Văn hoá Dân gian

Hà Tĩnh: Cần đầu tư, phát triển làng nghề truyền thống ở Hà Ân

Những năm trở lại đây, nhiều nghề thủ công truyền thống được chú trọng đầu tư, phát triển một cách mạnh mẽ, không chỉ giúp tăng thêm nguồn thu nhập, giải quyết thời gian nhàn rỗi cho bà con nông dân mà còn thể hiện nét đẹp văn hóa trong lao động, sản xuất.

Nghề phụ, thu nhập chính

Nghề làm chổi đót ở làng Hà Ân, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà tồn tại từ bao giờ không ai còn nhớ, chỉ biết rằng từ đời này qua đời khác, nó vẫn bám trụ và gắn bó với bà con nơi đây. Thông thường, đót được bà con thu mua vào dịp cuối năm, cất trữ và lấy làm dần vì công việc làm chổi đót diễn ra quanh năm, hễ cứ có thời gian nhàn rỗi là bà con lại tranh thủ làm, công việc chủ yếu vẫn là đồng áng, nghề làm chổi đót chỉ là nghề phụ kiếm thêm thu nhập trang trải trong cuộc sống.

ss

Bác Long, một người có thâm niên làm chổi lâu năm trong làng vừa vui vẻ cho biết. “Từ người già đến trẻ nhỏ, những ai được sinh ra ở làng đều biết làm nghề này, vì nó là một nghề đơn giản, không cầu kì, chăm chỉ một tí thì sẽ làm được ngay thôi. Sau vụ mùa, đây là thời gian người dân trong làng bắt tay vào làm chổi đót, đợt này chổi làm ra bán được giá lắm”.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Tiến Triển, Trưởng thôn Hà Ân cho biết: “Cả làng hiện có 115 hộ gia đình thì có tới 100 hộ tham gia làm nghề chổi đót. Quân bình mỗi tấn đót làm thành chổi có thể cho lợi nhuận 10-15 triệu đồng/tấn, thời gian gần đây nhu cầu của thị trường lớn hơn nên giá cũng tăng lên 20 triệu đồng/tấn. Một hộ gia đình trung bình một năm có thể làm từ 3-4 tấn đót, mỗi ngày bình quân có thể làm được 15-20 cái chổi, tương đương với 10kg đót. Đót được bà con thu mua dự trữ quanh năm trong nhà. Nhiều hộ dự trữ lên tới hàng chục tấn đót”.

Theo thời gian, các làng nghề truyền thống khác dần thay thế bằng các phương tiện máy móc hiện đại để tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian. Nhưng với nghề làm chổi đót, người thợ vẫn làm miệt mài, tỉ mỉ với nhiều công đoạn thủ công, họ vẫn yêu nghề mặc phấn bông đót phủ lên vai áo, bay vào mũi, có lúc bị ngứa, bị đót cứa vào tay chảy máu, trẻ con bị phấn đót ăn vào da mẫn ngứa quanh năm…

Như là tiền duyên, từ người già, trẻ em đến thanh niên trai tráng trong làng Hà Ân đều thông thạo với nghề. Nghề làm chổi ở đây giờ không chỉ để kiếm tiền trang trải cuộc sống mà họ đang cố gắng bám nghề, bám làng để níu giữ cái nghề truyền thống đang dần mai một.

Cần đầu tư phát triển làng nghề truyền thống

Nghề làm chổi đót mặc dù là nghề phụ, chỉ giải quyết khoảng thời gian nông nhàn của bà con nông dân sau vụ mùa, nhưng lợi nhuận thu về từ làm chổi đót đang trở thành nguồn thu nhập chính cho bà con nơi đây. Hiện nay, cách làm nghề ở đây đang phát triển theo hướng tự phát, manh mún, nhỏ lẻ của từng hộ gia đình. Chổi làm ra chủ yếu được bà con đưa đi bán lẻ ở các vùng lân cận, chưa được đầu tư lớn, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định để bà con tiếp tục yên tâm phát triển làng nghề truyền thống.

Ông Nguyễn Bá Hồng – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Mỹ cho biết: “Xã đang cố gắng khuyến khích, tạo mọi điều kiện cho bà con yên tâm gắn bó với nghề bằng chính sách hỗ trợ cho vay vốn, cũng như ủng hộ các hộ gia đình đầu tư đưa nghề làm chổi đót vào sản xuất với quy mô lớn hơn thay vì sản xuất nhỏ lẻ manh mún như bây giờ. Làng nghề chổi đót ở làng Hà Ân cũng là một trong những làng nghề trọng tâm trong phát triển kinh tế của xã, chính quyền và nhân dân địa phương trong xã mong muốn nó sẽ được quan tâm và chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa để trong tương lai không xa, nó sẽ trở thành nghề mang lại thu nhập chính cho bà con”.

Dù chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, nhưng nếu được đầu tư, phát triển có quy mô hơn thì nghề làm chổi đót của Thạch Mỹ sẽ góp phần thúc đẩy thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hy vọng, bằng sự nỗ lực của chính quyền và bà con trong xã, nghề làm chổi đót sẽ phát triển, trở thành nghề chính mang lại thu nhập, đảm bảo cuộc sống ấm no cho mảnh đất này.

Uyên Uyên – Phương Dung

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP