Cần Giúp Đỡ

Hà Tĩnh: Cảnh đời cơ cực của người đàn bà với những đứa cháu côi cút, tật nguyền

“Ước nguyện duy nhất của tôi là có ai đó nhận nuôi cháu Vũ, chữa bệnh cho cháu, để cháu có thể hòa nhập được với cộng đồng, lớn lên tự nuôi sống được bản thân”, bà Mai nghẹn ngào.

Đó là lời chia sẻ và cũng là khẩn cầu của người đàn bà khốn khổ Cao Thị Mai (57 tuổi), ngụ tại xóm Lâm Giang, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh).

Chúng tôi đến xóm Lâm Giang, xã Sơn Lâm vào một chiều đông buốt giá. Cái lạnh thấu da càng làm cho căn nhà nửa tranh, nửa pờ rô xi măng nằm bên sườn núi của bà Cao Thị Mai trở nên lạnh lẽo, hiu quạnh. Đón chúng tôi là một bà cụ gầy gò, mắt trũng sâu, tay bế bé gái khoảng 2 tuổi, tay dắt một bé trai tầm 5 tuổi. Cả 3 người ngước nhìn chúng tôi với con mắt ngơ ngác rồi lại nhìn xa xăm.

Khi chúng tôi hỏi đến cháu Nguyễn Hoàng Vũ, bà Mai lưng tròng nước mắt. Dắt chúng tôi vào nhà trong, chỉ vào đứa bé đang ngủ co quắp trong đống chăn bùng nhùng trên một chiếc võng cũ sờn, cáu bẩn rồi bà nói: “Nó đây chú nì. Tui (tôi – PV) dỗ mãi bây giờ nó mới ngủ được một chút chứ nó thức thì khổ lắm. Nó toàn khóc quấy đòi lung tung, không cho thì đánh em hoặc phá đồ đạc trong nhà. Nói nó không nghe, đánh thì sợ nó ốm, tui khổ lắm chú ơi!”.

Nói rồi bà mời chúng tôi ra ngồi đây bộ bàn ghế đã cũ kỹ nhưng là thứ quý giá nhất trong ngôi nhà trò chuyện. Rót cốc nước chè mời khách xong, bà Mai lặng một lúc rồi kể về cuộc đời đầy bất hạnh của mình và những đứa cháu.

hatin24h

Bà Mai cùng những đứa cháu bên túp lều tranh tạm bợ dựng cạnh sườn núi.

Bắt đầu từ cuộc tình trái ngang của đứa con trai bà Mai và đứa cháu bị bỏ rơi, chúng tôi được biết, cháu Nguyễn Hoàng Vũ (4 tuổi), là con trai đầu của anh Tài (con trai bà Mai) bị câm điếc và bệnh tim bẩm sinh. Cha mẹ Vũ bỏ con cho bà Mai nuôi khi cháu mới được 6 tháng tuổi rồi đi biệt tích cho đến nay đã hơn 3 năm. Để lại cho bà đứa cháu tật nguyền với bao đắng cay khốn khổ.

Vừa bế hai đứa cháu khác trên tay, bà Mai kể: “Tui đưa nó (cháu Vũ – PV) về từ miền Nam khi đang là cục thịt đỏ hỏn. Khoảng giữa năm 2011, thằng Tài, con tui, đưa về một người phụ nữ đã có bầu, nói là người yêu con. Về được ít bữa, chúng lại dắt díu nhau tiếp tục vô Nam để làm ăn.

Cuối năm, hắn gọi điện, thông báo là vợ con đã sinh, nhờ mẹ vô bồng cháu giúp. Tui khăn gói lặn lội vô Nam. Mừng vì có thêm cháu, nhưng tủi vì chúng chưa đăng ký kết hôn, cưới xin chi cả.

Ở chăm cháu được 3 tháng, tui thấy chúng quá khó khăn, 2 đứa làm thuê, bữa đực bữa cái, tiền không đủ ăn, đã thế còn phải trang trải thuê nhà, sữa cháo cho con, cho nên vợ chồng lục đục luôn. Tui đề nghị là mẹ đem cháu về quê nuôi cho, các con lo làm ăn, rồi gửi tiền về cho mẹ. Chúng đồng ý.

Về được khoảng 3 tháng, thằng Vũ bị ho hen nặng, tui đưa cháu xuống Bệnh viện Đa khoa Hương Sơn thăm khám. Kết quả, các bác sỹ bảo, cháu bị viêm tai giữa quá nặng và bị bệnh tim bẩm sinh, có thể bị điếc vĩnh viễn. Sau đó, các bác sỹ bảo tui nên đưa cháu ra tuyến Trung ương, may ra có thể chữa trị được nhưng với cái ăn hàng ngày lo chưa đủ thì số tiền dăm triệu cho cái tai giữa tui biết lấy đâu ra.

Thế là tui gọi điện thông báo cho vợ thằng Tài thì nó bảo là không có tiền, bà nuôi được thằng Vũ thì nuôi, không nuôi được cho ai thì cho, con bà tôi cũng bỏ rồi, đừng liên lạc với tôi nữa. Tui choáng váng, xây xẩm mặt mày, đành gạt nước mắt bồng cháu về”, nói đến đây giọng bà chùng xuống, trên khuôn mặt khắc khổ để lộ rõ nỗi đau.

Cảnh đời cơ cực của người đàn bà với những đứa cháu côi cút, tật nguyền - Ảnh 2

Cháu Vũ bị câm điếc và bị bệnh tim bẩm sinh nằm co ro trong mớ chăn trên chiếc võng.

Lặng một lúc, bà Mai nghẹn ngào kể tiếp: “Tui mần chi có tiền mà đưa cháu đi mô hả các chú, đành phó mặc cho ông trời thôi. Còn thằng Tài thì không liên lạc được, năm 2013 có về 1 lần, đem cho tui được 500.000, nhưng lấy lại 200.000 rồi đi biệt tích cho đến nay”.

Được biết, bà Mai vốn là dân vạn chài, phiêu bạt lên mạn ngược, mua được khoảng 200m2 vườn bên sườn núi, nằm sát bờ lở sông Con, chỗ cuối cùng của xã Sơn Lâm rồi dựng tạm một túp lều nhỏ xin cư ngụ ở đây được khoảng dăm năm nay.

Tuổi già, dầu dãi sông nước nhiều bà Mai bị viêm đa khớp nặng, không thể chài lưới mưu sinh được nữa. Vì mới nhập cư bà cũng không có ruộng đất, chồng thì theo con trai vào trông cháu tận Đồng Nai. Bà có 5 đứa con, 2 đứa phiêu bạt làm ăn ở miền Nam, anh Tài thì biệt tích, 2 đứa lập gia đình ở nhà cũng chật vật với nghề chài lưới, cuộc sống trăm bề khó khăn nên giúp bà cũng chẳng được bao nhiêu. Bà Mai gần như không nơi nương tựa, đã vậy còn phải cưu mang Hoàng Vũ, đứa cháu tật nguyền, côi cút tội nghiệp.

Những lúc nắng ấm, bệnh tật bớt, bà xuống sông mò cua bắt ốc, đánh lưới, kiếm được mớ nào mang vào xóm bán lấy tiền rau cháo, thuốc thang cho 2 bà cháu. Còn những ngày mưa, trái gió trở trời, bệnh tật hành hạ, bà Mai đành phải cầu xin sự giúp đỡ của bà con lối xóm. Nhưng ngày một, ngày đôi chứ xin suốt cũng không thể, vì bà con xung quanh cũng nghèo khó trăm bề. Thế là để có cái ăn cho cháu, thỉnh thoảng bà mang bị đi khất thực các xã kề cận, chứ đi xa cũng không đủ sức.

Tưởng chừng đó là bất hạnh lớn đối với cuộc đời bà nhưng rồi khốn khổ lại chồng chất bất hạnh, gần đây, con gái bà Mai, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, do chồng bị tâm thần, nên đành đưa 2 đứa con Phạm Tuấn Khiêm (5 tuổi) và Phạm Tuệ Mẫn (2 tuổi) về gửi cho bà để vào Nam kiếm tiền nuôi con, nuôi chồng.

Nước mắt giàn giụa, bà phân trần: “Tui phải cắn răng mà chịu, không giữ con cho nó thì chỉ có nước ôm nhau chết thôi chú ơi”.Chị Trần Thị Hoàng, hàng xóm với bà Mai chia sẻ: “Có lẽ tui chưa thấy ai khổ như bà Mai, già rồi, bệnh tật, hằng ngày phải đi xin để nuôi cháu, nhưng không đi xin thì bà cháu sẽ chết. Nhà tui cũng nghèo, thương bà lắm mà cũng không giúp chi được cho bà mấy. Đêm xuống các cháu đói khóc quấy, nghe bà nức nở ru giỗ cháu mà tui không sao cầm nổi nước mắt!”.

Được biết, thương cháu Vũ bệnh tật và bế tắc trước hoàn cảnh, bà Mai đã tần tảo đi khắp nơi để tìm sự giúp đỡ cho cháu. Bà đã từng gõ cửa các Trung tâm khuyết tật, mồ côi, nhưng chưa ai nhận Vũ vì hồ sơ không hợp lệ (cha mẹ cháu bỏ đi chứ chưa mất – PV).

Sau đó, có nơi nhận dạy giao tiếp khiếm thính cho cháu nhưng lại yêu cầu bà đóng tiền thù lao vài triệu mỗi tháng, mà phải sáng đưa đến, chiều đưa về hàng mấy chục cây số, bà không thể kham nổi nên đành để cháu ở nhà.

Cảnh đời cơ cực của người đàn bà với những đứa cháu côi cút, tật nguyền - Ảnh 3

Gương mặt khôi ngô, tuấn tú của hai anh em Tuấn Khiêm và Tuệ Mẫn khiến chúng tôi không khỏi nghẹn ngào thương cảm.

Khi hỏi đến mong muốn lớn nhất của bà là gì, bà Mai tha thiết nói: “Tui già rồi, bệnh ngày càng nặng, chưa bết chết lúc nào, ước nguyện duy nhất của tôi là có ai đó nhận nuôi cháu Vũ, chữa bệnh cho cháu, để cháu có thể hòa nhập được với cộng đồng, lớn lên tự nuôi sống được bản thân”.

Chia sẻ về hoàn cảnh của bà Mai và ba đứa cháu, một cán bộ xóm Lâm Giang cho biết: “Hiện, ba bà cháu bà Mai chưa có bất cứ sự giúp đỡ nào ngoài tờ giấy chứng nhận hộ cận nghèo và tấm thẻ bảo hiểm y tế. Chúng tôi cũng thương lắm nhưng cũng không giúp đỡ được nhiều vì cuộc sống của bà con nơi đây cũng không mấy khá giả”.

Nhìn gương mặt khôi ngô của cháu Nguyễn Hoàng Vũ, anh em Tuấn Khiêm, Tuệ Mẫn và hoàn cảnh éo le của bà Mai, chúng tôi không khỏi nghẹn ngào thương cảm. Chẳng biết số phận của 4 con người tội nghiệp này rồi sẽ như thế nào trong những ngày sắp tới. Ngoài kia gió mùa đông bắc quất từng cơn lạnh tê tái, thác Mục Bài ầm ào xói vào bờ lở, ngôi nhà bà Mai co lại như một chấm nhỏ giữa mịt mù sương khói miền sơn cước.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ:

– Bà Cao Thị Mai

Địa chỉ: xóm Lâm Giang, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh

Số điện thoại: 01263105643

– Báo Đời sống & Pháp luật tại Miền Trung

Địa chỉ: Số 03 Đại lộ Lê Nin, TP Vinh, tỉnh Nghệ An

Tài khoản số: 0191012468008, Ngân hàng Thương mại CP Bảo Việt, Chi nhánh Nghệ An.

Trọng Hoài/ ĐS&PL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP