Xã hội

Gian lận thuyền viên: Bất ngờ vì không biết chữ cũng có... bằng (!?)

Vụ tai nạn hàng hải giữa tàu Petrolimex 14 và tàu Hải Thành 26-BLC xảy ra hồi tháng 3 khiến 9 người thiệt mạng là điển hình của tình trạng gian lận thuyền viên, thuê bằng, khai man tổ tàu. Cá biệt, có trường hợp không biết chữ nhưng vẫn có bằng thuyền trưởng, chủ tàu đập phá và đe dọa khi bị xử phạt.

“Nguy hại” từ gian lận thuyền viên

Ông Lê Văn Thức - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu - cho biết, hiện nay có nhiều thuyền trưởng (đặc biệt là thuyền trưởng tàu cá; phương tiện thủy nội địa) thiếu kiến thức và hiểu biết về quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển, vậy nên không tuân thủ hoặc thực hiện điều động tránh va sai.

Tại khu vực do Cảng vụ này quản lý, ông Thức thừa nhận: “Có trường hợp cho thuê, cho mượn Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để “hợp lý hóa” thuyền bộ của tàu. Thuyền viên có mặt trên tàu khi rời cảng để đối phó với lực lượng kiểm tra của Cảng vụ, nhưng khi tàu rời cảng thì thuyền viên tự ý rời tàu sau khi tàu qua phao số 0”.

Tình trạng gian lận thuyền viên, thiếu định biên xảy ra ngày càng nhiều trong hoạt động vận tải thủy nội địa

Theo ông Thức, việc thuê mượn, gian lận bằng cấp thuyền viên rất nguy hại. Người không có trình độ chuyên môn sẽ không tuân thủ quy trình kỹ thuật vận hành, khai thác tàu, chạy quá tốc độ quy định, kém hiểu biết về điều kiện khí tượng thủy văn và đặc điểm luồng tàu, hoạt động hàng hải của tàu thuyền, địa hình khu vực, do đó không có những biện pháp xử lý phù hợp với hoàn cảnh và diễn biến của tình huống cụ thể. Nguy cơ mất an toàn và xảy ra tai nạn là thường trực.

Dẫn chứng về tình trạng gian lận thuyền viên và thuê mượn bằng cấp thuyền viên, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải đề cập tới vụ tai nạn hàng hải tàu Petrolimex 14 đâm va tàu Hải Thành 26-BLC ngày 28/3/2017.

Vụ tai nạn này xảy ra tại vị trí cách Mũi Lagi - Bình Thuận 18,5 hải lý về hướng Nam, làm chết 9 người, đáng nói trong đó có 3 thuyền viên cho thuê mượn bằng cấp, với chức danh thợ máy trực ca và thủy thủ trực ca. Vụ việc hiện đã được cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Chưa hết, Giám đốc đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cũng đề cập đến vấn đề bằng giả khi đã phát hiện một số trường hợp người đi tàu không biết chữ nhưng vẫn có bằng thuyền trưởng. “Đó là những ngư dân đi tàu cá, khi kiểm tra an toàn chạy tàu thì phát hiện thuyền trưởng không biết chữ” - ông Thức cho hay.

Bị xử phạt, chủ tàu quay sang... đe dọa!

Ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TPHCM - cho hay, tình trạng gian lận thuyền viên, thuê mượn bằng được Cảng vụ này phát hiện từ năm 2008, nhưng gần đây tình trạng này gia tăng ở khối tàu tư nhân, và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Hoạt động kiểm tra đột xuất về định biên của Cảng vụ Hàng hải TPHCM đối với một tàu hàng trước khi rời cảng

Theo ông Nam, năm 2015, Cảng vụ Hàng hải TPHCM kiểm tra một trường hợp tàu hàng và phát hiện Giám đốc công ty vận tải (chủ tàu) thuê bằng thuyền trưởng để đi tàu. Khi bị xử phạt hành chính 75 triệu đồng, chủ tàu đã có hành vi chửi bới, đập phá trụ sở Cảng vụ và đe dọa, thách thức lãnh đạo Cảng vụ.

Ông Nam cho biết, cũng chính tàu hàng này sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm. Chuyến hàng sau bị lực lượng Bộ đội biên phòng truy đuổi, khi kiểm tra phát hiện chủ tàu không có bằng thuyền trưởng, thiếu định biên và chủ tàu một lần nữa có hành vi chống đối, đe dọa lực lượng biên phòng.

Lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải TPHCM cho biết, không chỉ tàu mang cờ Việt Nam mà tàu hàng nước ngoài đến Việt Nam cũng phát hiện tình trạng gian lận thuyền viên đi tàu và làm giả bằng cấp.

Nói về nguyên nhân dẫn tới tình trạng nói trên, theo ông Nam thông tin: “Chủ tàu, công ty quản lý tàu đặt nặng lợi ích kinh tế, giảm chi phí khai thác và ít quan tâm đến an toàn của tàu thuyền và thuyền viên. Chủ tàu tuyển dụng những lao đông không có bằng cấp hoặc bằng cấp không phù hợp để làm việc trên tàu và thuê, mượn chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên để làm thủ tục, đối phó với cơ quan quản lý”.

Ngoài ra, nhiều thuyền viên khai báo thu nhập khi làm việc trên các tàu thuyền hoạt động tuyến nội địa rất thấp, thêm vào đó nhiều công ty khai thác tàu, chủ tàu không trả lương đúng hạn, thậm chí còn nợ lương gối đầu vài tháng nên dẫn đến tình trạng thuyền viên chán nản, rời tàu mặc dù chưa có sự đồng ý của công ty khai thác, chủ tàu dẫn đến thiếu thuyền viên khi tàu đến cảng, khi rời cảng.

Được biết, từ đầu năm 2017 đến nay, qua kiểm tra Cảng vụ TPHCM đã phát hiện và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 trường hợp vi phạm liên quan đến việc bố trí định biên, sử dụng bằng cấp thuyền viên trên tàu thuyền, với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Đối với các trường hợp thuê, mượn bằng cấp sẽ bị tước quyền sử dụng chứng chỉ, “treo” bằng từ 6 - 12 tháng. Trường hợp sửa chữa, tẩy xóa bằng sẽ bị tước vĩnh viễn.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP