Tin Hà Tĩnh

Bao giờ những trường học tiền tỷ hết bị bỏ hoang

Được đầu tư tiền tỷ xây dựng khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy và học nhưng nhiều năm nay, hàng loạt ngôi trường trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa một lần được đưa vào sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, dẫn tới bị bỏ hoang, tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng, gây lãng phí tài sản Nhà nước. Trong khi đó, các cơ quan chức năng năm này qua năm khác vẫn loay hoay tìm phương án xử lý.

Sân trường trở thành nơi phơi rơm rạ, trang thiết bị dạy và học nằm lăn lóc… tại ngôi trường THCS Hương Quang (huyện Vũ Quang).

Xây để... bỏ hoang

Dự án trường THCS Hương Quang (huyện Vũ Quang) được đầu tư xây dựng với hy vọng là nơi học tập mới cho con em của 500 hộ dân xã Hương Quang thuộc dự án vùng lòng hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang về khu tái định cư Hói Trung sinh sống. Trường được xây dựng khang trang trên diện tích hơn 1ha với các hạng mục khá đồng bộ như: Dãy nhà học 2 tầng, nhà hiệu bộ, nhà ở công vụ, nhà để xe, khuôn viên trường, tường rào… với tổng số vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng.

Nhiều hạng mục của trường bị xuống cấp, bong tróc.

Hoàn thành và bàn giao năm 2013, trong niềm vui hân hoan của nhiều người thì cũng là thời điểm trường bắt đầu bị bỏ hoang. Gần 6 năm trôi qua, trường chưa một lần đón bất cứ em học sinh nào đến học, cơ sở vật chất của trường ngày càng xuống cấp, hư hỏng, cỏ mọc um tùm, sân trường bất đắc dĩ trở thành nơi phơi rơm rạ mỗi khi đến mùa thu hoạch, thả gà, vịt… của bà con xung quanh.

Nguyên nhân được đưa ra là do mục tiêu ban đầu phục vụ hơn 500 hộ dân tái định cư đã không xảy ra. Chủ trương cho di dân tự do mà tỉnh Hà Tĩnh triển khai sau khi dự án xây trường đã dẫn đến việc chỉ có 198 hộ dân về tái định cư ở khu vực này, dẫn đến số học sinh ở độ tuổi đến trường ít, không đủ yêu cầu để mở lớp dạy học.

Đến nay, ngôi trường Mai Kính với kinh phí đầu tư xây dựng 31 tỷ đồng tọa lạc giữa mênh mông của đồng ruộng mà chưa hề đi vào hoạt động đúng mục đích phục vụ việc học hành cho con em địa phương.

Ngôi trường THCS Mai Kính (huyện Thạch Hà) được đầu tư khang trang nằm trên khu đất 34.000m2 với dãy nhà 4 tầng 16 phòng học. Với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 31 tỷ đồng, thế nhưng đến nay ngôi trường vẫn tọa lạc giữa mênh mông của đồng ruộng mà chưa hề đi vào hoạt động đúng mục đích phục vụ việc học tập cho con em địa phương.

Trong khi đó, trường Trung cấp Kỹ thuật và Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh nằm ở thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân) cũng chịu chung số phận bị bỏ hoang. Năm 2000, trường được đầu tư 15 tỷ đồng nâng cấp, xây dựng trên diện tích 4,6 ha với một dãy nhà học 4 tầng, ký túc xá 3 tầng và dãy nhà xưởng, nhà thí nghiệm. Đến năm 2012, trường tiếp tục đầu tư xây dãy nhà thư viện 3 tầng trị giá 4 tỷ đồng. Với kế hoạch trường sẽ là nơi giảng dạy và đào tạo các ngành nghề như: Chăn nuôi thú y, trồng trọt, địa chính… Thế nhưng sau khi hoàn thành năm 2013, trường không thu hút được học sinh tới học nên được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho sát nhập vào trường Đại học Hà Tĩnh, thành một cơ sở đào tạo ngành Nông nghiệp. Và cũng từ đó đến nay, kế hoạch đào tạo của trường khép lại, trường trở thành nơi cư trú tạm thời cho công nhân của những dự án đang triển khai gần đó.

Một hộ dân sống gần khu vực trường chia sẻ: “Do thời gian dài không sử dụng, không có người bảo vệ, dọn dẹp nên nhiều hạng mục công trình của trường đang xuống cấp trầm trọng. Khuôn viên sân trường nhiều năm nay chúng tôi dùng làm nơi chăn thả trâu bò. Các phòng học thì nhếch nhác, bụi bặm, cây cối mọc um tùm. Ổ khóa cửa gỉ sét, kính của sổ các phòng hầu như đều bị vỡ… nhìn chúng tôi cũng xót xa cho tài sản của Nhà nước lắm”.

Loay hoay tìm giải pháp

Những phòng học rộng rãi với trang thiết bị đầu tư đầy đủ tưởng như sẽ là môi trường học tập lý tưởng cho nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn. Thế nhưng khi những lớp bụi phấn chưa kịp phủ thì những lớp bụi đất, rơm rạ đã vùi lấp những bàn học, những trang thiết bị. Thực tế hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có hàng chục trường học đang bị bỏ hoang nhất là khi có chủ trương sát nhập các trường với nhau. Việc đầu tư xây dựng thiếu tính toán, cơ sở khoa học cũng là một trong những nguyên nhân trường xây lên bị bỏ hoang, hoặc hoạt động kém hiệu quả.

Nói về trường THCS Hương Quang, ông Nguyễn Trường Thọ - Chủ tịch UBND xã Hương Quang cho biết: “Khi xây dựng trường dự tính phục vụ con em của 500 hộ dân tái định cư. Nhưng trong quá trình triển khai dự án thì tỉnh có chủ trương cho di dân tự do nên chỉ còn được 198 hộ về khu tái định cư Hói Trung. Hiện nay trong xã chỉ có hơn 70 em học sinh cấp 2 - 3 và những em học sinh này nhập học vào trường THCS Quang Thọ (xã Hương Thọ) cách gần 10 cây số cũng như một số trường khu vực lân cận khác.

Để lãng phí một ngôi trường hàng chục tỷ đồng như thế này xã cũng xót xa, nhất là trong quá trình về đích Nông thôn mới cần thiết nhiều công trình, hạng mục khác phục vụ cho đời sống bà con nhân dân trong xã. Xã đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên tuy nhiên đến giờ cũng chưa có phương án nào khả thi hữu hiệu để đưa ngôi trường vào mục đích sử dụng tránh lãng phí”.

Do thời gian dài không sử dụng, không có người bảo vệ, dọn dẹp nên nhiều hạng mục công trình của trường Trung cấp Kỹ thuật và Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh xuống cấp trầm trọng.

Trò chuyện với một vài người lớn tuổi ở thị trấn Xuân An về dự án trường Trung cấp Kỹ thuật và Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh bỏ hoang đến nay, có nhiều ý kiến cho rằng: “Đó là một sự lãng phí về tiền của Nhà nước và không có sự tính toán. Học sinh ở đây không nhiều và chúng có nhiều lựa chọn ở những ngôi trường khác. Thật tiếc khi chủ đầu tư chưa nắm bắt hết nhu cầu của em tại địa phương nên công trình ra đời không phát huy tác dụng”.

Có thể nói, trong điều kiện kinh tế tỉnh vẫn còn khó khăn, việc những ngôi trường được đầu tư xây dựng tiền tỷ rồi bị bỏ hoang là một sự lãng phí rất lớn. Điều này cũng cho thấy sự thiếu tính toán, triển khai xây dựng dự án chưa đồng bộ của các đơn vị liên quan. Liệu những dựa án như trên bao giờ sẽ có những phương án khả thi để khắc phục?

Liệu những dự án như trên bao giờ sẽ có những phương án khả thi để khắc phục?

Theo ghi nhận của PV, những ngôi trường nêu trên chưa phải là những ngôi trường điển hình bị bỏ hoang ở Hà Tĩnh nhưng là ví dụ cụ thể về tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Sau khi sáp nhập các trường học, ở Hà Tĩnh có khoảng hơn 20 trường học các cấp hiện nay bị bỏ hoang và xuống cấp cần có giải pháp kịp thời sớm được đưa vào sử dụng, tránh tiền lệ xấu cho những dự án về sau.

Tác giả: Phương Dung - Thanh Tâm

Nguồn tin: Báo Xây dựng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP