Dự án đầu tư

Hà Tĩnh: 'Biến' thành công chợ nhếch nhách thành văn minh

Với quyết tâm của địa phương và doanh nghiệp đã biến một chợ Hội nhếch nhác trở thành Trung tâm thương mại khang trang, bề thế ở thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh).

Đây là mô hình xã hội hóa (XHH) đầu tư chợ (loại 1) đầu tiên của Hà Tĩnh do Công ty CP Ðầu tư phát triển công thương miền Trung thực hiện. Mô hình này cần sớm được nhân rộng trên địa bàn Hà Tĩnh.


>> Cẩm Xuyên: Trung tâm thương mại chợ Hội gấp rút hoàn thành các công trình


Bấy lâu nay, các chợ trung tâm huyện lỵ, thị trấn trên địa bàn Hà Tĩnh đều xuống cấp, làm đau đầu các nhà quản lý vì không có ngân sách để nâng cấp. Hệ lụy, tiểu thương hằng ngày không chỉ phải chụi cảnh mưa lầy, nắng bụi mà còn phải đối mặt với các vấn nạn về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường…Tỉnh Hà Tĩnh đã có chính sách ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế bỏ vốn ra xây dựng chợ theo hình thức XHH đầu tư. Thậm chí một số địa phương còn có chính sách riêng để kêu gọi doanh nghiệp, con em thành đạt trên mọi miền đất nước về đầu tư, nâng cấp chợ, nhưng vì những lý do khác nhau nên vẫn chưa thành công mà chợ Sơn ở Hương Khê là một thí dụ.


Chợ Hội là chợ loại 1, nằm ở thị trấn Cẩm Xuyên, nơi có gần 500 hộ kinh doanh. Chợ được xây dựng khá lâu nên cũng rơi vào tình cảnh xuống cấp. Do nằm ngay trên quốc lộ 1A, và cạnh ngã ba đường xuống khu du lịch Thiên Cầm nên việc kinh doanh ỏ chợ Hội vừa gây mất an toàn giao thông vừa làm mất mỹ quan đối với trung tâm huyện lỵ. Trước tình hình đó, huyện Cẩm Xuyên quyết tâm “làm mới” chợ Hội bằng chủ trương XHH đầu tư. Công ty CP Ðầu tư phát triển công thương miền Trung đã mạnh dạn bỏ vốn xây dựng chợ Hội thành trung tâm thương mại, bao gồm: chợ, khách sạn và trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp với quy mô đầu tư hơn 400 tỷ đồng.


Quá trình xây dựng chợ Hội rơi vào đúng thời điểm thắt chặt tín dụng, nhưng dự án đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của tỉnh, huyện cùng sự giúp sức Ngân hàng Công Thương và sự nỗ lực của doanh nghiệp. Sau gần ba năm xây dựng, ngày 31-8 vừa qua, Trung tâm thương mại chợ Hội chính thức đi vào hoạt động, với đầu đủ các khu chức năng: chợ chính, chợ công nghiệp, dịch vụ ngoài chợ và chợ đầu mối trên diện tích 44 nghìn m2. Tuy mới đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 207 tỷ đồng, nhưng đây là khu thương mại hai tầng khá hiện đại và khang trang, đủ điều kiện cho khoảng 800 -1.000 hộ kinh doanh. Khu chợ này lại nằm phía sau chợ Hội cũ và cách Quốc lộ 1 khoảng 300 mét nên “giải” được các vấn nạn nêu trên, đặc biệt là an toàn giao thông. Khu vực đất “vàng” chợ Hội cũ được quy hoạch xây dựng khách sạn nhiều sao. Quần thể khách sạn, trung tâm thương mại chợ Hội sẽ trở thành điểm nhấn du lịch, thương mại cho huyện lúa Cẩm Xuyên.


Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Đình Hải cho biết: Để chia sẻ khó khăn cho bà con kinh doanh khi chuyển sang khu chợ mới, ngoài chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay, UBND tỉnh còn ra quy định mức thuê kiốt bình quân 145.000 đồng/tháng/m2 (gồm cả chi phí quản lý). Đây được xem là mức phí mà tiểu thương chấp nhận được. Theo đó, huyện đã chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để bà con tiểu thương nhanh chóng ổn định kinh doanh khi chuyển về chợ mới. Cụ thể như: Hỗ trợ từ 1-5 triệu đồng/hộ cho việc chuyển chợ; không thu thuế tháng 9 và 10; có chính sách hỗ trợ riêng cho các hộ kinh doanh có hoàn cảnh khó khăn; thuê 50 gian hàng tại chợ mới để hỗ trợ các hộ không còn nhu cầu tiếp tục kinh doanh, bán hàng tồn đọng trong thời gian hai tháng không phải trả tiền thuê ốt… Ngoài ra, UBND huyện đã có công văn đề nghị ngân hàng tạo điều kiện cho các hộ thế chấp vay vốn thuê ki ốt.


Theo Giám đốc Công ty CP Ðầu tư phát triển công thương miền Trung Phạm Anh Tuấn: Mặc dù phải bỏ vốn đầu tư lớn nhưng doanh nghiệp cũng đưa ra chính sách hỗ trợ cho bà con tiểu thương như: giảm 10% các khoản tiền thuê kiốt, miễn 100% tiền cửa cuốn và biển hiệu cho các hộ đăng ký vào hoạt động tại chợ mới từ ngày 24 đến 31-8; hay chấp nhận thời gian thuê kiốt ngắn (từ sáu tháng đến một năm) với mức thuê hợp lý…để thu hút mọi thành phần tham gia kinh doanh.


Các chủ trương, chính sách hỗ trợ thỏa đáng của địa phương và chủ đầu tư quy định rõ ràng, công khai minh bạch, được đông đảo các hộ tiểu thương đồng tình cao và họ đã nhanh chóng đi vào ổn định kinh doanh tại chợ mới.


Chúng tôi đến thăm trung tâm thương mai chợ Hội vào đúng hôm mưa to do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 8. Qua trao đổi các hộ kinh doanh tại đây đều hài lòng, ngược với tâm trạng lo lắng, trái chiều trong suốt quá trình xây dựng chợ mới. Chị Nguyễn Thị Hiếu – chủ ba kiốt tạp hóa đã có nhiều năm kinh doanh tại chợ Hội chia sẻ: “Kinh doanh ở chợ mới khang trang bề thế, môi trường sạch sẽ rất thuận tiện, lại được hưởng thụ chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, không chỉ tôi mà bà con tiểu thương chợ Hội cũ đều phấn khởi”. Chị Hiếu còn cho biết thêm: “Nhờ chuyển sang chợ mới kịp thời, nên đã thoát khỏi cảnh mưa lầy… hay lo chập, cháy điện như ở bên chợ cũ, mặc cho mưa to, gió lớn đến mấy!”. Anh Đặng Văn Dần (51 tuổi) chuyên bán thịt, thuê kiốt B31 ghi nhận: “Các khoản thu của chợ cũng hợp lý vì kinh doanh ở chợ mới sạch sẽ hơn chợ cũ rất nhiều nên hàng tươi sống cũng dễ bán hơn”. Chợ mới khang trang, đàng hoàng hơn nơi cũ cùng các chính sách hỗ trợ khác ắt sẽ kinh doanh thuận lợi hơn nên cũng như một số tiểu thương khác, chị Nguyễn Thị Linh tranh thủ chọn vị trí đắc địa, thuê bốn kiốt liền nhau để kinh doanh quần áo thời trang cho thuận.


Trung tâm Thương mại chợ Hội mới được khai trương hơn 20 ngày nay, đã thu hút cơ bản hết số tiểu thương chợ Hội cũ vào kinh doanh ổn định. Riêng 100% kiốt phía ngoài đình chợ đã được các chủ hộ kinh doanh đăng ký sở hữu. Đã có khoảng 200 nhà sản xuất hàng hóa trong nước và nước ngoài liên kết quảng bá sản phẩm, đồng thời đã ký hợp tác với trung tâm để từng bước xây dựng chợ Hội thành chợ đầu mối trung tâm bán buôn của khu vực và Hà Tĩnh đã phần nào nói lên việc XHH đầu tư Trung tâm Thương mại chợ Hội là chủ trương đúng đắn của Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên.


Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh Trần Nhật Tân cho biết: “Trên cơ sở Đề án “Phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020” vừa được thông qua và mô hình XHH đầu tư chợ Hội thí điểm thành công, sẽ giúp chúng tôi có giải pháp thu hút vốn đầu tư của các, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân vào lĩnh vực này, thông qua việc khuyến khích các địa phương sớm nhân rộng mô hình XHH đầu tư chợ Hội ra toàn tỉnh”. Cũng theo Giám đốc Tân: Phấn đấu đến năm 2020, sẽ XHH đầu tư khoảng 1.200 tỷ để cải tạo, nâng cấp và đầu tư mới khoảng 50% số chợ trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó có tám chợ đầu mối nông sản cùng các chợ: biên giới, cửa khẩu, khu kinh tế và mỗi huyện hình thành ít nhất một trung tâm thương mại hoặc siêu thị. Đây là số vốn XHH đầu tư vào lĩnh vực này không hề nhỏ, đòi hỏi các địa phương, các ngành của Hà Tĩnh cần “trải” thảm đỏ thực sự để thu hút, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ thủ tục hành chính, hỗ trợ vay vốn, đến tuyên truyền, vận động…. Có như vậy, Hà Tĩnh mới sớm nhân rộng mô hình XHH đầu tư chợ Hội ra cả tỉnh.


THÀNH CHÂU – QUANG SÁNG

Nhân Dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP