Tin Hà Tĩnh

Hà Tĩnh: Bất thường trong đấu giá đất ở huyện Lộc Hà

Người trả giá cao nhất không được trúng đấu giá, trong lúc người trả giá thấp lại trúng. Có hay không sự “thao túng giá đấu” khiến số tiền đấu giá đất thực tế nộp vào ngân sách Nhà nước thấp hơn giá trị thật?

Ngày 8/11, tại trụ sở UBND xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) diễn ra buổi công bố kết quả đấu giá 10 lô đất thuộc vùng quy hoạch tiểu khu VII vùng trung tâm hành chính huyện Lộc Hà. Tình trạng lộn xộn đã diễn ra khi Đấu giá viên là Giám đốc công ty TNHH đấu giá số 1 (Công ty đấu giá) công bố kết quả trúng đấu giá cho những người trả giá cao nhất. Đỉnh điểm, ngay sau đó, nhóm người quá khích đã vây lấy giám đốc Công ty đấu giá không cho về, bắt ép phải công bố lại kết quả đấu giá của 5 lô đất số 02, 07, 08, 09, 10. Đến 15h chiều cùng ngày, với sự trợ giúp của lực lượng công an và kết quả đấu giá được công bố lại, tình trạng lộn xộn mới chấm dứt.

Xung quanh vụ việc này, PV báo Bảo vệ pháp luật đã vào cuộc tìm hiểu và phát hiện những bất thường liên quan.

Giám đốc công ty đấu giá bị người dân vây ép (Ảnh cắt từ clip).

Ma trận thao túng giá đấu

Theo thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất của Công ty đấu giá, 10 lô đất tại vùng quy hoạch tiểu khu VII có giá thấp nhất là 555 triệu đồng/1 lô, cao nhất là 985 triệu đồng/1 lô. Bước giá khởi điểm thấp nhất của lô thấp nhất là 27 triệu đồng, của lô cao nhất là 48 triệu đồng. Thời gian phát phiếu trả giá và thu hồ sơ là từ 8h đến 17h ngày 6/11. 8h ngày 8/11 sẽ công bố kết quả người trúng đấu giá.

“Tuy nhiên, từ ngày 5/11, một số "cò" đất tại địa phương và nhiều người lạ mặt đã gặp gỡ những người tham gia đấu giá đất để dàn xếp giá đấu. Ai đồng ý thì chỉ cần bỏ 1 bước giá và chi cho nhóm người này hàng trăm triệu đồng/1 lô đất trúng đấu giá. Cuộc gặp gỡ này diễn ra tại một quán cà phê trên địa bàn” – một người dân đề nghị dấu tên cho biết.

Người dân này ví dụ: 1 lô đất có giá khởi điểm gần 600 triệu đồng, nếu đồng ý dàn xếp thì chỉ cần trả 1 bước giá lên hơn 600 triệu đồng thì sẽ trúng đấu giá, nhưng sẽ phải đưa thêm hơn 200 triệu đồng tiền “dàn” mỗi lô đất cho nhóm người này.

“Người trúng đấu giá đất theo cách này chỉ nộp cho Nhà nước hơn 600 triệu đồng một chút, nhưng thực chất là mất 900 triệu đồng để mua đất đấu giá, số tiền chênh lệch sẽ phải đưa cho cò đấu giá” – người dân này nói.

Phiếu trả giá có dấu hiệu bị tẩy xóa, chung chữ viết và màu mực phần giá trả

Anh Nguyễn Minh Đức, trú tại thị trấn huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), người tham gia đấu giá không chấp nhận sự dàn xếp này, đã bỏ phiếu đấu giá tự do, không thông qua “cò” và đã bị gây khó dễ.

Anh Đức kể: “Hôm bỏ phiếu, nhiều người lạ mặt đứng xung quanh hòm phiếu kiểm tra từng phiếu trả giá của người dân, tôi phải nhờ người lên bỏ phiếu, nếu không sẽ bị nhóm người này kiểm tra và gạch xóa giá đấu tôi bỏ, với mục đích không để tôi trúng đấu giá”.

Việc người dân phản ánh các phiếu trả giá có dấu hiệu bị can thiệp là có cơ sở, khi PV kiểm tra các phiếu trả giá tại Công ty đấu giá, thì có phiếu bị gạch xóa ghi lại giá đấu và có rất nhiều phiếu khác màu mực và khác chữ viết, nhất là phần “Giá trả” ở mỗi phiếu, có sự trùng màu mực và chữ viết, dẫu đó là phiếu của những khách hàng khác nhau, với màu mực và chữ viết khác nhau. Mặc dầu cuối ngày bỏ phiếu 6/11, hòm phiếu đã được niêm phong bởi khách hàng và 5 ban ngành liên quan. Ngày mở hòm phiếu (8/11), hòm phiếu được kiểm tra kỹ, vẫn nguyên vẹn trước khi mở niêm phong.

Người trả giá cao nhất... "trượt" đấu giá

Anh Nguyễn Minh Đức là người tham gia đấu giá và trúng 3 lô đất 08, 09, 10, vì đã trả giá cao nhất. Điển hình: Lô số 09, giá khởi điểm là 590 triệu đồng, anh Đức trả giá 1.086 triệu đồng. Lô số 10, giá khởi điểm 750 triệu đồng, anh Đức trả giá 1.086 triệu đồng.

Kết quả này, đã được ông Trần Viết Ngọc – Đấu giá viên, Giám đốc Công ty đấu giá công bố công khai tại buổi công bố kết quả và công nhận anh Đức trúng đấu giá 3 lô đất nói trên.

“Sau khi nhận kết quả, tôi có việc gia đình đột xuất nên chạy vội về nhà, đến khoảng 11h30p thì có người xưng là cán bộ Công an tỉnh gọi điện cho tôi nói đến UBND xã Thạch Bằng để ký biên bản trúng đấu giá. Nhưng khi tôi đến thì những người tham gia đấu giá không cho tôi ký vào biên bản trúng đấu giá”- anh Đức kể.

Đây cũng là thời điểm xảy ra vụ lộn xộn, khi người dân vây lấy Đấu giá viên Trần Viết Ngọc, gây áp lực bắt buộc ông Ngọc phải hủy kết quả đấu giá vừa tuyên và công bố lại kết quả trúng đấu giá, không đồng ý cho anh Đức trúng.

Kết quả, anh Nguyễn Minh Đức đã không được công nhận trúng đấu giá, mà Đấu giá viên đã công bố kết quả trúng đấu giá cho người trả giá thấp thứ 2 sau anh Đức, với giá trị thấp hơn hàng trăm triệu đồng/1 lô đất mà anh Đức đã trả giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1 tỷ đồng/3 lô đất.

Đấu giá viên thừa nhận bị "gây sức ép"

Sau khi vụ lộn xộn xảy ra và nhận thấy những bất thường liên quan đến cuộc đấu giá đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đã có ý kiến chỉ đạo, giao Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn diện việc đấu giá các khu đất nêu trên và xử lý nghiêm các sai phạm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có); tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh.

Làm việc với PV báo Bảo vệ pháp luật, Đấu giá viên Trần Viết Ngọc – Giám đốc công ty đấu giá thừa nhận ngày bỏ phiếu và ngày công bố kết quả đấu giá có sự tham gia của “cò” đất, cũng như nhiều người lạ mặt, là thành phần xã hội từ nơi khác đến. Tuy nhiên ông Ngọc khẳng định không có sự “bắt tay’ giữa công ty đấu giá với “cò” đất hay “thành phần xã hội” để thao túng giá đấu.

Đấu giá viên Trần Viết Ngọc: "Có một số nhóm đối tượng quá khích luôn luôn cố tình gây sức ép, nhằm buộc đấu giá viên thay đổi kết quả trúng đấu giá”.Lý giải vì sao phải hủy kết quả đấu giá ban đầu đối với 5 lô đất, nhất là 3 lô đất của anh Nguyễn Minh Đức, dẫu anh Đức đã trả giá cao nhất (gần gấp đôi giá khởi điểm), ông Ngọc cho rằng anh Đức đã vi phạm khoản 6 điều 39 Luật đấu giá 2016 và điều 8, 9 Quy chế đấu giá do công ty ban hành.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Minh Đức khẳng định mình không vi phạm bất cứ điều khoản nào như Giám đốc công ty đấu giá đã viện dẫn.

Cần phải nói rõ hơn, trong “Văn bản kiến nghị khẩn cấp” ngày 14/11/2018 gửi Công an tỉnh và Công an huyện Lộc Hà, ông Ngọc khẳng định phiên đấu giá được thực hiện khách quan, theo đúng pháp luật, nhưng “có một số nhóm đối tượng quá khích luôn luôn cố tình gây sức ép, nhằm buộc đấu giá viên thay đổi kết quả trúng đấu giá”.

Kiến nghị khẩn cấp của Giám đốc công ty đấu giá gửi Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an huyện Lộc Hà, thừa nhận "nói cho qua chuyện".

Ông Ngọc cho biết 9h50p ngày 8/11 phiên công bố kết quả trúng đấu giá đã kết thúc, nhưng khi ra về ông đã bị nhóm đối tượng quá khích chặn lại không cho về với thái độ rất hung hãn. Đến 15h ông Ngọc vẫn bị khống chế ở trong Hội trường UBND xã, do đó ông phải “trả lời cho qua chuyện”, công bố người trả giá kế tiếp trong 5 lô đất đó trúng đấu giá.

“Lúc này đấu giá viên có biểu hiện choáng váng, hoa mắt, nếu không thoát khỏi vòng vây đó thì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nên đấu giá viên buộc phải nói cho qua chuyện là công nhận người kế tiếp trong danh sách 5 lô đất đấu giá không thành là người trúng đấu giá” – Ông Ngọc lý giải trong kiến nghị khẩn cấp.

Một nhân viên của Công ty đấu giá cũng khẳng định, việc công bố lại kết quả đấu giá để cho người kế tiếp trúng đấu giá, là do áp lực từ người dân tham gia đấu giá, đã gây áp bức nên phải thay đổi kết quả để “thoát thân”.

“Căn cứ trình tự, thủ tục và kết quả đấu giá, thì việc công nhận anh Nguyễn Minh Đức trúng đấu giá 3 lô đất 08, 09, 10 là hợp lệ. Hiện chưa quyết định chính thức ai trúng đấu giá. Nếu được công bố lại, sẽ công nhận cho anh Đức trúng, như vậy vừa đúng luật, vừa không thất thoát tiền cho ngân sách Nhà nước” – nhân viên này nói.

Tác giả: Thảo Đan

Nguồn tin: Báo Bảo vệ Pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP