Kinh tế

Giáp Tết, sinh viên kiếm tiền triệu mỗi ngày nhờ làm shipper

Không cần bỏ nhiều vốn, chỉ cần lên xe là có thể kiếm được tiền, bởi vậy, nhiều sinh viên tranh thủ được nghỉ Tết sớm đi làm shipper kiếm thêm thu nhập.

Những năm gần đây, công việc shipper (người giao hàng) không còn xa lạ với những bạn trẻ. Vào dịp Tết, nhu cầu mua bán hàng hóa tăng mạnh, đây cũng là dịp các shipper có cơ hội ăn nên làm ra.

Hà Mạnh Hiền (sinh viên năm 3, ĐH Công nghiệp Hà Nội, quê Vĩnh Phúc) cho biết, nghỉ Tết được hơn 1 tuần, nhưng đến nay, Hiền vẫn ở lại Hà Nội để làm shipper, kiếm thêm tiền tiêu Tết. Vì không phải đi học, nên nam sinh có thể dành toàn bộ thời gian trong ngày để đi giao hàng. “Tết là thời điểm có rất nhiều đơn hàng. Giá mỗi đơn hàng tùy thuộc vào khoảng cách, dao động từ 20.000 - 60.000 đồng. Nếu làm chăm chỉ cả ngày, cũng có thể thu được từ 1,5-2 triệu đồng mỗi ngày”. Trừ chi phí ăn uống, xăng xe, Hiền vẫn đút túi hơn triệu đồng mỗi ngày.

Tết là thời điểm rất nhiều đơn hàng cho các shipper. (Ảnh: KT)

Đây là năm thứ 3 Hiền ở lại Hà Nội sau khi được nghỉ Tết tại trường để làm shipper. Như những năm trước, chỉ cần làm khoảng 10 ngày giáp Tết, nam sinh đã thu nhập được hơn 10 triệu đồng, đủ để sắm Tết cho bố mẹ và trang phải một phần chi phí học tập cho những tháng tiếp theo.

Hiền cho rằng đây công việc thu nhập khá, không yêu cầu cao, thời gian linh hoạt, chỉ cần có xe máy là có thể làm được, rất phù hợp với sinh viên.

Phạm Quang Anh, (sinh viên năm 2 ĐH Văn hóa Hà Nội) cũng chọn làm shipper để kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Mỗi đơn nội thành có phí từ 15.000- 40.000 đồng, với những đơn ngoại thành, phí ship thường dao động từ 50.000 – 80.000 đồng. “Giá cứng là thế, nhưng thỉnh thoảng đi làm, may ra cũng có những khách ‘sộp”, họ thấy đi vất vả, đường xa, nên cho thêm tiền có khi còn nhiều hơn tiền phí đã thương lượng từ trước”, Quang Anh cho biết.

Theo Quang Anh, để làm được công việc này, quan trọng nhất là phải nhiệt tình, đúng giờ để khách hàng tin tưởng. Vào những ngày thường, tranh thủ thời gian rảnh ngoài giờ học, Quang Anh có khoảng hơn chục đơn hàng. Nhưng vào những ngày giáp Tết, làm cả ngày, thì có thể có đến 60-70 đơn hàng, làm đến tầm 28, 29 Tết, là đã có ít nhất khoảng 10 triệu về quê ăn Tết.

Từng làm nhiều công việc khác nhau như bán hàng, bảo vệ, phục vụ bàn… tuy nhiên, Quang Anh vẫn thấy công việc shipper có nhiều thuận tiện hơn về mặt thời gian, rảnh lúc nào là làm lúc đó. Thậm chí buổi tối hay đêm đều có thể nhận việc làm ngay.

Thời gian đầu, các mối khách gọi ship chủ yếu là người quen giới thiệu, sau dần, Quang Anh tìm đến những trang web, ứng dụng tìm shipper chuyên nghiệp, nhờ đó mà nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn.

Cười ra nước mắt với shipper

Nghe chừng có vẻ đơn giản, nhưng theo Quang Anh, công việc shipper cũng có không ít yêu cầu cần thiết và cả những rủi ro. “Muốn làm shipper, quan trọng nhất là phải nhanh nhẹn, thuộc lòng các tuyến đường để có thể định hình các món hàng cùng cung đường và tìm ra đường nhanh nhất. Đặc biệt phải nhanh, nhưng không được ẩu. Nếu lỡ làm đổ, vỡ hàng hóa của khách, có khi đi làm cả ngày cũng không đủ tiền đền”, Quang Anh cho biết.

Là nhân viên văn phòng, lại chưa có gia đình, Vũ Thu Hương (23 tuổi) có nhiều thời gian rảnh, nên thường tranh thủ đi ship hàng kiếm thêm tiền xăng xe và tiền tiêu vặt sau giờ hành chính.

“Mức lương của sinh viên mới ra trường khá thấp, chi phí nhà trọ, ăn ở lại tốn kém, nên thỉnh thoảng em cũng hay nhận làm shipper kiếm thêm thu nhập”.

Hương nhận ship đủ thứ hàng hóa từ đồ ăn, quần áo, bỉm sữa… miễn là đồ không quá cồng kềnh, hợp với sức của phụ nữ.

Tính ra trung bình mỗi tháng, Hương cũng kiếm được từ 2-3 triệu, đủ tiền xăng xe và chi tiêu vặt của bản thân.

Tuy nhiên, là shipper không chuyên, nên nhiều khi cũng gặp phải những chuyện cười ra nước mắt. “Rất nhiều lần, vì không biết đường, nên em cứ nhận đơn hàng, nào ngờ đường đi vừa xa vừa vòng vèo, nhất là buổi tối, con gái đi một mình thấy sợ, nhưng cũng không quay lại trả hàng được. Cũng có lần vì không ước lượng được các cung đường, mà em đi xa hơn bình thường đến vài cây số".

Chưa hết, vì không quen các chủ shop online, lại không có thói quen kiểm tra hàng trước khi ship, nên có lần nhận đơn ship một hộp đồ được bọc cẩn thận, đẹp mắt, ứng trước 500.000 đồng, nhưng đến nơi Hương mới phát hiện không có địa chỉ như vậy. Gọi lại cho người thuê ship thì tắt máy. "Em liều mở hộp hàng ra thì phát hiện bên trong có đúng một đôi dép hỏng”, Hương kể.

Theo chia sẻ của nhiều shipper, vì công việc luôn yêu cầu sự khẩn trương, gấp gáp, nên nhiều bạn đi ship không biết chủ cửa hàng là ai, cũng không kiểm tra hàng hóa trước khi nhận. Lợi dụng điểm này, nhiều kẻ xấu lừa đảo để lấy tiền từ các shipper.

Ngoài việc gặp các cửa hàng lừa đảo, sự cạnh tranh trong giới shipper cũng không kém gay gắt. Tham gia vào các hội nhóm chuyên tìm shipper trên facebook, mỗi bài đăng tìm ship đưa lên chưa đầy 30s đã có hàng loạt các shipper vào bình luận nhận khách. Thậm chí có những shipper sẵn sàng phá giá để nhận đơn hàng./.

Tác giả: Nguyễn Trang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP