Tin Hà Tĩnh

Gói thầu "trăm tỷ" tại Hà Tĩnh: Thực hư việc làm khó nhà thầu

Gói thầu số 08.XL Xây dựng nền, mặt đường và công trình trên tuyến thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường nối Quốc lộ 1 đi Khu du lịch biển Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh vừa hoàn thành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu về kỹ thuật quy định tại hồ sơ mời thầu (HSMT) làm hạn chế cạnh tranh, trong khi đó Chủ đầu tư lại có những lý lẽ riêng.

Gói thầu số 08.XL thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường nối Quốc lộ 1 đi Khu du lịch biển Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ảnh minh họa: Nhật Anh

Gói thầu nêu trên có giá dự toán 98,468 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách Tỉnh và ngân sách Trung ương, lựa chọn nhà thầu thông qua đấu thầu rộng rãi trong nước, qua mạng. Chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh.

Theo phản ánh của một nhà thầu, trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT đưa ra một số yêu cầu “làm khó” nhà thầu, hạn chế cạnh tranh.

Cụ thể, đối với vật liệu bê tông nhựa (vật liệu chính), HSMT quy định, nhà thầu được đánh giá là đạt khi đáp ứng: (1) Trường hợp tự sản xuất bê tông nhựa: nhà thầu phải có trạm trộn bê tông nhựa công suất ≥ 120T/h và khoảng cách từ vị trí trạm trộn đến chân công trình ≤ 70km; đồng thời phải có tài liệu chứng minh trạm trộn bê tông nhựa đang hoạt động bình thường..; hoặc (2) Trường hợp mua bê tông nhựa hoặc thuê trạm trộn bê tông nhựa: nhà thầu phải có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp vật liệu bê tông nhựa (hoặc đơn vị cho thuê trạm trộn); hoặc (3) Trường hợp lập phương án xây dựng trạm trộn: nhà thầu phải đính kèm đầy đủ các văn bản pháp lý để làm cơ sở lắp dựng trạm (bao gồm: hợp đồng thuê mặt bằng dựng trạm trộn; văn bản chứng nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường của cơ quan có thẩm quyền; văn bản cho phép dựng trạm trộn của cơ quan có thẩm quyền...).

Nhà thầu cho rằng, đối với Trường hợp (1), qua khảo sát, Nhà thầu nhận thấy trong phạm vi < 70km trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chỉ có khoảng 2 đến 3 trạm trộn bê tông nhựa đáp ứng điều kiện nêu tại HSMT, do đó, không đảm bảo tính cạnh tranh đối với các nhà thầu đến từ địa phương khác.

Theo Biên bản đóng/mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật ngày 5/4/2021, Gói thầu thu hút 2 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn; Liên danh Công ty CP Xây lắp và Thương mại Hùng Cường - Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Biển Đông.

Đối với Trường hợp (3), yêu cầu nhà thầu phải đính kèm đầy đủ các văn bản pháp lý để làm cơ sở lắp dựng trạm trộn, Nhà thầu cho rằng việc “xoay xở” được đầy đủ các giấy tờ pháp lý trong khoảng thời gian 20 ngày trước thời điểm đóng thầu là “bất khả thi”. Bởi, trường hợp nhà thầu chưa trúng thầu, cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở để xác nhận các loại văn bản như văn bản chứng nhận báo cáo đánh giá tác động môi trường; văn bản cho phép dựng trạm trộn... Trường hợp nếu có được xác nhận, thì thủ tục này cũng mất ít nhất 2 tháng, không thể có trước thời điểm đóng thầu. Theo Nhà thầu, đây là một dạng “giấy phép con” hạn chế nhà thầu.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Nhà thầu cho biết, trong quá trình khảo sát để tìm kiếm các hợp đồng nguyên tắc cung cấp bê tông nhựa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Nhà thầu bị một doanh nghiệp tại địa phương này gây khó khăn.

Phúc đáp kiến nghị của Nhà thầu, Chủ đầu tư cho biết, tiêu chí nêu trên nằm trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, không phải là các tiêu chí trong bước đánh giá năng lực máy móc, thiết bị, do đó, các yêu cầu được xây dựng cần chặt chẽ, nhằm mục đích lựa chọn được nhà thầu đáp ứng năng lực kỹ thuật thực hiện Gói thầu. Chủ đầu tư khẳng định, quy định 3 trường hợp để đánh giá nhà thầu như trên là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với quy mô, tính chất của Gói thầu, đồng thời phù hợp với quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, Chủ đầu tư có lý lẽ khi đưa ra các tiêu chí mời thầu như trên. Theo đánh giá, các tiêu chí này được chủ đầu tư xây dựng khá hợp lý, đồng thời, phù hợp với tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật theo tiêu chí đạt/không đạt được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 03/2015/TT-BKHĐT.

Vị chuyên gia trên cũng chia sẻ với góc nhìn của các chủ đầu tư, trước tình trạng “đội giá”, “nhiễu giá” nguyên vật liệu ngày càng phổ biến. Thêm vào đó, đối với các công trình giao thông, nguyên vật liệu chính là bê tông thương phẩm, chủ đầu tư hơn bao giờ hết càng phải chặt chẽ, cẩn trọng trong việc xây dựng các yêu cầu đánh giá tại HSMT, nhằm đảm bảo tính sẵn sàng đáp ứng của nhà thầu, nhất là đối với những công trình trọng điểm, quy mô lớn như Gói thầu này.

Tác giả: Thành Trung

Nguồn tin: Báo Đấu Thầu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP