Di tích - Thắng cảnh

Hà Tĩnh: Cả làng lập bàn thờ một hòn đá phủ rêu phong

Nơi thờ hòn đá nói trên nằm ở thôn Thanh Bình, xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Để tiện cho người dân trong vùng và các vùng lân cận đến thắp hương, cầu khấn, ngay cổng ra vào khu vực thờ tự “ngài đá” có một bản chỉ dẫn ghi rõ “Di tích Bản thổ”.

Hòn đá phủ rêu phong được người dân xem như một vị thần hộ mệnh của làng. Người dân địa phương đã lập bàn thờ, xây tường bảo vệ và kính cẩn gọi là “ngài đá”.

Các bậc cao niên trong làng cho biết, “ngài đá” đã có từ hàng trăm năm nay, khi mà các cụ còn rất nhỏ. Không chỉ đến đời con cháu sau này mới lập bàn thờ cúng mà trước đó cha ông đã cúng bái rồi.

Hà Tĩnh: Cả làng lập bàn thờ một hòn đá phủ rêu phong - Ảnh 1

Lối dẫn vào khu vực thờ tự phiến đá.

Qua quan sát, đền thờ phiến đá được người dân xây dựng trong khuôn viên khu vườn rộng 1.000m2, có mái che, đèn thờ, lư hương và nến để cho mọi người tới thắp hương cầu nguyện. Xung quang khu đền là rừng cây cối xanh tốt mà theo người dân địa phương là đã có từ lâu đời, mưa gió bão bùng cũng không gãy đổ.

Phiến đá mà người dân địa phương xem là một “vị thần” là một phiến đá lộ thiên có màu xanh rêu hình bầu dục, chiều dài khoảng 2m, chiều rộng và chiều cao khoảng gần 1m, trông rất bình thường.Thời điểm chúng tôi có mặt, một số bậc cao niên trong làng đang quét dọn khu đền thờ. Được biết, hiện khu thờ tự phiến đá được giao cho Hội người cao tuổi xã Thanh Lộc phụ trách dọn dẹp.

Cứ đến ngày 14, 15 hàng tháng, người dân làng Thanh Bình nói riêng và xã Thanh Lộc nói chung đều mang lễ vật tới làm lễ, cúng lên “ngài đá”. Đặc biệt, những mùa lúa mới, người dân còn làm lễ gạo mới, nếp mới dâng lên “ngài đá” nhằm cầu nguyện một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn bội thu.

Hà Tĩnh: Cả làng lập bàn thờ một hòn đá phủ rêu phong - Ảnh 2

Phiến đá người dân lập đền thờ, kính cẩn gọi là “ông đá”, “ngài đá”.

Chia sẻ về câu chuyện về bàn thờ phiến đá, một cụ trong hội người cao tuổi cho biết: “Ông đá” có từ hàng trăm năm nay, hễ ai mất lợn, trâu bò, thì sắm lễ vật là một búp hương, một nén vàng, đến xin “ông đá”, rồi đi tìm thì sẽ tìm được. Không chỉ đến xin lúc mất trâu mất bò mà hay cả khi thi cử hay hiếm muốn con cái, người dân cũng tới cầu xin “ông đá”. Những ngày rằm ngày lễ, người dân trong vùng và nhiều vùng lân cận đổ về rất đông. Có lúc người đông xe cộ dựng một hàng kéo dài, rất khó mới chen được vào đền làm lễ, dâng hương.

Ông Lê Đình Luyện (80 tuổi) cho chúng tôi biết, Thanh Lộc trước kia vốn có tên là Kiệt Thạch, tức là có những hòn đá đặc biệt. Trong những hòn đá đó, hòn đá được dân gọi là “ông đá”, “ngài đá” là đặc biệt nhất. Nó nổi lên to lớn, vị trí phong thủy rất nổi bật khi nằm ở phía đông dưới chân núi Sạch Lĩnh hay còn gọi là Phượng Lĩnh, xung quanh núi có hòn đá khác hình công hầu tể tướng hay còn gọi là “tứ diện công hầu”.

Hà Tĩnh: Cả làng lập bàn thờ một hòn đá phủ rêu phong - Ảnh 3

Bàn thờ có đầy đủ lư hương, hoa và phiến đá cổn để người dân đến thắp hương

Đền thờ phiến đá còn được gọi là Bản thổ. Hiệu của ngôi đền ấy là “Bản thổ phúc thần/Càn long chi tử/Ty hô liệt vị tôn thần”. Theo ông Luyện, “phúc” là sự may mắn, do vậy phiến đá ấy được người dân tôn là vị thần có phúc, hay thường gọi là “thần đá”.

 “Khi tôi lớn lên thì đã thấy cha ông thờ cúng hòn đá, ngày xưa người dân họ cầu xin tìm vật nuôi và thấy có kết quả. Từ đó, họ đi cầu nguyện làm ăn, đi xa, thi cử… Thậm chí, có những người hiếm muộn, khó nuôi con cũng làm lễ cầu “ông đá” xin con và chở che”. Cái này là tâm linh và đức tin của con người. Hàng năm tại đền thờ ông đá, người dân chúng tôi đều tổ chức hai lần lễ tế, đó là ngày 7 khai hạ và ngày 14/7 (âm lịch)”, ông Luyện nói.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Quang Phú, Phó Chủ tịch xã Thanh Lộc chia sẻ, đền thờ phiến đá của người dân đã có từ lâu. Việc thắp hương, thờ cúng hoàn toàn là vấn đề văn hóa tâm linh của người dân địa phương chứ không có sự mê tín dị đoan. Để quản lý ngôi đền, hiện chính quyền xã giao cho Hội Người cao tuổi của xã đứng ra phụ trách quét dọn, tu bổ khi cần.

Phương Ngân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP