Giáo dục

Giáo dục đang khủng hoảng?

Đây là câu hỏi các đại biểu tham gia hội thảo quốc tế 'Giáo dục giá trị trong nhà trường' liên tục đặt ra với nhiều trăn trở.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo Đ.N

Hội thảo do Viện Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế (ĐH Huế) phối hợp với Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 11.1.

Lệch lạc về mục đích học tập

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và giao lưu quốc tế (ĐH Huế) và PGS-TS Hà Thanh Việt cho rằng nhiều hiện tượng đau lòng liên quan đến trẻ vị thành niên, đến nhà trường, học sinh diễn ra hằng ngày, mức độ mỗi ngày càng nghiêm trọng, nhiều khi không thể hình dung được. Giáo dục không thể xem như vô can mà phải chịu trách nhiệm lớn.

Còn PGS-TS Trần Thị An, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhìn nhận hiện nay có một số bất cập trong giáo dục giá trị ở cấp học phổ thông. Đầu tiên là khẩu hiệu “Tiên học lễ - hậu học văn” đã lạc hậu. Tốt hơn cả là tìm ra các khẩu hiệu mang tính triết lý của từng trường để vừa thể hiện bản sắc của từng ngôi trường vừa gần gũi trong chuẩn mực văn hóa truyền thống VN mà giáo dục VN đang hướng tới. Thứ hai là bệnh hình thức về điểm số, phong trào, tính “diễn”. Thứ ba là sự lệch lạc về mục đích học, như tính thực dụng trong học tập.

“Trong khoảng 40 năm qua, đã có sự thay đổi chóng mặt về mục đích học trong nhận thức của phụ huynh và học sinh. “Học để làm gì” là một câu hỏi có tương đối chung một đáp án: Học vì điểm số, để có hồ sơ đẹp nhằm đạt tới mục đích cụ thể (vào được trường tốt ở bậc học trên, ra trường dễ xin việc…). Mục đích này như một người bẻ ghi, hướng tất cả đoàn tàu học đường đi đến các ga định sẵn, chung cho tất cả. Đây là mấu chốt cho tình trạng thực dụng trong dạy và học, thiếu trung thực trong thi cử”, bà An nhận định.

Đồng ý với đa số các nhận định này nhưng tiến sĩ Đinh Trí Dũng, Giám đốc NXB Trường ĐH Vinh, đặt câu hỏi: “Sau hàng loạt vụ việc trong giáo dục, đặc biệt là các vụ việc nổi cộm, người ta đang đặt vấn đề phải chăng giáo dục đang khủng hoảng?”.

Khái niệm “con ngoan trò giỏi” không còn phù hợp

PGS-TS Biện Minh Điền, bộ môn ngữ văn, Trường ĐH Vinh, cũng cho rằng không chỉ khủng hoảng, chúng ta đang đứng trước sự bế tắc, đang tìm lối đi, giải quyết mâu thuẫn giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. “Một thời chúng ta đề cao vai trò người thầy trong nhà trường - “không thầy đố mày làm nên”, nhưng hiện nay lại giống như “không mày đố thầy làm nên”. Các trường đang ve vãn học trò để có người đào tạo”, ông Điền thẳng thắn.

PGS-TS An cho rằng xã hội đã thay đổi. Việc tương tác giữa thầy và trò hiện nay cần công bằng, khách quan, tôn trọng lẫn nhau. “Khái niệm “con ngoan - trò giỏi” như lâu nay đã lỗi thời, hoàn toàn không còn phù hợp trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Cái “ngoan chuẩn mực” khiến học sinh học thuộc, học vẹt, tuân theo khuôn mẫu và không phản biện. “Trò giỏi” là điểm cao. Điểm số đương nhiên cũng là một cách đánh giá nhưng bằng mọi cách để học sinh đạt điểm cao bằng văn mẫu, quay cóp và mọi thứ thì cũng cần phải xem lại”, bà An phân tích.

“Lệch chuẩn” về giá trị ?

Trong bài viết gửi đến hội thảo, PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra một khảo sát về việc lựa chọn các giá trị của thanh niên hiện nay. Có tất cả 32 giá trị được đưa ra khảo sát như hiếu thảo, tự tin, trung thực, tự trọng… Trong đó, giá trị “khiêm tốn” xếp gần cuối nhóm, “tự tin” được xếp ở bậc cao nhất. Một điểm lưu ý là “vì lợi ích cộng đồng” và “hy sinh vì người khác” xếp cuối trong nhóm giá trị. Điều đó cũng cho thấy cái tôi của người trẻ vẫn còn rất lớn, lợi ích cá nhân có thể được đặt lên trên cả lợi ích chung.

Ông Sơn nhận xét: “Trong việc lựa chọn những giá trị sống, nếu thiếu định hướng thì đa số thanh niên đều thích một cuộc sống giàu sang nhanh chóng, được bảo bọc mà không phải lo nghĩ. Từ đây, không ít bạn trẻ tìm chút danh tiếng để có thể khai thác các giá trị kinh tế, một bộ phận giới trẻ hiện nay thiếu định hướng sống. Từ đó, việc họ bị ảnh hưởng từ những phát ngôn của “sao” là dễ hiểu”.

Ông Sơn cho rằng cần quan tâm định hướng giá trị trong việc lựa chọn hành động cho thanh niên. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, nhất là giá trị nhân văn, đạo đức truyền thống, để các giá trị này tiếp tục khẳng định là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của đất nước…

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Kim Ngân, giáo dục giá trị là một trong những trách nhiệm lớn của nhà trường, thậm chí là “mục tiêu phát triển nhân cách người học của hệ thống giáo dục”. Nhưng giáo dục giá trị không phải chỉ là bổn phận của nhà trường mà còn là nghĩa vụ của gia đình và xã hội.

Tác giả: Đăng Nguyên

Nguồn tin: Báo Kiến thức

  Từ khóa: khủng hoảng , giáo dục

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP