Hà Tĩnh ngày nay

Góp sức từ cộng đồng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học Kẻ Gỗ

Nhờ đa dạng về thành phần loài cùng tính đặc hữu cao trong thế giới động, thực vật nên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) có vị trí quan trọng trong chương trình bảo vệ đa dạng sinh học trong nước cũng như quốc tế. Thế nhưng, gần đây, việc khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng, đốt than làm nương rẫy, săn bắt động vật rừng trong Khu bảo tồn diễn ra khá phức tạp, đã làm cho tài nguyên thiên nhiên Kẻ Gỗ ngày càng suy thoái nghiêm trọng…

Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ (KBTTNKG) có diện tích 21.758 ha, nằm trên địa bàn 3 huyện: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và Hương Khê. Đây là vùng rừng thường xanh cây lá rộng, thuộc dạng rừng trên địa hình thấp và được hình thành khá lâu đời. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp ở đây đều có rừng bao phủ nhưng tỷ lệ rừng nguyên sinh còn lại không nhiều mà chủ yếu là rừng thứ sinh với cấu trúc không đồng nhất.


Theo khảo cứu của các nhà khoa học, tại KBTTNKG đã phát hiện 270 loài chim, 47 loài thú (có cả loài Mang lớn là một trong hai loài thú mới của thế giới được tìm thấy ở nước ta trong thời gian gần đây) và 567 loài thực vật. KBTTNKG còn là nơi bảo vệ 10 loài chim và 18 loài thú (được ghi trong Sách Đỏ) hiện đang bị đe dọa tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Nhờ đa dạng về thành phần loài cùng tính đặc hữu cao trong thế giới đông, thực vật nên KBTTNKG có vị trí quan trọng trong chương trình bảo vệ đa dạng sinh học trong nước cũng như quốc tế.


Dễ nhận thấy nhất là mặc dù trong khu vực bảo tồn không có hộ dân nào định cư nhưng người dân các xã vùng đệm và một số xã lân cận thường vào rừng để khai thác lâm sản. Các hoạt động lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy hay đốt than, đưa lửa vào rừng cũng góp phần làm cho tài nguyên rừng dần bị suy giảm.


Qua theo dõi của cơ quan chuyên môn cho thấy, một số loài cây quý hiếm như: lim, dổi, vàng tâm, sến, gụ… ngày càng hiếm hơn. Cùng với tàn phá rừng, tình trạng săn bắn động vật rừng diễn ra khá phức tạp, nhiều nơi, việc săn bắt động vật hoang dã đã trở thành một nguồn thu nhập không thể thiếu đối với một bộ phận người dân sống gần rừng.


Nếu như trước đây, mục đích săn bắn chủ yếu để lấy thịt, thu lượm gạc (hươu, nai) hay lông chim (trĩ) phục vụ nhu cầu trang trí trong gia đình thì thời gian gần đây, nhất là khi những sản phẩm từ động vật rừng trở thành món ăn khoái khẩu trong các nhà hàng, khách sạn thì tốc độ săn bắn động vật rừng cũng ngày một gia tăng.


Cách đây chưa lâu, việc người dân đi củi trong rừng thường xuyên phát hiện ra bò tót, hổ, nai, hoẵng, lợn rừng là chuyện thường tình, thì nay, dù có vạch hết lá cũng khó lòng kiếm ra được.


Trải qua quá trình theo dõi khá dài, các cán bộ kỹ thuật của KBTTNKG khẳng định, do săn bắn quá mức, cùng với nạn khai thác gỗ kéo dài trong nhiều năm đã làm cho loài Bò tót bị suy giảm nghiêm trọng và đã có khả năng biến mất khỏi vùng. Đối với loài Hổ, kể từ sau lần một nhóm khai thác gỗ nhìn thấy một con trưởng thành ở chân dãy Bạc Tóc (về phía lâm trường Tuyên Hóa, Quảng Bình) vào năm 1995, đến nay, chưa có thêm thông tin gì mới hơn. Tương tự, đối với loài Mang lớn, đến nay, chưa phát hiện thêm con nào mới ngoài 2 con đã được người dân địa phương bẫy ở khu vực Rào Môn kể từ tháng 11 – 1994…


Theo ông Lê Viết Ninh – Trưởng Ban quản lý Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ, hình thức săn bắn trong rừng Kẻ Gỗ chủ yếu là súng quân dụng, súng tự chế và các loại bẩy gia công. Năm 2008, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng, cán bộ BQL KBTTNKG đã phát hiện, ngăn chặn 4 tốp thợ săn, thu giữ 20 viên đạn súng săn các loại, 1 quả mìn tự chế, phá hủy trên 1.000 chiếc bẩy bắt thú…Do đời sống của người dân các xã vùng đệm và vùng lân cận còn nhiều khó khăn, phần lớn thu nhập phụ thuộc vào tài nguyên rừng trong khi lợi nhuận từ các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên rừng rất cao nên họ bất chấp luật pháp, thậm chí một số trường hợp còn sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng để đạt được mục đích được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên nói chung, tài nguyên rừng Kẻ Gỗ nói riêng.


Tuy nhiên, Trưởng BQL KBTTNKG cũng thừa nhận, do hình thành trong điều kiện của một đơn vị khai thác, kinh doanh lâm sản nên năng lực lẫn kinh nghiệm trong công tác bảo tồn của đội ngũ cán bộ, nhân viên nơi đây còn nhiều hạn chế. Đó là chưa kể, nhân lực của BQL ngày càng bị thu hẹp, kinh phí thì ít ỏi trong khi diện tích khu bảo tồn lại trải rộng trên nhiều địa hình khác nhau, giao thông thì cách trở. Một vấn đề nữa gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý là ranh giới trong khu bảo tồn chưa rõ ràng, tình trạng lấn chiếm đất rừng thường xuyên xảy ra trong khi sự phối, kết hợp giữa các cơ quan chức năng và chủ rừng thiếu đồng bộ, các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo.


Đã có nhiều ý kiến gợi mở cho vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học Kẻ Gỗ như: nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác bảo tồn; điều tra, đánh giá lại tài nguyên rừng của khu bảo tồn; huy động các lực lượng đủ mạnh để tuyên chiến và đi đến chấm dứt những hành vi tàn phá tài nguyên rừng; cần có cơ chế quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, chế biến lâm sản, nhất là các tụ điểm, đầu nậu buôn bán lâm sản trái phép; thu hút các dự án đầu tư của các tổ chức, cá nhân về du lịch sinh thái nhằm giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn… Nhưng, quan trọng và quyết định hơn cả vẫn là phải làm thế nào để làm cho mỗi người dân và cả cộng đồng dân cư sống gần rừng nhận thức sâu sắc giá trị vô giá của rừng nói chung cũng như vai trò, vị trí của KBTTNKG nói riêng, từ đó, thu hút họ tham gia vào các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.


Để có được những hành động đó, phải bắt đầu từ việc xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế để giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân các xã vùng đệm để từng bước giảm áp lực phụ thuộc và tiến tới chấm dứt tình trạng “ký sinh” từ rừng.


Hải Xuân

Báo Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP