Doanh Nghiệp Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Cần quyết liệt hơn khi dân cố tình làm khó Doanh nghiệp

Mặc dù chính quyền địa phương và Doanh nghiệp Giang Đông nhiều lần vận động, giải thích, có phương án hỗ trợ đối với diện tích đất thu hồi tại Bãi Pháo nhưng một số người dân xã Hương Long, huyện Hương khê, Hà Tĩnh vẫn nhất mực ngăn cản.

hatinh24h

Khi nghe tin cấp đất cho DN dân tự ý ra cày đất để bắt đền bù.

Chặn máy không cho thi công!

Năm 2014, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, chính quyền xã Hương Long, huyện Hương Khê quy hoạch 4983m2 đất tại Bãi Pháo thuộc xã Hương Long làm đất kinh doanh, dịch vụ, kêu gọi DN về địa phương đầu tư và được UBND huyện phê duyệt. Chủ trương đã có từ lâu nhưng chưa thể triển khai vì hễ máy cơ giới tới hoạt động bà con lại kéo nhau ra ngăn cản. Đỉnh điểm của sự việc trên là ngày 18/10, người dân cố tình kéo ra Bãi Pháo cày xới đất, nhằm cản trở DN. Sự việc trở nên “nóng” bởi có sự tập trung của nhiều người, đồng thời xẩy ra mâu thuẫn giữa đại diện công ty và người dân.

Căn cứ luật đất đai và Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi bị Nhà nước thu hồi đất, DN Hà Giang Đông địnhmức hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ. Theo đó UBND xã Hương Long phối hợp với chính quyền xóm 5 tổ chức nhiều cuộc họp, thông báo chủ trương, phương án hỗ trợ bà con theo đúng quy trình, quyền dân chủ nhưng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung bởi người dân vẫn “mặc cả” cho rằng DN “đền bù” quá rẻ, không thỏa đáng.

Các hộ dân đòi đền bù gặp phóng viên không có hồ sơ hay bằng chứng nào chứng minh đó là đất của mình khai hoang và quản lý.

Đòi hỏi không có cơ sở   

Chị Nguyễn Thị Thùy, trú tại xã Hương Long, hộ dân có đất bị thu hồi tại Bãi Pháo cho biết: “Đất Bãi Pháo là đất chúng tôi khai hoang phục hóa đã mấy chục năm nay, chúng tôi không đồng ý vì DN hỗ trợ không thỏa đáng”.

Căn cứ Nghị định 47/2014/NĐ-CP quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi bị Nhà nước thu hồi đất, điều 5 quy định rõ:

a) Đối với đất nông nghiệp sử dụng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 (ngày Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành) có nguồn gốc không phải là đất do được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, đất do được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 100 và Điều 102 của Luật Đất đai thì được bồi thường về đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 của Luật Đất đai;

b) Đối với đất nông nghiệp sử dụng có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê  đất trả tiền thuê đất hàng năm thì không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có). Việc xác định chi phí đầu tư vào đất còn lại để tính bồi thường thực hiện theo quy định tại Điều 3 của Nghị định này”.

Qua đối chiếu sổ địa chính số 05 của UBND xã Hương Long, đất tại Bãi Pháo chưa được bất kỳ cơ quan Nhà nước nào cấp quyền sử dụng đất, từ trước đến nay vẫn thuộc quản lý của Nhà nước. Đặc biệt, diện tích đất tại Bãi Pháo bà con đã bỏ hoang nhiều năm nay không sử dụng. Như vậy căn cứ điều 5 Nghị định 47 đòi hỏi của bà con là không có sơ sở.

Mặt khác, theo Nghị định 197/2004/NĐ-CP về điều kiện để được bồi thường đất nêu rõ: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) xác nhận không có tranh chấp mà có một trong các loại giấy tờ sau đây (…) thì mới được đền bù”. Ngoài việc không có giấy tờ pháp lý, bãi đất đã bỏ hoang thì khi kê khai diện tích cho UBND xã giải quyết bà con lại xảy ra tranh chấp, diện tích hộ này lấn vào hộ kia, không thống nhất. Vậy dựa vào đâu để người dân phản ánh chính quyền “đền bù không thỏa đáng” khi chính họ cố tình không hiểu, không chấp hành pháp luật?

Ông Nguyễn Quốc Việt Chủ tịch UBND xã Hương Long cho biết: “Về việc thu hồi diện tích đất tại Bãi Pháo chúng tôi đã họp dân để thống nhất phương án giải quyết, tuy nhiên bà con lại tranh chấp diện tích với nhau, riêng một hộ dân có giấy quyền sở hữu đất chúng tôi sẽ hướng dẫn DN đền bù theo đúng quy định của pháp luật. Những hộ dân còn lại chúng tôi chỉ hỗ trợ, không đền bù vì không bà con không có bất kỳ loại giấy tờ nào liên quan đến quyền sở hữu đất tại đó và không có một cơ sở nào chứng minh đây là đất khai hoang phục hóa ”.

Được biết, phía DN đã nâng mức hỗ trợ lên 1500.000/hộ, tuy nhiên, các hộ dân vẫn nhất quyết không đồng ý và cố tình cản trở DN hoạt động.

Theo quan sát của chúng tôi, bãi đất DN thu hồi là một diện tích khá rộng, đất đai cằn cỗi, người dân đã bỏ hoang từ lâu, trước đây chính quyền có ý định xây dựng trường mầm non, một số đất nền xã đã đổ cao, nhưng sau đó xét thấy không phù hợ về vị trí nên xã đã chuyển xây dựng trường mầm non ở vị trí khác. Việc chính quyền tạo điều kiện cho DN thu hồi, đầu tư phát triển kinh tế là một điều nên làm. Nó không những thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người dân địa phương mà còn có thể tận dụng những mảnh đất “không thể gieo trồng” phục vụ ngành công nghiệp, dịch vụ.

Việc người dân cố tình gây khó khăn cho DN là không có cơ sở, trái pháp luật, đi ngược lại với chủ trương xây dựng Nông thôn mới, kêu gọi DN về đầu tư tại địa phương. Hương Long là một xã miền núi, các nguồn lực còn rất hạn chế để xã nhà sớm về đích chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, nếu cứ tiếp tục tình trạng này DN nào dám về địa phương đầu tư? Mục tiêu xây dựng NTM, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh.

Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp mạnh hơn, tránh tình trạng tạo ra một tiền lệ xấu: Bình thường đất bỏ hoang, hễ động đến “thu hồi” lại xảy ra tranh chấp, “mặc cả” làm khó chính quyền và DN.

Danh Tạo-Thiên Phú/VTOTO

(theo Đại Lộ)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP