Giáo dục

Giáo viên sợ… tập huấn

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên nhưng nhiều giáo viên lại sợ

Vấn đề này được đưa ra tại hội thảo quốc tế chủ đề: "Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm", do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức cuối tuần qua. Theo giảng viên Hoàng Tiến Chính (Khoa Sư phạm Trường ĐH Bạc Liêu), nguyên nhân đầu tiên khiến giáo viên sợ tập huấn là do ý thức người dạy chưa cao, ngại thay đổi trước cái mới, có tâm lý tự thỏa mãn.

Toàn kiến thức hàn lâm

Đánh giá chung về công tác bồi dưỡng giáo viên hiện nay, bà Trần Hoài Thanh, Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP HCM), cho biết hiện nay, vấn đề thiết kế môn học theo hướng tích cực là một trong những xu thế dạy học hiện đại đang được nghiên cứu và áp dụng ở nhiều cấp học phổ thông. Trong khi đó, nhiều trường sư phạm lại chưa chú tâm, nhanh nhạy đổi mới chương trình phù hợp thực tiễn. Hiện có một tỉ lệ khá lớn giáo viên phổ thông (đặc biệt vùng sâu, vùng xa) không đủ trình độ và khả năng đáp ứng các yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục hiện hành. Mặt khác, cách dạy hiện nay, nhiều giảng viên nặng về truyền thụ một chiều theo kiểu "độc thoại" khiến người học thụ động trong việc tiếp thu kiến thức bài giảng. "Việc nhồi nhét quá nhiều kiến thức hàn lâm không gắn với thực tiễn trường học phổ thông trong chương trình bồi dưỡng của nhiều trường. Không ít người dạy chưa vận dụng được phương pháp dạy học tích cực, sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại chưa hiệu quả" - bà Thanh cho biết.

Cần nhiều thay đổi để nghề giáo hấp dẫn hơn Ảnh: TẤN THẠNH

Để đổi mới hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục, giáo viên Hoài Thanh đề xuất cần đổi mới hệ thống chương trình, giáo trình theo hướng chuẩn hóa, liên thông giữa các trình độ bồi dưỡng và cơ sở bồi dưỡng giáo viên, đổi mới theo hướng phát triển năng lực thực hành, đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học và có cơ chế phối hợp giữa các trường sư phạm với sở GD-ĐT trong công tác bồi dưỡng giáo viên. Còn theo giảng viên Hoàng Tiến Chính, để bồi dưỡng giáo viên hiệu quả, cần tổ chức lớp học theo năng lực của giáo viên, nội dung bồi dưỡng cần phân ra nhiều chuyên đề khoa học và đánh giá giáo viên qua từng chuyên đề.

Sư phạm kém hấp dẫn

Bên cạnh hoạt động tập huấn giáo viên, độ thu hút của ngành sư phạm trong xã hội cũng là vấn đề được các chuyên gia bàn đến. Trình bày tại hội thảo, GS Kyung-Hwoi Kim, Trường ĐH Sungshin (Hàn Quốc), cho biết ở nước ông, giáo viên là nghề được giới trẻ Hàn Quốc chọn lựa nhiều nhất, trên cả kỹ sư, bác sĩ, với tỉ lệ chọi 1/20. 57% phụ huynh hy vọng con họ trở thành giáo viên, những giáo viên tiểu học được tuyển chọn từ tốp 5% học sinh trung học xuất sắc nhất. Theo GS Kim, ngành sư phạm ở Hàn Quốc sở dĩ trở nên thu hút đến vậy là do 3 yếu tố: Mức lương cạnh tranh, công việc ổn định, môi trường làm việc tốt. Khác với ở Việt Nam và một số nước, mức lương giáo viên sau 10 năm công tác sẽ gấp 2, 3 lần những nghề khác như kỹ sư.

Tương tự, TS Phạm Thị Lan Phượng, Viện Nghiên cứu Giáo dục - Trường ĐH Sư phạm

TP HCM, cho biết tại Nhật, nghề giáo có vị thế xã hội tốt hơn cả Mỹ, Pháp, được trả lương rất cao. "Vì thế, giáo viên đầu tư nhiều công sức cho công việc của một nhà giáo. Ngoài giờ dạy trên lớp, họ còn thăm viếng gia đình học sinh và xây dựng quan hệ với phụ huynh" - bà Phượng thông tin. Qua việc so sánh giáo dục Việt Nam với các nước Mỹ, Pháp, Nhật, bà Phượng cho biết ưu tiên của đổi mới giáo viên tại Việt Nam hiện nay là khắc phục được những bất cập mà dư luận đang phản ánh: Chất lượng tuyển sinh đầu vào giảm sút nghiêm trọng, điểm tuyển sinh một số trường sư phạm ở mức dưới trung bình, kiến thức thực tế và nghiệp vụ của sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa đáp ứng mong đợi của các trường THPT...

Cần kỳ thi chuẩn hóa

Theo TS Phạm Thị Lan Phượng, nguyên nhân hàng đầu khiến nghề giáo kém hấp dẫn, không thu hút được người tài là do sự đãi ngộ đối với giáo viên không đủ để họ an tâm với nghề dù nghề giáo vẫn là biểu tượng tinh thần tốt đẹp. Ngoài ra, thị trường lao động giáo viên ở nước ta hiện chưa hoạt động tốt. Sự chênh lệch cung - cầu cục bộ tồn tại dai dẳng, nơi thừa, nơi thiếu giáo viên đủ chuẩn, tuyển dụng giáo viên còn nhiều bất cập; vẫn còn hiện tượng "chạy việc" làm giáo viên. Để khắc phục, nhà nước có thể xem xét phương án tổ chức kỳ thi cạnh tranh và chuẩn hóa để cấp chứng chỉ dạy học như ở Pháp và Nhật.

Tác giả: Lê Thoa

Nguồn tin: Báo Người lao động

  Từ khóa: tập huấn , giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP