Tin

Hà Tĩnh: Bệnh nhân chết ‘bất thường’, Trạm y tế hỗ trợ 30 triệu ?

Sau cái chết “bất thường” của ông Nguyễn Viết Th, lãnh đạo Trạm Y tế xã Thái Yên (Đức Thọ – Hà Tĩnh) cho biết, trạm đã hỗ gia đình bệnh nhân 30 triệu đồng và khẳng định: “bệnh nhân đã chết ở Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh chứ không phải ở trạm xá…”

TIN LIÊN QUAN
Hà Tĩnh: Bệnh nhân bị sốt tử vong “bất thường” tại bệnh viện

“Chúng tôi góp tiền để hỗ trợ”

Như Báo Tầm Nhìn đã đưa tin, sáng 17 /03/2016, ông Nguyễn Viết Th 57 tuổi, trú tại xóm 7 xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh được người nhà đưa đến trạm y tế xã điều trị. Tại đây được y, bác sĩ tiến hành chuyền dịch rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên nhưng đã tử vong sau đó.

hatinh
Trạm y tế xã Thái Yên

Sau khi bài báo được đăng tải, chúng tôi nhận được nhiều thông tin trái chiều, đặc biệt là sự việc thỏa thuận tài chính giữa gia đình nạn nhân và Trạm Y tế với giá 120 triệu đồng.

Để làm rõ nội dung trên, ngày 22 – 03, chúng tôi trở lại Trạm y tế xã Thái Yên để xác minh sự việc.

Trao đổi với PV, bà Phan Thị Hà, Trạm trưởng phủ nhận: “Không có chuyện thỏa thuận đền bù gì hết. Đó chỉ là sự đòi hỏi của riêng gia đình nạn nhân. Còn chúng tôi, trước sự việc không may, với lương tâm và y đức, cán bộ và nhân viên của trạm thống nhất hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng”.

Khi được hỏi về nguồn tiền dùng để hỗ trợ nạn nhân, bà Hà nói: “Toàn trạm có 6 người lương thì thấp. Ngoài 2 bác sĩ, nhân viên lương chưa được 3 triệu đồng/tháng. Nhưng trước sự mất mát của gia đình, anh em chúng tôi chạy đôn, chạy đáo vay mượn, kẻ ít, người nhiều, góp lại để hỗ trợ hương khói”.

Sau khi ông Th mất, nhân viên của trạm sống trong sự bàng hoàng, ai nấy đều bơ phờ, mỏi mệt. Họ phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình nạn nhân và dư luận xã hội. Nhiều người xem họ như là tội đồ, là sát nhân.

Trao đổi với PV Tầm Nhìn về việc này, người nhà ông Th cho biết:  “hiện chúng tôi không muốn cung cấp gì, mọi việc để pháp luật xử lí”.

Chết ở trạm xá hay ở bệnh viện?

Trao đổi về tình trạng của bệnh nhân Th khi chuyển viện, vị Trạm trưởng này nói: “Do sốc phản vệ nên bệnh nhân có biểu hiện tím tái nhưng còn sống. Khi đến Bệnh viện Đa khoa Hồng Lĩnh, đích thân bác sĩ Nguyệt – người phụ trách tiếp nhận bệnh nhân trực tiếp bắt mạch, lấy ven ở tay và chuyền được rất nhiều thuốc. Đồng thời còn dùng các biện pháp cấp cứu đến 70 phút.

Vì thế tôi khẳng định ông  Th chết ở bệnh viện”.

PV hỏi thái độ của gia đình nạn nhân sau vụ việc vị phụ trách trạm chia sẻ: “Gia đình nạn nhân có “đánh tiếng” đòi bồi thường nhưng chúng tôi đã làm gì sai mà bồi thường. Vì tình người, chúng tôi chỉ hỗ trợ như vậy thôi, nếu gia đình không chịu thì mời công an và pháp y làm việc”.

Để biết thêm quan điểm của cơ quan chủ quản, chúng tôi tìm đến Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) huyện Đức Thọ.

Giám đốc trung tâm, ông Nguyễn Tiến Dũng trao đổi: “Đây là sự việc hết sức đáng tiếc mà không ai mong muốn. Xét về góc độ chuyên môn, tôi thấy anh em làm việc hết mình, tìm mọi cách để cứu chữa cho bệnh nhân, vì trong ngành y, việc sốc thuốc không phải là hiếm. Còn việc xem xét quy trình có đúng hay không? nguyên nhân chết như thế nào? sốc thuốc gì? thì Hội đồng chuyên môn sẽ kết luận.

Khi hỏi về kế hoạch sắp tới để giải quyết vụ việc, ông Dũng trình bày: “Sắp tới chúng tôi sẽ thành lập đoàn kiểm tra xuống làm việc trực tiếp với Trạm y tế để tìm hiểu nguyên nhân và phân loại xử lí. Chẳng hạn như vai trò quản lí của Trạm trưởng, của người kê đơn, người thực hiện y lệnh… Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm để rút kinh nghiệm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Quốc Hoàn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP