Giáo dục

Giáo viên hợp đồng: Về đâu?

Trước thềm năm học mới 2019-2020, câu chuyện 1.405 giáo viên hợp đồng ở Cà Mau bị chấm dứt hợp đồng và gần 300 giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội có nguy cơ bị mất việc làm đang nhận được nhiều sự quan tâm của những người trong và ngoài ngành giáo dục.

Cô và trò. Ảnh minh họa.

Dôi dư giáo viên hợp đồng

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau, thời gian qua, các trường trên địa bàn tỉnh đã tự ý ký hợp đồng với hàng loạt giáo viên mà chưa có sự đồng ý của tỉnh. Nên sau khi rà soát, 1.405 giáo viên thuộc diện này sẽ phải chấm dứt hợp đồng trước ngày 1/9/2018. Tuy nhiên, không phải tất cả số giáo viên này sẽ bị mất việc làm mà một số sẽ được tiếp nhận lại theo chủ trương của tỉnh.

Tương tự, UBND huyện Thanh Oai (Hà Nội) cũng đã ra văn bản về việc thực hiện một số nội dung tại Quyết định số 14/2017/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 của UBND TP Hà Nội ban hành quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội.

Công văn nêu rõ: UBND huyện chấm dứt hợp đồng lao động đối với những trường hợp trước đây UBND huyện đã ký hợp đồng tại các trường công lập thuộc huyện để chuyển về các trường do hiệu trưởng xem xét, ký hợp đồng theo thẩm quyền. Thời gian có hiệu lực từ ngày 1/9/2018.

Nhiều giáo viên bày tỏ bức xúc vì quyết định này được thông báo đột ngột, họ không biết đi đâu về đâu. Mặc dù theo giải thích của lãnh đạo huyện Thanh Oai, sau đây các trường, cụ thể là hiệu trưởng sẽ xem xét, ký hợp đồng lại chứ không phải tất cả các giáo viên hợp đồng này đều bị mất việc làm.

Thừa giáo viên hợp đồng, thiếu chỉ tiêu

Thống kê đăng ký nhu cầu cần tuyển dụng của huyện Thanh Oai trong thời gian tới khoảng gần 120 giáo viên. Số lao động hợp đồng vượt định mức hiện là 278 người. Với việc không đáp ứng đủ số giáo viên đang hợp đồng nên sau khi đưa về hiệu trưởng xem xét, chắc chắn một số giáo viên hợp đồng sẽ buộc phải tìm việc khác.

Điều khiến các giáo viên không thể yên tâm là nếu giao quyền tự chủ các hiệu trưởng thì cũng có thể xảy ra trường hợp như anh chị em, con em người nhà hiệu trưởng có thể được công tác và những người khác bị sa thải. Bên cạnh đó, một số giáo viên cho rằng UBND huyện Thanh Oai đã ký hợp đồng dư quá nhiều so với số giáo viên thiếu.

Lãnh đạo huyện Thanh Oai thì cho rằng mặc dù còn chỉ tiêu tuyển dụng ở cả cấp học mầm non, tiểu học, THCS nhưng những giáo viên hợp đồng này phải đỗ trong kỳ thi tuyển dụng viên chức của thành phố thì mới có thể ký hợp đồng chính thức. Huyện đã nhiều lần tổ chức thi tuyển nhưng trong số các giáo viên hợp đồng, có một số người đã nhiều lần thi tuyển công chức nhưng không đỗ, thậm chí có người thi đến 9 lần.

Ở Cà Mau, mặc dù cắt hợp đồng với hơn 1.400 giáo viên, nhưng so với nhu cầu thực tế thì ngành giáo dục Cà Mau vẫn thiếu giáo viên, đặc biệt là bậc học Mầm non. Nếu so với Thông tư 06, Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT thì ng­­­­ành giáo dục Cà Mau còn thiếu đến 1.908 vị trí.

Cánh cửa vào biên chế nói chung và biên chế của ngành giáo dục nói riêng vốn dĩ rất hẹp. Một kỳ thi mà tỷ lệ chọi cao gấp nhiều lần so với việc xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ Sư phạm khiến cho nhiều giáo viên hàng ngày đang đứng lớp dạy học trò làm sao để vượt qua các kỳ kiểm tra, kỳ thi với kết quả tốt nhất lại… trượt.

Như lý giải của một cán bộ huyện Thanh Oai, đúng ra phải cắt luôn hợp đồng ở thời điểm đó nhưng nếu nghỉ ở nhà thì sẽ bị mai một kiến thức, nên lại ký để họ được tiếp tục làm cho nhớ…

Lối đi nào?

Một vòng luẩn quẩn giữa số sinh viên tốt nghiệp ra trường hàng năm vẫn có nhu cầu được trở thành giáo viên hợp đồng để chờ kỳ thi tuyển viên chức. Trong khi nhiều giáo viên hợp đồng cũ, dù không đỗ ở kỳ thi tuyển viên chức vẫn đang cố gắng bám trụ với nghề.

Đành rằng ngành giáo dục có những đặc thù riêng nhưng xét trên bình diện chung, một khi người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc thì người sử dụng lao động hoàn toàn có cơ sở để chấm dứt hợp đồng. Nếu lấy lý do rằng họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho ngành giáo dục thì có phần khiên cưỡng bởi không phải họ không có cơ hội tham gia kỳ thi tuyển mà là thi mãi không đỗ! Mà đã không đỗ thì làm sao tuyển dụng chính thức?

Trong khi đó, ngay cả những giáo viên đã vào biên chế, theo Điểm a Khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức, nếu bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tiếp thì đơn vị sự nghiệp công lập được quyền sa thải. Không có khái niệm “biên chế vĩnh viễn” đã được người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định trong nhiều cuộc họp chỉ đạo.

Công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà, như rất nhiều chuyên gia đã phân tích, không chỉ nằm ở sách giáo khoa, chương trình, ở bộ máy quản lý… mà trước hết là vấn đề con người. Chấp nhận thay đổi, thích nghi với thời cuộc mới, học hỏi để cập nhật, nâng cao không chỉ kiến thức mà là cả phương pháp, kỹ năng sư phạm là đòi hỏi bức thiết đặt ra với các thầy cô giáo, không phân biệt biên chế hay hợp đồng.

Tác giả: Thu Hương

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

  Từ khóa: hợp đồng , giáo viên

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP