Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Biển nuốt chửng rừng phòng hộ, dân “mất ăn mất ngủ”, bỏ làng di tán

Chỉ trong vòng gần 10 năm, hơn 100 héc ta rừng phòng hộ bị biển “nuốt” trọn, nhiều ngôi nhà cũng bị sóng đánh sập.

Hàng trăm hộ dân sống trong cảnh thấp thỏm với nỗi lo biển xâm thực, người dân lần lượt bỏ nhà, bỏ làng đi nơi khác an cư.

Mất nhà, mất đất, dân bỏ đi di tán

Cách đây gần chục năm, để ra đến bờ biển, người dân thôn Tam Hải 2 (xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh phải đi mất vài ba chục phút. Thế nhưng, giờ chỉ cần đi khoảng vài phút là ra đến bờ biển.

Theo người dân, nguyên nhân khiến cho khu rừng phòng hộ hơn 100 hecta bị “xóa sổ” là do biến đổi khí hậu nhiều năm qua nước biển lấn sâu vào bên trong. Hơn nữa, vùng biển Kỳ Ninh không có hệ thống kè chắn sóng nên mỗi mùa mưa bão sóng biển dâng cao, hàng chục mét đất rừng phòng hộ lại biến thành biển.

Nhìn những gốc phi lao bị sóng đánh bật nằm lăn lóc trên gò cát, ông Đặng Duy Khuyên (Phó Trưởng công an xã Kỳ Ninh) chia sẻ: “Trước đây chỗ này là vạt rừng phi lao xanh mướt, có những gốc từ 10 – 20 năm tuổi chúng tôi phải băng rừng mất cả tiếng mới ra tới bãi biển mà nay chỉ cần vài phút là thấy biển rồi. Chỉ riêng trận bão hồi tháng 10/2017 đã “xóa sổ” toàn bộ diện tích còn lại. Người dân sống ven biển hầu hết bỏ nhà dời vào phía trong làng hoặc bỏ đi nơi khác sinh sống cả. Cứ đà này sợ không bao lâu nữa ngôi làng này sẽ biến mất”.

Toàn bộ 100 héc ta rừng phòng hộ đã bị “xóa sổ

Không chỉ khu vực thôn Tam Hải mà các thôn nằm ven biển của xã Kỳ Ninh đều sống chung với cảnh hằng ngày nơm nớp nỗi lo biển xâm thực.

Ông Lê Đình Tuấn (thôn Bàn Hải) lo lắng: “Nhà tôi chỉ cách biển chừng vài chục mét nên đến mùa mưa bão cả gia đình phải di tán đến nơi khác trú ngụ cho an toàn. Mỗi lần nước biển dân không chỉ mất nhà, mất đất sản xuất và nguồn nước sinh hoạt cũng bị nhiễm mặn. Cuộc sống của người dân ở đây chỉ phụ thuộc vào nghề đi biển nên rất khó khăn”.

Cách bờ biển không xa là trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Kỳ Ninh (thuộc đồn biên phòng Kỳ Khang). Theo cán bộ chiến sĩ nơi đây, trạm đã 4 lần di dời đồn vào phía trong do biển lấn, tàu thuyền qua lại khu vực này thường xuyên bị mắc cạn, nhiều thuyền lớn phải neo cách bờ vài km rồi dùng thuyền nhỏ đưa hải sản vào bờ.

Thiếu tá Phùng Trung Đức, Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Kỳ Ninh cho hay: “Trong vòng 5 năm trở lại đây, tình trạng biển lấn đất ngày càng trở nên nghiêm trọng, đoạn ít nhất cũng bị “ngoạm” mất từ 30 – 50m, nơi nhiều lên đến 200m. Nhiều diện tích đất sản xuất, rừng chắn cát và các công trình nhà ở đã bị nước biển cuốn trôi”.

Để cứu nhà, cứu làng, người dân đã nhiều lần nỗ lực trồng lại rừng phi lao để chống xói lở nhưng lứa cây mới vừa lên chỉ sau một mùa mưa bão lại bị đổ rạp. Nhiều năm như vậy người dân cũng bất lực đành nhìn biển “nuốt” đất.

Mong muốn xây kè chắn sóng

Xã Kỳ Ninh có khoảng 10km đường bờ biển chạy dọc theo 6 thôn gồm: Ban Hải, Tân Tiến, Hải Hà, Tiến thắng, Tam Hải 1 và Tam Hải 2. Khu vực này có hơn 1.700 hộ dân với khoảng 7.000 nhân khẩu, chiếm ¾ dân số của xã.

Theo thống kê, những năm gần đây, hơn 10 km bờ biển của xã đã bị biển xâm thực từ 50 đến 70m, đoạn nghiêm trọng nhất đến hơn 150 mét. Bờ biển bị sạt lở, bồi lấp khiến Cửa Khẩu bị thu hẹp, tàu thuyền lớn không thể vào, ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế của bà con ngư dân.

Hàng phi lao từ 10 – 20 năm tuổi bị sóng đánh bật trơ trọi những gốc cây

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Công Đường, Chủ tịch UBND xã Kỳ Ninh cho hay: “Hệ thống đê kè xã Kỳ Ninh chỉ mới xây dựng được 1/3, còn lại chưa có kinh phí để đầu tư xây dựng. Sau cơn bão 10/2017, rừng phòng hộ bị tàn phá hết, sạt lở đất ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống dân sinh cả về sản xuất lẫn tâm lý”.

Cũng theo ông Đường, địa phương đã nhiều lần làm văn bản trình lên cấp trên xin kinh phí làm bờ kè cũng như nạo vét luồng lạch để đảm bảo an toàn nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.

“Địa phương đã lập phương án di dời các hộ dân bị sóng biển đe dọa cấp bách. Về lâu dài vẫn phải xây dựng bờ kè, đê biển để đảm bảo an toàn cho người dân và tránh tình trạng biển xâm thực”, ông Đường nói.

Tác giả: Tâm Đan

Nguồn tin: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP