Trong nước

Hà Tĩnh: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Khó từ hành lang pháp lý

10 tháng đầu năm 2014, Chi cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh đã kiểm tra 2.919 trường hợp, phát hiện và xử lý 86 vụ hàng giả, hàng nhái; 303 vụ vi phạm nguồn gốc xuất xứ; 973 vụ vi phạm về giá cả và 490 vụ vi phạm VSATTP… Thực tế cho thấy, khi nền kinh tế thị trường phát triển và mức độ tự do hóa thương mại gia tăng, vấn nạn hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên nhức nhối, phức tạp trong khi NTD vẫn còn lúng túng trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2010, có hiệu lực thi hành kể từ 1/7/2011, là “rào chắn” pháp lý hết sức quan trọng nhằm bảo vệ NTD. Tuy nhiên, Sau 3 năm đi vào thực tiễn, đạo luật này vẫn chưa phát huy hết vai trò và dần bộc lộ nhiều bất cập.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Khó từ hành lang pháp lý
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra công tác quản lý thị trường, VSATTP tại chợ thị trấn Kỳ Anh. (Ảnh tư liệu)

Không khó để nhận ra, NTD luôn bị dồn vào thế yếu do hạn chế về kiến thức, thông tin cũng như khả năng tự bảo vệ trước nguy cơ bị xâm phạm quyền lợi. Phần lớn NTD khi mua hàng thường bỏ qua thông tin, hướng dẫn sử dụng hoặc không yêu cầu cá nhân, tổ chức cung cấp hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch nên nếu chẳng may xảy ra sự cố về sản phẩm, họ luôn nhận phần thiệt. NTD khi bị xâm phạm quyền lợi không biết khiếu nại đến cơ quan nào, giải quyết ra sao hoặc bỏ qua vì cho rằng mức thiệt hại không lớn. Song, tâm lý này lại là kẽ hở để các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng “móc túi” khách hàng.

Bảo vệ NTD là bảo vệ quyền con người. Việc phải có hành lang pháp lý để bảo vệ NTD trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay là điều cần thiết, nhằm xác lập sự ổn định giữa NTD với các cá nhân, tổ chức kinh doanh; tạo nền tảng tư duy mới trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ NTD và thiết lập vị thế các tổ chức xã hội tham gia. Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào cuộc sống, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD dần nảy sinh nhiều bất cập.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD quy định: “NTD được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”. Song, việc thẩm định hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật không hề đơn giản. Quy định này vô hình trung làm khó các tổ chức trung gian, hòa giải trong vấn đề phân định đúng sai và tất yếu, phần thiệt luôn nghiêng về phía NTD. Chất lượng các loại hàng hóa phải có cơ quan chuyên môn thứ 3 thẩm định nhưng thực tế, khó đơn vị nào có thể đảm nhận vai trò này khi xảy ra sự cố.

Hiện nay, hòa giải là phương thức phổ biến mà các tổ chức Luật Bảo vệ quyền lợi NTD lựa chọn, nhưng điều đáng nói, kết quả hòa giải lại ít khi được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản hòa giải không cao. Hai phương thức trọng tài và tòa án lại vướng rào cản như thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết lâu, lệ phí cao, trong khi giá trị các vụ việc vi phạm còn thấp. Chưa kể, án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD được giải quyết với thủ tục đơn giản theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự gần như không thể thực hiện. Cho đến nay, thủ tục đơn giản tại tòa án để giải quyết đơn khởi kiện của NTD chưa được triển khai trên thực tế và chính bản thân NTD cũng e ngại theo đuổi kiện tụng trong thời gian dài.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Khó từ hành lang pháp lý
Lực lượng quản lý thị trường Hà Tĩnh thu giữ nhiều sản phẩm bánh kẹo không đảm bảo chất lượng, nhãn mác, trọng lượng.

Việc các cá nhân, tổ chức SXKD hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho NTD về mặt kinh tế mà còn xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của họ, nhưng các chế tài xử phạt mới chỉ ở mức xử lý hành chính.

Phần lớn NTD vẫn còn e ngại khi cậy nhờ đến cán cân công lý và đang thờ ơ trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Bảo vệ quyền lợi NTD vẫn chưa được quan tâm đúng mức. “Hầu hết, NTD mới chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế mà chưa thực sự lường trước những nguy cơ tiềm ẩn từ các sản phẩm kém chất lượng” – Chủ tịch Hội Bảo vệ NTD tỉnh Trần Đình Hồng cho biết.

Để “vá” những lỗ hổng nói trên, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cần được nhanh chóng bổ sung, sửa đổi để có quy định phù hợp, đưa vấn đề hòa giải vào hợp đồng, giao kết giữa NTD với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, phải có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hải quan, thuế, quản lý thị trường trong việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, mã vạch hàng hóa; có chính sách hỗ trợ kinh phí để các tổ chức và hội hoạt động nhằm gián tiếp giúp NTD có nơi tương trợ hữu hiệu; tăng cường các biện pháp hậu kiểm và xử lý những vi phạm trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung giữa NTD với cá nhân, tổ chức kinh doanh. Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, giúp NTD nhận thức và tự bảo vệ mình.

Thùy Dương

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP