Xã hội

Hà Tĩnh: Cận cảnh những lùm cây, góc ruộng chim trời sa vào... chỉ có chết!

Mỗi lùm cây, góc ruộng ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) được thợ săn đặt đủ loại bẫy, nên bất cứ đàn chim nào sà xuống cũng không có cơ hội thoát thân.

Chỉ thị 359/TTg ngày 29/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về những biện pháp cấp bách bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang nêu rõ: Mỗi đất nước, mỗi dân tộc và mọi người dân đều phải có trách nhiệm bảo vệ động vật hoang dã, tạo môi trường sống cho các loài động vật này được bảo tồn và phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành, các cấp chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc săn bắt trái phép động vật hoang dã, quý hiếm, các loại chim cảnh bắt từ tự nhiên, đặc biệt là các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng. Mọi tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật, từ xử phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thế nhưng, những gì đang diễn ra tại làng quê Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà và nhiều địa phương khác của huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) lại hoàn toàn ngược lại với chỉ thị nêu trên. Tận diệt chim trời ở vùng quê này trở thành một nghề. Người dân bày ra các trận địa để tận diệt chim không thương tiếc.

Với địa thế nằm sát biển, điều kiện tự nhiên đủ cả rừng, ruộng đồng, ao hồ, nên mảnh đất Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh là nơi lí tưởng để những đàn chim trời từ phương xa bay về trú ngụ tránh rét, tìm kiếm thức ăn. Thay vì bảo vệ những loài chim yêu quý, vô hại, một bộ phận người dân Thịnh Lộc đã tìm mọi cách để tận diệt, hình thành nghề tận diệt chim trời. Vùng đất Thịnh Lộc và nhiều vùng quê ven biển khác ở huyện Lộc Hà, Nghi Xuân trở thành miền đất dữ của các loại chim trời.

Bất cứ lùm cây nào nằm giữa cánh đồng đều được những người dân hành nghề tận diệt chim trời đặt bẫy. Mục tiêu của họ là những đàn cò, đàn diệc tránh rét, tìm kiếm thức ăn từ phương xa bay tới, lên đến hàng trăm, hàng ngàn con.

Đánh lừa đàn chim trời bằng những đàn cò giả bằng xốp. "Cò tặc" tận dụng những mảnh ruộng sâu trũng sau vụ lúa Hè Thu để làm trận địa nhử cò.

Một thợ săn chim trời đang giăng bẫy

Bẫy là những thanh tre được dính đầy nhựa. Những thẻ nhựa này có thể chịu được mọi kiểu thời tiết nắng, mưa.

Ngoài ra thợ săn chim ở Thịnh Lộc còn tạo trận địa trong những lùm cây để phục đón những đàn chim trú ngụ sau một ngày tìm kiếm thức ăn.

Những chiếc thang được dựng lên để tiện leo trèo.

Thợ săn dùng những con chim mồi (ô đỏ) cho đậu ở những vị trí thuận lợi nhất để nhử chim trời.

Chim mồi bị khâu mắt, chân được cột nối với một chiếc dây xuống dưới đất

Mỗi khi nhìn thấy chim trời bay qua, thợ săn ngồi bên trong những lán tạm như thế này giật con chim mồi phía trên để nhử.

Chim trời sau khi bị bắt được đưa ra chợ tiêu thụ.

Trở thành món nhậu được ưa chuộng.

Tác giả: Hà Phương - Tiến Hiệp

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP