Tuyển dụng Lao động

Hà Tĩnh: Ba năm liền không tuyển giáo viên

Liên tiếp 3 năm từ 2012-2014, Hà Tĩnh không tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các bậc học: mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Điều đáng nói là từ nhiều năm nay, mỗi năm, lượng thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi trở lên cũng chỉ được Hà Tĩnh tuyển dụng một cách “nhỏ giọt” theo diện thu hút nhân tài.

Cung vượt quá cầu

Theo Sở Nội Vụ Hà Tĩnh, trong 3 năm 2012, 2013, 2014, tỉnh Hà Tĩnh không tổ chức tuyển dụng giáo viên cho các bậc học: mầm non, tiểu học, THCS và THPT vì lượng giáo viên dư thừa của tỉnh này hiện còn rất lớn.

Theo thống kê của Sở Nội Vụ Hà Tĩnh, trong ba năm trên, lượng giáo viên dư thừa của tỉnh này tương ứng là 643; 1.148; 1.209 người. Và trong 4 bậc học kể trên thì bậc THPT giáo viên thừa nhiều nhất, cụ thể năm 2014 thừa  350 người,  ba bậc học còn lại năm 2014 thừa tổng cộng gần 860 người.

Ông Phan Đình Lai, Trưởng phòng Đào tạo, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho biết: giáo viên THPT thừa trong năm 2014 của Hà Tĩnh như trên là mới chỉ tính những giáo viên thuộc “diện” biên chế, chưa tính đến số giáo viên dạy hợp đồng, dạy theo kiểu “mùa vụ” hoặc tạm thời dạy thay những người nghỉ ốm, nghỉ sinh…Ông Lai dự kiến, những năm tiếp theo, lượng giáo viên THPT sẽ tiếp tục tăng và phải đến năm 2019, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh mới có kế hoạch tiếp tục tổ chức tuyển dụng giáo viên cho bậc học này.

Ông Bùi Khắc Phước, Trưởng phòng công chức viên chức, Sở Nội Vụ Hà Tĩnh, cho biết từ nhiều năm nay, Hà Tĩnh rất quan tâm đến công tác thu hút nhân tài về làm việc trên địa bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, vì “cung vượt quá cầu” nên công tác tuyển dụng nguồn nhân lực theo diện thu hút nhân tài cũng đang rất hạn chế.

Hiện mỗi năm, Hà Tĩnh chỉ tuyển từ 40 đến hơn 100 người là thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư… tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, có đạo đức phẩm chất tốt, ưu tiên cho đảng viên, đào tạo ở những trường đại học lớn, chất lượng. Và trong số những người được tuyển dụng theo diện thu hút nhân tài, thì số thạc sĩ, cử nhân tốt nghiệp ngành sư phạm cũng chỉ dừng lại ở con số khoảng 8-20 người, tùy theo chỉ tiêu mỗi năm.

Theo ông Trần Hoài Nam, Phó Chánh văn phòng, Sở Nội Vụ Hà Tĩnh, theo Đề án 500 của Bộ Nội vụ (tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020) thì năm 2014, Hà Tĩnh có 35 chỉ tiêu, tuy nhiên lượng hồ sơ đăng ký tuyển dụng hiện đã lên tới 650 bộ, và trong số này có rất nhiều hồ sơ của thạc sĩ, cử nhân ngành sư phạm. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho biết nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng tỉnh dư thừa giáo viên là do giảm số lượng học sinh ở các bậc học do tác động của quá trình thực hiện kế hoạch hóa gia đình trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo giáo dục đã có phần thay đổi, cụ thể là việc điều chỉnh thời gian, cơ cấu học trong từng tiết học, buổi học, bộ môn học, việc sát nhập trường… nên không nhất thiết phải sử dụng nhiều giáo viên giảng dạy như trước đây.

Ngoài ra còn có nguyên nhân khác là việc dư thừa nguồn nhân lực ngành Sư phạm đã tồn tại của nhiều năm về trước và hệ thống trường đào tạo ngành Sư phạm hiện nay vẫn chưa thay đổi kịp với xu thế, dẫn đến việc sinh viên tốt nghiệp ngành này ra đang bị dư thừa.

 Vì thừa giáo viên nên 3 năm nay, Hà Tĩnh không tổ chức tuyển dụng giáo viên ở tất cả 4 bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Nhiều ngành ngoài sư phạm vẫn “khát” nhân lực

Bà Lê Thị Hường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, cho biết mấy năm trở lại đây, trường vẫn duy trì mở đào tạo hai hệ Đại học và Cao đẳng cho nhiều ngành học như: sư phạm toán, tin học, vật lý, hóa học, tiếng Anh, văn, sử, địa… Tuy nhiên, hiện công tác tuyển sinh “đầu vào” của những ngành sư phạm gặp nhiều khó khăn, đa phần tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, trong đó nhiều ngành chỉ tuyển sinh được từ 30-50%.

Theo bà Hường thì công tác tuyển sinh không đạt là do học sinh không chọn thi vào ngành sư phạm bởi khó khăn việc làm khi ra trường. “Nhưng nếu chúng ta bỏ hẳn hoặc tạm ngừng đào tạo ngành sư phạm thì cũng không được, vì như thế sẽ lấy đâu ra nhân lực để thay thế, kế thừa lúc cần đến.

Vấn đề đặt ra ở đây là đào tạo trên cơ sở phải có sự tính toán hợp lý”, bà Hường nói. Theo bà Hường, nhiều năm nay, Trường Đại học Hà Tĩnh đã chuyển hướng đào tạo theo diện đa ngành nghề. Từ đó, thông qua các dịp tư vấn tuyển sinh, trường cũng đã định hướng cho các em học sinh ưu tiên thi vào những ngành mũi nhọn như lâm nghiệp, nông nghiệp, kỹ thuật… nhằm cung ứng cho Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) hiện đang rất “khát” nhân lực.

Được biết, tại kỳ họp HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa qua, các cử tri có đề cập đến những khó khăn, bất cập trong ngành giáo dục, nhất là vấn đề đến lúc nào thì tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức tuyển dụng giáo viên trở lại. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì rất khó để trả lời câu hỏi: đến lúc nào tỉnh sẽ tiếp tục tuyển dụng giáo viên trở lại.

Nguyễn Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP