Giáo dục

GS. Phạm Quang Tuấn: “Không cần thiết cải biên chữ Quốc ngữ của Việt Nam”

Theo GS. Phạm Quang Tuấn (từng là thành viên ban biên tập của 2 tạp chí quốc tế International Journal of Refrigeration và Journal of Food Process Engineering), chữ Quốc ngữ của Việt Nam bây giờ đã là một loại chữ viết rất giản dị và dễ học so với các chữ viết khác trên thế giới, do vậy không cần thiết cải biên.

Khả năng phân biệt tinh tế mà không tiếng địa phương nào có được

Xoay quanh nghiên cứu cải tiến bảng chữ cái Tiếng Việt của PGS. TS. Bùi Hiền đang gây xôn xao dư luận, là một trí thức Việt luôn hướng về quê hương, GS. Phạm Quang Tuấn có những chia sẻ tâm huyết và thẳng thắn.

GS. Tuấn cho rằng: “Cá nhân tôi thấy dường như PGS.TS. Bùi Hiền có mục đích biến chữ Việt thành một loại phiên âm tốc ký của giọng Hà Nội. Nếu ý tưởng được áp dụng, sẽ làm mất sự phong phú, giảm khả năng diễn tả của chữ Quốc ngữ, mất sự liên tục về văn hóa và tốn kém.

Bởi lẽ, tiếng Việt gồm phần lớn là những chữ đơn âm, và do đó, số chữ đồng âm dị nghĩa (homophone) rất lớn, dễ gây hiểu lầm. Nếu “đơn giản hóa” tiếng Việt bằng cách chỉ dùng cách phát âm của một địa phương làm chuẩn, thì nạn này sẽ còn trầm trọng hơn nữa vì bất cứ giọng địa phương nào cũng có khuynh hướng nhầm lẫn, thiếu sót hay đánh mất sự phân biệt một số âm. Miền Bắc không phân biệt d/gi/r, miền nam không phân biệt hỏi/ngã, v.v.

“Những tiền nhân sáng tạo ra chữ Quốc ngữ đã rất khôn ngoan khi không hoàn toàn theo một giọng địa phương nào, mà đã kết hợp những sắc thái của nhiều địa phương: dấu hỏi ngã từ miền Bắc, d/gi/r từ Trung và Nam, v.v... Có thể đó là do nhu cầu thực tế của các cố đạo ngày xưa hoạt động ở khắp các miền, hoặc là do tinh thần học thuật rất cao, đi sát và tôn trọng thực tại của họ. Dù sao, hệ quả của sự kết hợp khôn ngoan đó là chữ Quốc ngữ ngày nay có một sự phong phú, một khả năng phân biệt tinh tế mà không một tiếng địa phương nào có”, GS. Phạm Quang Tuấn nhấn mạnh.

Ngay cả những điều mà PGS Bùi Hiền cho là “hạn chế” của chữ Quốc ngữ, chẳng hạn “cuốc” và “quốc” cùng một âm trong mọi giọng địa phương, lại chính là ưu điểm: nhìn vào chữ là ta biết ngay đang nói về dụng cụ làm ruộng hay về một nước, không cần thêm ngữ cảnh. Chữ Quốc ngữ, do đó, phong phú và chính xác hơn tiếng Việt (nói).

Theo GS. Phạm Quang Tuấn, những điểm bất hợp lý mà tác giả Bùi Hiền chỉ ra (trong hình) lại chính là sự phong phú, tinh tế của tiếng Việt.

Thử xem, nếu viết “tranh” và “chanh” như một (“canh”) thì sẽ thế nào? Ngoài việc không có tiếng nước nào đọc “ca” là “cha” hay “tra”, khi người Việt nhìn chữ “tranh” trên trang giấy thì người ta không bao giờ đánh vần và cũng ít khi phải đọc lên thành tiếng, mà nghĩ ngay đến bức tranh chứ không bao giờ nghĩ tới quả chanh. Khi đọc truyện ngắn, tiểu thuyết hay văn nghị luận thì người ta đọc thẳng từ trang giấy vào tâm thức chứ không qua miệng và lỗ tai (ngoại trừ những người mới học). Chữ Quốc ngữ, và mọi thứ chữ viết khác, do đó có khả năng hoạt động và “đời sống” độc lập, không dựa vào một âm thanh hay cách đọc nào.

Tác giả Bùi Hiền cho biết, cách cải tiến chữ viết của ông sẽ tiết kiệm được (khoảng) 10% thì giờ và có lợi về kinh tế. Nhưng thực ra, chữ Quốc ngữ bây giờ đã là một loại chữ viết rất giản dị và dễ học so với các chữ viết khác trên thế giới. Những bậc cha mẹ Việt Nam ở ngoại quốc hẳn biết rằng trẻ em, một khi đã đọc được chữ Anh, Pháp thì có thể gần như tự lần mò đọc chữ Việt.

Giáo sư hóa học Phạm Quang Tuấn (phải).

Tiếng Việt giản dị, dễ học so với nhiều ngôn ngữ thế giới

GS. Phạm Quang Tuấn nhận định, tiếng Việt so với nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới đã rất đơn giản, gọn nhẹ: “Chữ Anh rắc rối và “phi lý” hơn nhiều, một cách viết nhiều lối đọc, một âm nhiều cách viết, mà sao các nước nói tiếng Anh vẫn giàu mạnh? Chữ Nhật là loại chữ rắc rối hạng nhất thế giới mà sao họ vẫn là cường quốc? Thậm chí từ thực tế liệu có thể suy ra là chữ viết càng rắc rối thì kinh tế càng tiến triển? (Có thể vì chữ viết khó học thì sẽ bắt buộc trẻ em tập tính chăm chỉ hơn!). Đó là chưa nói tới chi phí để dạy đánh vần lại cho toàn thể người dân Việt Nam và sửa, in lại tất cả các sách vở từ xưa!”.

Nếu dùng những cách phát âm hoàn toàn khác trước, không có tiền lệ trong chữ Việt, trong chữ viết các nước khác dùng hệ La Tinh, và trong ký âm, chẳng hạn như dùng chữ q cho âm “ng” hay chữ ca cho âm “tra” thì rất khó chấp nhận.

Cách viết và đọc chữ Quốc ngữ đã thấm nhuần vào người Việt và nó cũng kế thừa từ cách đọc của các nước Âu châu. Sửa đổi theo cách mất hẳn sự liên tục là một hành động trái văn hóa mấy ngàn năm nên công chúng phản ứng là điều dễ hiểu. Kinh nghiệm cho thấy ngay cả những cải cách nhỏ cũng khó được chấp nhận huống hồ thay mới hẳn. Cơ quan uy tín nhất về tiếng Pháp là Hàn Lâm Viện Pháp đã từng có những đề nghị cải cách rất nhỏ (chẳng hạn dùng gạch nối trong chữ kép, sửa é thành è và ngược lại trong vài trường hợp), nhưng cũng không được báo chí và công chúng chấp nhận. Tiếng Anh thì dù phát âm đã thay đổi đến nỗi không còn có thể suy ra phát âm từ mặt chữ, nhưng cũng không ai đề nghị cải cách vì biết là vô vọng.

Theo vị giáo sư Việt tại Úc, thực tế, tiếng Việt giàu bản sắc văn hóa, ngầm chứa sự tinh tế, phong phú trong hình thức có vẻ rườm ra một chút, nhưng nó lại là di sản mà người Việt đã chắt chiu, đúc kết thành tinh túy qua bao thế hệ lịch sử.

"Chúng ta muốn một chữ Quốc ngữ đơn giản hay một chữ quốc ngữ sáng sủa và phong phú?", GS. Phạm Quang Tuấn đặt câu hỏi.

GS. Phạm Quang Tuấn tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Công nghệ Hóa tại Đại học Canterbury University, New Zealand. Ông đã làm việc tại khoa Công nghiệp Hóa học thuộc Đại học New South Wales (Úc) trước khi về hưu. Ông đã có hàng trăm công trình trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành và từng là thành viên ban biên tập của 2 tạp chí quốc tế International Journal of Refrigeration và Journal of Food Process Engineering.

Tác giả: Lệ Thu (ghi)

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP