đóng góp tích cực cho xã hội, hội viên CCB Nguyễn Xuân Cừ luôn được mọi người kính trọng, cảm phục. Ông Linh nói!

Vợ chồng CCB Nguyễn Xuân Cừ

Thú vui của ông giữa đời thường.

Cuộc sống đầm ấm của ông Cừ, bà Lan trong ngôi nhà nhỏ.

Hôm nay trên cương vị là Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển của tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Xuân Cừ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ tập hợp hội viên và phát động nhiều phong trào có ý nghĩa thiết thực. Ban liên lạc luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt hằng năm cứ đến ngày 23 tháng 10 các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 trên quê hương núi Hồng, sông La lại tổ chức gặp mặt truyền thống kỷ niệm ngày thành lập. Mỗi lần tụ họp, sum vầy những người lính một thời lênh đênh trên biển lại bồi hồi, xúc động nhớ về những “Đoàn tàu không số” năm xưa!

Quang Toản

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP