Trong nước

Hà Tĩnh: Bão lũ đi qua, xót xa ở lại…

Gần hai tuần ,kể từ khi bão số 9 và hoàn lưu sau bão kết thúc, trong khi hàng trăm hộ dân ở nhiều địa phương trong tỉnh Hà Tĩnh chưa nguôi tiếc nuối nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản đang bước vào độ thu hoạch bị nước lũ cuốn trôi thì tại Xuân Yên (Nghi Xuân), nhiều hộ dân nuôi tôm còn phải đối mặt với nợ nần bởi dịch đốm trắng bùng phát.

Vụ tôm hè thu này là vụ thứ ba anh Phan Văn Bình, xã Xuân Yên cùng 4 hộ dân trong xóm đứng ra thành lập tổ hợp NTTS để thầu gần 7ha ở trại tôm Bàu Dài. Tuy chưa trở thành tay chuyên nghiệp nhưng ít nhiều, cái nghề “đánh bạc với trời” đã cho anh những kinh nghiệm không bao giờ có trong các tài liệu hay sách vở chuyên ngành. Vậy nhưng, niềm vui từ vụ tôm xuân hè trước đó còn chưa kết thúc thì nỗi buồn trong vụ hè thu đã ập tới 6/10 ao nuôi của tổ hợp này.


“Mấy ngày cuối tháng 9 vừa qua thật là khủng khiếp. Những tưởng vài cơn gió giật mạnh kèm theo các đợt mưa xối xả sẽ khép lại sau khi bão số 9 tan đi nhưng hoàn lưu sau bão còn gây mưa lớn thêm mấy ngày, làm cho đồng tôm Bàu Dài suýt chìm trong biển nước. Cống thoát nước phía biển bị tắc nên nguồn nước hỗn hợp từ ngoài tràn vào đã làm cho 6 ao nuôi (tương ứng với 4 ha) bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tôm bị sốc, bơi lờ đờ rồi chìm nghỉm ,sau đó nổi lềnh bềnh trên mặt nước” – anh Bình ngẹn ngào kể.


“Chúng tôi đã thả một lượng lớn vôi bột và hòa nước hóa chất vào 6 ao nuôi bị ô nhiễm nặng hòng xử lý môi trường nhưng chẳng thấm tháp vào đâu” – bác Nguyễn Đình Diệu, một chủ hộ cùng trong tổ hợp tác với anh Bình cho biết thêm.


Theo bác Diệu, trong vụ hè thu này, tổ hợp này thả nuôi 4 triệu con tôm thẻ chân trắng (mua từ Viện nghiên cứu NTTS 3 Nha Trang). Chỉ riêng tiền giống ở 6 hồ bị thiệt hại đã mất đứt bảy, tám chục triệu đồng. Cộng với khoảng 10 tấn thức ăn đã đổ xuống đây thì giá trị thất thiệt đã lên đến 300 triệu đồng. Điều mừng là trong 4 hồ nuôi còn lại, tôm vẫn khỏe mạnh và đang cho thu hoạch. Với năng suất ước đạt 2,5 tấn/hồ (diện tích 500m2), tổ hợp nuôi tôm của anh Bình và bác Diệu có thể bù đủ số tiền vừa mất của 6 hồ kia nhưng kể như vụ này cả 5 gia đình đã chung lưng đấu cật vào đây bỏ công mà không có lãi.


“Vấn đề chúng tôi quan tâm lúc này là làm sao xử lý triệt để các ao nuôi bị nhiễm bệnh để tiếp tục thả thêm vụ đông nhằm vớt vát một phần thiệt hại. Nhờ các chính sách kích cầu của Chính phủ, mấy anh em tôi đã được vay 100 triệu đồng với lãi suất thấp nên cũng bớt nợ nần” – bác Diệu cho biết thêm.


Ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục NTTS Hà Tĩnh, cho biết: với những ao hồ bị dịch đốm trắng tấn công, ngoài xử lý triệt để mầm bệnh bằng vôi bột và các loại hóa chất, tốt nhất nên nghỉ nuôi ở vụ liền kề nhằm đề phòng dịch bệnh tái phát. Với những ao nuôi ở Trại tôm Bàu Dài, nếu nuôi tiếp thì các hộ dân phải bơm cạn nước, xử lý môi trường ao nuôi, sau đó rải bạt chống thấm mới hy vọng tránh được dịch bệnh do phần lớn ao hồ ở đây đã bị sụn lún bờ bao xung quanh. Chi cục NTTS Hà Tĩnh khuyến cáo các hộ nuôi tôm, thường sau bão lũ, môi trường nước trong hồ đã có sự thay đổi nên phải thường xuyên theo dõi để xử lý nguồn nước nhằm tránh tình trạng con nuôi (chưa đạt thương phẩm) bị xốc.

Ông Kiều Ngọc Thành – Phó phòng NN&PTNT huyện Nghi Xuân cho biết thêm, ngay sau khi hiện tượng tôm chết ở 6/10 ao nuôi của tổ hợp này xảy ra, phòng đã cử kỹ sư thủy sản về lấy mẫu gửi Chi cục NTTS Hà Tĩnh xét nghiệm và đã có kết luận là tôm bị bệnh đốm trắng do sốc với môi trường nước bị ô nhiễm. Cùng đó, chúng tôi cũng đã hướng dẫn các hộ nuôi xử lý môi trường bằng vôi và hóa chất nhưng không hiệu quả do hệ thống mái bê tông bờ hồ phần lớn đã bị sạt lở nặng.

Cũng theo ông Thành, vụ hè thu này toàn huyện Nghi Xuân thả nuôi 450ha các loại giống thủy sản, trong đó, tôm thẻ chân trắng là 70 ha, tập trung ở các xã như: Xuân Phổ, Xuân Đan, Xuân Trường, Xuân Hội, Cương Gián, Xuân Yên. Các đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có gần 150 ha bị ngập nhưng đến thời điểm này chỉ mới xuất hiện dịch đốm trắng ở Trại tôm Bàu Dài (Xuân Yên) và cũng đã được khống chế trong phạm vi 6 ao nuôi. Nguyên nhân bệnh xuất hiện chủ yếu do nguồn nước bị ô nhiễm chứ không liên quan đến chất lượng con giống, bởi, nếu giống không sạch bệnh thì chỉ sau vài chục ngày nuôi là đã bột phát rồi.


Tận mắt chứng kiến các chủ hộ vớt hàng vạn xác tôm đi chôn hủy, chúng tôi không khỏi ngẹn ngào trước những thiệt hại do dịch bệnh gây ra trong đó có phần nào hệ quả từ đợt mưa lũ vừa qua. Chỉ hy vọng, từ thất bại này, những người đang ngày đêm “đánh bạc với trời” ở Xuân Yên nói riêng và nhiều địa phương trong tỉnh nói chung rút ra bài học trong việc chủ động trước thiên tai, bão lũ nhằm giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại không đáng có.


Hải Xuân

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP