Người đương thời

Giữ bình yên cho bản làng Tây Nguyên

Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên, có một người đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng sâu sắc và tình cảm qúy mến. Dù gặp nhau không nhiều nhưng phong thái, gương mặt, nụ cười và đặc biệt là giọng hát trầm ấm của ông đã khắc đậm thêm hình ảnh ngừơi con Hà Tĩnh can trường và thuỷ chung, nồng hậu và rất lãng mạn nơi núi rừng Tây Nguyên xa xôi .

Đại tá- Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai Trần Đình Thu sinh năm 1959 tại xã Cẩm Yên, Cẩm Xuyên. Năm


1982, tốt nghiệp trường Đại học An ninh, ông được phân công vào công tác tại Phòng chống phản động thuộc Công an tỉnh Gia Lai. Ngày ấy Tây nguyên được người ta biết đến không phải là hồ tiêu, cà phê hay cao su như bây giờ mà là… Fulro. Chế độ Mỹ- Ngụy bị đánh tan nhưng tàn quân của chúng ở Tây Nguyên lại chạy vào rừng, tìm cách chống phá lại chế độ, gây mất ổn định cho cuộc sống của đồng bào. Cùng với đơn vị, ông đã tham gia chiến đấu, truy quét Fulro, bảo vệ bình yên cho nhân dân. Máu của đồng đội ông đã đổ xuống cho những mùa xuân Tây Nguyên hôm nay. Bàn chân ông đã băng qua rất nhiều cánh rừng, con sông, ngọn đồi để nắm tình hình, truy tìm quân địch, vận động đồng bào chung sức chung lòng giữ yên bản làng, xây dựng cuộc sống mới. Ông thuộc từng tên đất, tên làng, tên đường của ChưPah, Chư Sê, Iagrai, Kông Chro…


Sống và gắn bó nhiều năm với núi rừng GiaLai, đồng bào và cán bộ ở đây đã coi ông như người con của Tây Nguyên


Là Giám đốc Công an tỉnh nhưng ông vẫn giữ trong mình những nét bình dị,mộc mạc mà đằm sâu nghĩa tình, đầy ắp nhân ái như vùng quê nghèo Hà Tĩnh đã sinh ra ông. Chiều cuối năm, chúng tôi đến tìm ông trong căn phòng làm việc của cơ quan. Ông kể nhiều chuyện, từ chuyện chiến đấu ở rừng, chuyện đối mặt với Fulro…nhưng chuyện ông tâm đắc nhất vẫn là vận động những đối tượng lầm lỡ trở thành những cán bộ tốt. “Bắt giam chỉ là giải pháp cách li đối tượng ra khỏi cộng đồng nếu cảm thấy quá nguy hiểm cho đồng bào, và cách mạng, còn lại phải cảm hóa họ, hướng cho họ con đường từ đêm tối ra ánh sáng là điều ta cần làm – đó là tính ưu việt của chế độ ta”. Ông thường quan niệm như thế. Và chúng tôi hiểu được tâm niệm của ông qua hàng ngàn chuyên án đấu tranh của công an tỉnh Gia Lai do ông trực tiếp chỉ đạo. Đối tượng Siu Huê là người cầm đầu tổ chức phản động ở Gia Lai âm mưu hình thành nên bộ khung chính quyền cấp xã, cấp huyện. Tội ấy không nhỏ, có thể bắt giam nhưng rồi khi triển khai chuyên án, ông đã cùng các lực lượng chức năng thuyết phục để Siu Huê sớm nhận ra lỗi lầm, tạo điều kiện cho y trở thành người lương thiện. Bây giờ Siu Huê đã trở thành một cán bộ của huyện Chư Sê, tham gia vận động và chống lai Fulro… “Với những đối tượng lầm lỡ phải tìm cách thuyết phục, phân tích cho họ hiểu, nhưng với kẻ ngoan cố cũng phải cương quyết để vạch trần tộn ác của chúng” –Ông tâm sự .


Giữ bình yên cho bản làng Tây Nguyên


Bình yên Tây Nguyên


Nắm cương vị lãnh đạo lực lượng an ninh của một tỉnh thuộc “ba Tây” ( Tây bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ), nhiều năm liền ông đã cùng hàng ngàn cán bộ chiến sỹ giữ vững cho sự bình yên của Gia Lai vốn được coi là điểm nóng an ninh chính trị của cả nước. Đặc biệt năm 2008, khi Gia Lai lần đầu tiên tổ chức một liên hoan Festival cồng chiêng quốc tế, ông đã chỉ đạo hàng ngàn cán bộ chiến sỹ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho diễn viên và du khách. Trong đó có hơn 1000 chiến sỹ bảo vệ khu trung tâm và hàng ngàn cán bộ chiến sỹ ở các buôn làng vào ăn ở với từng người dân để nắm chắc địa bàn. Những ngày đó, ông thức trắng đêm, bộ đàm luôn nóng, hễ ở đâu có thông tin là ông có mặt. Chính điều đó đã làm cho Festival được diễn ra thành công và để lại tiếng vang lớn trong lòng du khách trong nước và quốc tế.


Giữ bình yên cho bản làng Tây Nguyên


Trong công việc là như vậy, nhưng ngoài đời ông quá đỗi bình dị. Mỗi lần theo ông xuống cơ sở, những người làm báo chúng tôi hiểu thêm bản chất của người xứ Nghệ trong ông. Đồng bào mời rượu ông uống, những đêm xoang ông nắm tay hòa vào dòng xoang. Trong men rượu cần sóng sánh, ông hòa vào từng điệu nhảy. Trong ánh lửa bập bùng, người ta không thể nhận ra một giám đốc công an tỉnh. Những người đi với ông nhiều đã nghe ông hát, giọng hát đầm ấm, cao mang âm hưởng của dân ca xứ Nghệ như Hà Tĩnh mình thương, Câu đợi câu chờ, Khúc hát sông quê, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh… Đêm ấy, trong nồng nàn men say của ly rượu quê mang theo mà chúng tôi gọi là “nước mắt quê hương”, ông cất giọng một bài hát mà không ai ngờ tới, bài “ Trái tim không ngủ yên” của nhạc sĩ Thanh Tùng, một bái hát tưởng như chỉ giành cho giới trẻ. Ông hát say sưa và hết lòng mình. Lời ca vang vọng trong không gian Tây Nguyên đầy nằng gió khiến chúng tôi rất xúc động và tự hào.


Khi nói về quê hương, ông trăn trở vì mình chưa làm gì được để trả nợ với quê hương, mặc dù mỗi năm ông cũng về quê vài lần, thắp nén nhang trên mộ tiên tổ như một lời tri ân với mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn. Ông tâm sự “ Món nợ với quê hương chưa biết bao giờ mới trả nổi. Nhưng tôi muốn cùng nhiều người con xa quê thành lập một học bổng để tiếp bước cho các em ở quê tới trường vì các em còn nghèo quá.” Tin rằng ông sẽ thực hiện được tâm nguyện của mình bởi ở Tây Nguyên những người con sông La núi Hồng rất nhiều và cùng chung tâm sự như ông “đi xa lại muốn về, khổ đau càng muốn về”.


Vinh Hoàng- Minh Huệ

baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP