Tin

Giáo dục đại học Việt Nam 2013 – một năm nhìn lại

 

Giáo dục đại học Việt Nam 2013 – một năm nhìn lại

Giáo dục đại học Việt Nam đã trải qua một năm 2013, năm đầu tiên Luật Giáo dục đại học (GD ĐH) đi vào hiệu lực với nhiều thăng trầm. Có những sự kiện làm chúng ta thất vọng, lại có những sự kiện đem lại sự tranh cãi, phàn nàn hoặc hoài nghi; tuy vậy, cũng có tín hiệu đem lại niềm hy vọng xen lẫn lạc quan.

Thất vọng

Sự thất vọng về nền giáo dục đại học nói riêng cũng như nền giáo dục nước nhà nói chung có thể phản ánh qua hình ảnh Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đứng trầm ngâm phía sau hội trường sau khi ông nhận kết quả “tín nhiệm thấp” nhiều nhất trong số 47 chức danh được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm ngày 11.6.2013.

Sau khi truyền thông đăng tải lại hình ảnh này của ông, đã có nhiều tiếng nói cảm thông, chia sẻ từ phía dư luận đối với vị “tư lệnh ngành” này, đồng thời động viên ông “vượt qua nỗi buồn”, từng bước đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới”.

Mặc dù vậy, chỉ gần một tháng sau (ngày 4.7.2013), Bộ trưởng Luận cùng cộng sự của ông đã làm người dân thất vọng tràn trề bằng việc ban hành Thông tư 24/2013/TT-BGDĐT trong đó có quy định một điều khoản “bất khả thi” về việc bà mẹ Việt Nam anh hùng thi đại học được cộng điểm.

Hình ảnh Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sau khi nhận kết quả “tín nhiệm thấp” vào tháng 6.2013

Mặc dù sau đó, Bộ đã sửa sai bằng việc bãi bỏ điều khoản nói trên tại Thông tư 28/2013TT-BGDĐT, dư luận vẫn không khỏi “ngao ngán” và đặt dấu hỏi về “tính khoa học” trong quy trình xây dựng văn bản pháp quy của Bộ GD-ĐT.

Tranh cãi

Cũng liên quan đến vấn đề tuyển sinh, trong những ngày đầu tháng 12, Bộ GD-ĐT công bố Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh đại học, cao đẳng mới trong đó dự định trong vòng 3 năm tới, các trường đại học sẽ được lựa chọn một trong 3 phương án: (i) tổ chức tuyển sinh riêng theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển hoặc kết hợp cả hai; (ii) liên kết với các trường khác có cùng ngành dự thi để tổ chức tuyển sinh riêng; (iii) tiếp tục tổ chức thi tuyển theo hình thức “3 chung” do Bộ thực hiện (cho đến năm 2017 sẽ bỏ hẳn phương án này).

Mặc dù vẫn biết trước theo lộ trình thực hiện của Luật Giáo dục ĐH, Bộ sớm muộn cũng sẽ “trả lại” các trường quyền tự tổ chức tuyển sinh, nhưng công chúng, đặc biệt là các trường đại học và hơn 2 triệu học sinh lớp 12 – những đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp từ quy định mới này, vẫn không khỏi bất ngờ.

Sự kiện ngay lập tức làm dấy lên những tranh luận trái triều. Nhiều trường đại học, trong đó có cả những trường đã đề xuất được tuyển sinh riêng trước đó tỏ băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả của phương án mới, trong đó đặc biệt là làm sao để các trường vẫn tổ chức tuyển sinh riêng vẫn có thể tuyển đủ được về số lượng và chất lượng trong khi Bộ không cho phép sử dụng kết quả của thí sinh dự thi “3 chung” để xét tuyển thêm.

Trong khi đó, nhiều trường khác lại lo ngại, với việc tự tổ chức tuyển sinh, hiện tượng tiêu cực có thể sẽ lại xuất hiện lại như hơn 10 năm trước. Còn về phía thí sinh, hơn 2 triệu thí sinh và gia đình vẫn đang tiếp tục “nín thở” chờ đợi những thông tin mới nhất từ phía Bộ.

Một phần nào đó, các thí sinh năm nay chịu thiệt thòi hơn các anh chị khoá trước khi mà chỉ còn hơn 6 tháng nữa là sẽ đến kỳ thi nhưng các em lại vẫn chưa biết mình sẽ được kiểm tra những gì để chuẩn bị.

Phàn nàn

Kể từ khi ĐH Thăng Long, cơ sở giáo dục ĐH dân lập đầu tiên được thành lập cuối những năm 1980, đã có trên 80 trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) tiếp tục ra đời, chiếm 1/5 tổng số trường ĐH, CĐ và gần 1/7 số sinh viên cả nước.

Nhưng có vẻ như hệ thống quy định, chính sách cho khu vực NCL vẫn chưa theo kịp với tốc độ phát triển và yêu cầu của thực tế. Tháng 9.2013 vừa qua, tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình trường ĐH, CĐ NCL, các đại biểu đã chỉ ra nhiều bất cập về mặt quản lý Nhà nước đối với khu vực này như chính sách về cấp đất sạch, cho vay ưu đãi, miễn giảm thuế, bất bình đẳng giữa trường công và trường NCL trong vấn đề học phí, tuyển sinh, tuyển dụng cán bộ ….

Trong đầu tháng 12 vừa qua, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng đã ký công văn xin đề xuất với Thủ tướng những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ các vấn đề trên.

Hoài nghi

Trong tháng 4.2013, truyền thông trong nước thông báo, Nga sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc thành lập ĐH Công nghệ Việt – Nga trên cơ sở nâng cấp ĐH kỹ thuật Lê Quý Đôn với vốn đầu tư ban đầu 100 – 150 triệu USD.

Đây sẽ là đại học thứ 3 được thành lập trong khuôn khổ đề án xây dựng “đại học xuất sắc” được Thủ tướng ký phê duyệt từ năm 2006 với mục tiêu có ít nhất một đại học của Việt Nam được lọt vào nhóm 200 trường đại học xuất sắc nhất thế giới vào năm 2020.

Tuy vậy, qua những khó khăn trong vấn đề tuyển sinh, thu hút giảng viên trình độ cao… mà 2 ĐH được thành lập mới hoàn toàn từ trước đó cũng trong khuôn khổ Đề án nói trên (ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội) đang phải gặp phải, giới chuyên môn có phần dè dặt xen lẫn hoài nghi về dự án mới (ĐH Công Nghệ Việt – Nga) này.

ĐH Việt – Đức  

Theo một tổng kết do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2011, các nước trên thế giới thường chọn một trong 3 cách tiếp cận để xây dựng thành công đại học đẳng cấp quốc tế: một là xây dựng mới hoàn toàn; hai là nâng cấp từ một đại học sẵn có và ba là, sáp nhập nhiều đại học nhỏ thành một đại học lớn hơn.

Có vẻ như Việt Nam đang áp dụng cả 3 phương pháp nói trên với ĐH Việt – Đức và ĐH Khoa học và Công nghệ theo cách thứ nhất; ĐH Công nghệ Việt Nga theo cách thứ 2; và 5 ĐHQG và ĐH Vùng thành lập từ những năm 1990 theo cách thứ 3.

Nhiều chuyên gia hoài nghi tóm lại Việt Nam đang chọn chiến lược nào để đạt được giấc mơ đại học đẳng cấp quốc tế của mình khi mà dự án “đại học xuất sắc” cũng đã đi được nửa chặng đường còn đại học có thứ hạng cao nhất trong nhóm 5 ĐH QG và ĐH vùng cũng mới chỉ “lọt” vào Top 250 của Châu Á?

Hy vọng

Trong bức tranh nhiều nét trầm của năm 2013, vẫn có những tín hiệu làm nhen lên hy vọng đối với những người quan tâm đến giáo dục đại học nước nhà, trong đó quan trọng nhất có thể kể đến là Nghị quyết về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo do Trung ương Đảng ban hành đầu tháng 11.

Theo giới quan sát, đây là Nghị quyết công phu nhất với nhiều điểm tiến bộ nhất từ trước đến nay liên quan đến giáo dục đào tạo nói chung. Với riêng giáo dục đại học, giới quan sát cũng dễ dàng nhận thấy, Nghị quyết này đã tích hợp rất nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học trong và ngoài nước như GS. Phạm Phụ (ĐHQG TP.HCM), GS. Lâm Quang Thiệp (nguyên Vụ trưởng Vụ GD ĐH), GS Martin Hayden (ĐH Sourthern Cross – Australia); 3 GS đã bỏ ra nhiều năm lãnh đạo một nhóm nghiên cứu soạn thảo bản báo cáo đặc biệt đề xuất với Bộ GD-ĐT 9 điểm giúp cải cách giáo dục đại học Việt Nam.

Cũng trong năm 2013 vừa qua, việc Bộ GD-ĐT mạnh tay xử lý cắt giảm hàng nghìn chỉ tiêu tuyển sinh (tháng 3), thậm chí xem xét dừng hoạt động một số trường đại học có nguồn lực yếu kém (tháng 11), không đạt yêu cầu cũng là một điểm đáng chú ý, thể hiện sự quyết tâm của Nhà nước trong việc  chú trọng vào chất lượng giáo dục đại học sau nhiều năm mở rộng về số lượng mà quên đi các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Lạc quan

Trong khi chúng ta tiếp tục chờ đợi các văn bản, chính sách cụ thể hoá Luật Giáo dục ĐH cũng như Nghị quyết về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo được ra đời, qua đó tạo khung pháp lý cho các trường đại học, cao đẳng mạnh mẽ hội nhập và phát triền cùng thế giới; năm 2013 cũng ghi nhận một số “thành tựu” lạc quan bước đầu, đánh dấu những bước hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam theo chuẩn mực và trào lưu chung của thế giới.

Sự kiện thứ nhất có thể kể đến là việc thành lập 2 Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục độc lập được Bộ GD-ĐT thành lập tại 2 ĐHQG HN (tháng 9) và TP HCM (tháng 12). Mặc dù sự kiện này không gây được chú ý trong dư luận, và việc thành lập 2 trung tâm cũng có phần chậm hơn dự kiến ban đầu từ năm 2010 của Bộ GD-ĐT, đây vẫn có thể coi là một bước tiến quan trọng trong việc triển khai kiểm định chất lượng đào tạo đại học ở nước ta.

Việc thành lập 2 trung tâm kiểm định độc lập tại 2 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của cả nước này sẽ chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” của Bộ GD-ĐT trong việc quản lý chất lượng đào tạo giáo dục đại học ở Việt Nam, phù hợp với tiêu chuẩn chung của các nước tiên tiến trên thế giới.

“Thành tựu” đáng chú ý khác là việc một nhóm nghiên cứu của ĐHQG HN do GS. Phạm Hùng Việt làm trưởng nhóm có bài báo được đăng trên tạp chí Nature – tạp chí khoa học hàng đầu thế giới với chỉ khoảng 8% bài báo gửi đến hang năm được lọt qua vòng bình duyệt và công bố.

Có thể nói, với một loạt những đổi mới về công tác quản lý khoa học công nghệ trong những năm qua, như việc thành lập Quỹ khoa học Công nghệ quốc gia NAFOSTED, hay mới đây là Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ – FIRST”, chúng ta có quyền hy vọng trong tương lai, các nhà khoa học Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều bài báo, công trình khoa học được công bố trên các tạp chí có chỉ số Impact Factor cao, đóng góp chung cho sự phát triển tri thức của nhân loại.

Trong năm 2013 vừa qua, giáo dục đại học thế giới, trong đó đi tiên phong là một số đại học hàng đầu của Mỹ như Stanford, Pennsylvania, Princeton và Michigan lên “cơn sốt” với các khoá đào tạo đại trà trực tuyến (Massive Open Online Courses).

Mặc dù ý tưởng về MOOCs mới chỉ hình thành từ năm 2008, MOOCs đã phát triển rất nhanh chóng từ Mỹ, qua đến Châu Âu và lan sang Châu Á – Thái Bình Dương. Các nhà giáo dục dự đoán MOOCs đang và sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về dạy – học trong giới đại học trên toàn thế giới.

Cùng hoà chung với thế giới, MOOCs đã đến Việt Nam qua sự nỗ lực của một số nhà khoa học trẻ, mà nổi bật nhất là trường hợp của TS. Giáp Văn Dương, người quyết định từ bỏ công việc nghiên cứu tại ĐHQG Singapore để trở về Hà Nội xây dựng cổng MOOCs đầu tiên bằng tiếng Việt và dành cho người Việt, khai trương tháng 8; hiện nay đã có khoảng trên 1.000 học viên thường xuyên.

Hy vọng Giapschool nói riêng và MOOCs ở Việt Nam sẽ có nhiều bước phát triển sâu rộng hơn trong năm tới, hoà nhập chung với dòng chảy MOOCs nhân loại.

Phạm Hiệp (NCS Khoa quản trị kinh doanh, Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan)
Ảnh bìa: Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đứng trầm ngâm phía sau hội trường sau khi ông nhận kết quả “tín nhiệm thấp” hồi tháng 6.2013. Ảnh TTO

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP