Xã hội

Hà Tĩnh: 190 hồ chứa nguy cơ 'phát bệnh'

Mặc dù đã thực hiện đồng bộ quy trình khai thác, vận hành theo quy định, tuy nhiên, do hầu hết hồ chứa nước ở Hà Tĩnh được xây dựng và đưa vào khai thác, sử dụng cách đây 30 – 40 năm nên hiện tại đang có hơn 190 hồ bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 350 hồ chứa với tổng dung tích trên 800 triệu m3 nước, trong đó 60 hồ chứa dung tích lớn hơn 1 triệu m3 do 2 Cty TNHH MTV thủy lợi quản lý; số còn lại do các địa phương khai thác, quản lý.

Một số hồ chứa nước lớn dù xả lũ chưa đạt thiết kế nhưng đã ảnh hưởng đến vùng hạ du.

Những năm qua mặc dù được đầu tư kinh phí tu sửa, nâng cấp tuy nhiên phần lớn hồ đập trên địa bàn được xây dựng từ cách đây 30 – 40 năm, điều kiện khảo sát thiết kế, thi công còn hạn chế; đầu tư xây dựng không đồng bộ nên sau nhiều năm khai thác nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Đập thấp, nhỏ, thấm qua thân đập khá phổ biến; cống lấy nước bị hư hỏng, tràn xã lũ không được gia cố, không đảm bảo thoát lũ, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

“Ngoại trừ một số hồ mới được xây dựng và nâng cấp gần đây, hiện tại toàn tỉnh có đến hơn 190 hồ bị xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn cao. Tập trung ở các huyện Hương Sơn, Nghi Xuân, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh, Đức Thọ, Can Lộc,...”, ông Trần Duy Chiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh nói.

Theo ông Chiến, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường, đặc biệt là ở địa bàn Hà Tĩnh nơi được ví như “chảo lửa, túi mưa” nên việc đảm bảo an toàn hồ chứa càng cần được quan tâm nhiều hơn.

Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư cho sửa chữa, nâng cấp còn hạn chế nên trong quá trình lập hồ sơ nâng cấp chủ đầu tư và cơ quan tư vấn buộc phải lựa chọn các hạng mục xung yếu để nâng cấp trước, thậm chí có hồ chỉ đầu tư được phần mái đập chính hay tràn xả lũ nên không ít hồ vừa thi công xong đã bộc lộ bất cập và mất an toàn. Trang thiết bị, phương tiện quản lý chưa tương xứng với quy mô, nhiệm vụ được giao, nhiều công trình hồ sơ thất lạc, chưa lập quy trình vận hành điều tiết. Ngoài ra, hầu hết cán bộ ở các tổ chức hợp tác dùng nước chưa qua đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ nên công tác quản lý, vận hành còn nhiều bất cập...

“Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là việc điều tiết xả lũ cho các hồ chứa. Bởi theo nguyên tắc, đơn vị vận hành phải đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ảnh hưởng đến hạ du và đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu. Nhưng lâu nay một số công trình như hồ Kẻ Gỗ, thượng sông Trí...mặc dù xả lũ chưa đạt thiết kế nhưng đã ảnh hưởng đến vùng hạ du. Vì thế, các địa phương cần chỉ đạo điều tiết linh hoạt, tính toán đầu tư hệ thống tiêu úng cho vùng hạ du nhằm khắc phục dần thực trạng này”, ông Trần Duy Chiến nhấn mạnh.

Được biết, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 10 hồ chứa có tràn xả lũ bằng cửa van; 2 hồ (Khe Xai – huyện Thạch Hà và Cồn Tranh – Nghi Xuân) đang xây dựng. 3 hệ thống công trình trọng điểm gồm Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; Kim Sơn – Thượng sông Trí và sông Rác đang trình UBND tỉnh phê duyệt phương án PCLB và TKCN năm 2017. UBND tỉnh, Sở NN-PTNT cũng đã chỉ đạo các địa phương theo phân cấp tập trung thẩm định, phê duyệt phương án đảm bảo an toàn cho các hồ chứa trước ngày 30/8.

Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành hỗ trợ lắp đặt các thiết bị giám sát mực nước, lượng mưa tự động cho các hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện về nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp 188/213 hồ theo chương trình số 41/UBND-NL ngày 29/1/2015 của UBND tỉnh, về việc đảm bảo an toàn hồ chứa giai đoạn 2015 – 2020.

Tác giả: T.Nga

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP