Kinh tế

Hà Tĩnh: Áp giá bồi thường một đằng, thông báo chi trả một nẻo

73 hộ dân nuôi cá lồng bè ở xã Hộ Độ được tỉnh Hà Tĩnh thẩm định, áp giá bồi thường do ảnh hưởng sự cố môi trường biển hồi tháng 4/2016 mỗi hộ 92.850.000 đồng.

Số liệu này được công khai, thông báo, niêm yết nhiều lần đến người dân, bà con đang chờ để nhận tiền bồi thường để tái sản xuất thì đùng một cái giữa tháng 10/2017, UBND huyện Lộc Hà thông báo chỉ chi trả 17.460.000 đồng, với lý do bà con đã nhận tiền hỗ trợ cá chết rét cuối năm 2015 nên không được chi trả bồi thường sự cố môi trường biển (?!).

73 hộ dân kêu cứu

Theo phản ánh của các hộ dân, đầu năm 2015 tỉnh Hà Tĩnh ban hành chính sách hỗ trợ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản (NTTS). Ngay sau đó hàng chục hộ đổ xô vay mượn ngân hàng, anh em bạn bè đầu tư nuôi cá chẽm, cá mú, hồng Mỹ... Tuy nhiên, cuối năm 2015 rét đậm, rét hại khiến hầu hết cá tại các lồng bè bị chết rét, ngay sau đó chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ các hộ bị thiệt hại.

Các hộ dân đã được thẩm định bị thiệt hại, áp giá bồi thường niêm yết công khai

“Lúc thẩm định cá chết rét trong lồng đang có khoảng 30% cá còn sống, ra tết (khoảng tháng 2/2016 dương lịch) chúng tôi mua thêm giống thả nuôi. Đến cuối tháng 4/2016 thì xảy ra sự cố môi trường biển, kể từ đó dân nuôi cá lồng bè “sống dở, chết dở” vì thương lái, người tiêu dùng sợ cá nhiễm độc nên tẩy chay, cá không bán được rồi chết dần chết mòn”, ông Đào Xuân Khuyến, thôn Vĩnh Phú, nói.

Ông Khuyến cho hay, gia đình ông nuôi 1 lồng (153m3) cá hồng Mỹ, cá chẽm. Theo quy định, mỗi lồng thả nuôi 2.000 con nhưng cuối năm 2015 cá bị chết rét, còn lại khoảng 600 con trong lồng gia đình ông tiếp tục chăm sóc, đến đầu năm 2016 ông ra Nghệ An mua thêm 1.000 con giống về thả nuôi bổ sung. Đến tháng 4/2016 trọng lượng cá bình quân khoảng 6 - 8 lạng/con. Nếu không bị sự cố môi trường biển thì cá vẫn bán bình thường nhưng do sợ cá nhiễm độc nên toàn bộ sản lượng đến thời kỳ thu hoạch không thể tiêu thụ.

Ông Khuyến đại diện người dân, đề nghị Hội đồng bồi thường chi trả theo đúng thông báo đã niêm yết, công khai với dân

“Sau khi có hướng dẫn của cấp trên, xã, thôn thông báo chúng tôi kê khai thiệt hại. Việc kê khai được đưa ra họp rất nhiều cuộc tại thôn, sau đó hồ sơ thiếu cái gì chúng tôi bổ sung cái đó và đã được Hội đồng bồi thường xã, huyện, tỉnh thẩm định, áp giá, công khai thông báo trước dân. Chúng tôi đang chờ tiền bồi thường thì đùng một cái huyện, xã mời lên họp thông báo chỉ bồi thường lao động thất nghiệp chứ không phải thiệt hại NTTS bằng m3 lồng bè như đã công khai trước đó”, ông Đào Xuân Khuyến nói.

73 hộ dân xã Hộ Độ bức xúc trước cách làm khó hiểu của Hội đồng bồi thường các cấp

Đồng quan điểm, chị Trương Thị Síu, thôn Vĩnh Phong, nhấn mạnh: “Đầu năm 2016 khi mua 1.000 con cá hồng Mỹ về thả tôi có báo lên anh Thanh - cán bộ NTM xã và chị Duyên - phòng Nông nghiệp huyện nhưng chị Duyên nói “không cần báo nữa, bà con cứ thả vì trước đó đã thả 2 đợt rồi”. Chúng tôi mua giống chẳng ai nghĩ sẽ bị sự cố môi trường biển nên có mấy người lấy hóa đơn mua giống đâu”.

Theo chị Síu, việc áp giá một đằng giờ thông báo chi trả một nẻo là rất vô lý.

Cơ sở nào để bồi thường hơn 17 triệu đồng (?!)

Lý giải về sự “tiền hậu bất nhất” trên, ông Phan Đình Hinh, Chủ tịch UBND xã Hộ Độ nói: Tháng 1/2016 cá nuôi lồng bè đã bị chết rét trên 70% rồi thì làm gì còn cá nữa. Còn bà con nói sau rét thả giống thì biên bản đâu (?!). PV đặt câu hỏi, nếu thấy hồ sơ của dân không đủ, tại sao xã lại chỉ đạo tổ thẩm định cấp thôn hướng dẫn dân kê khai thiệt hại, ông Hinh bảo: “Do tỉnh, huyện chỉ đạo, hơn nữa dân áp lực mạnh nên kê khai lên!”. Ông Hinh phân trần thêm, việc áp giá cũng vậy, huyện chỉ đạo làm sao thì xã làm vậy.

“Xã và thôn đã làm kỹ lắm rồi. Ngay từ khi kê khai, tổ thẩm định cấp thôn bao gồm bí thư, thôn trưởng, các đoàn thể, tổ tự quản xác định đối tượng bị thiệt hại xong đưa ra họp toàn dân, có những xóm phải họp 4 – 5 cuộc, thậm chí bỏ phiếu kín để đảm bảo chính xác, công bằng. Sau khi thôn làm xong Hội đồng thẩm định xã thẩm định lại rồi báo cáo lên huyện, Hội đồng huyện thẩm định thêm một lần nữa”, ông Phan Đình Hinh cho biết thêm.

Nếu nói như ông Hinh, việc xác định các hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại do sự cố môi trường biển huyện, xã đã làm rất kỹ vậy thì nay sao lại thông báo không đủ cơ sở để chi trả bồi thường cho dân?

Người dân không đồng tình với cách làm “tiền hậu bất nhất” của Hội đồng bồi thường các cấp


Và "đã làm rất kỹ" sao nay lại nói việc áp giá bồi thường hơn 92 triệu đồng cho hộ nuôi cá lồng bè không có cơ sở nào cả (?).

PV đặt câu hỏi tiếp: Cá chết rét đầu năm 2016 cũng đồng nghĩa dân mất việc làm từ thời gian này, vậy huyện, xã lấy cơ sở đâu để bồi thường dân mất việc làm do sự cố môi trường biển (tháng 4/2016). Ông Hinh ấp úng một lúc rồi bảo: “Do trên huyện làm”.

Trao đổi qua điện thoại với NNVN, ông Phan Văn Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà nói: “Huyện chưa chi trả như kê khai ban đầu chứ không phải không chi trả. Bây giờ anh em đang điều tra lại quá trình làm của xã, thôn xem có gì sai sót không, nếu cái nào có vấn đề thì báo cáo với tỉnh xin ý kiến”.



Tác giả: Thanh Nga

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP