Thế giới

Giải mã sự hiện diện của hàng loạt tàu chiến Nga gần “chảo lửa” Syria

Nhiều phán đoán đã được đưa ra liên quan tới sự hiện diện của hàng loạt tàu chiến Nga ở khu vực gần Syria, trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh được cho là chuẩn bị tiến hành cuộc không kích tiếp theo nhằm vào quốc gia Trung Đông này.

Tàu hộ vệ Pytlivy, theo sau là tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov, của Hải quân Nga đi qua eo biển Bosphorus trong hành trình tới Địa Trung Hải ngày 24/8. (Ảnh: Reuters)

Hơn 12 tàu chiến của Hải quân Nga đã có mặt tại phía đông Địa Trung Hải, tạo thành hạm đội đông nhất từ trước đến nay của Moscow ở ngoài khơi Syria. Động thái tập hợp lực lượng này của Nga diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang chuẩn bị tiến hành một chiến dịch lớn nhằm vào tỉnh Idlib, khu vực trọng yếu đang bị phiến quân chiếm đóng, và Điện Kremlin cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh chuẩn bị không kích thủ đô Damascus với cớ sử dụng vũ khí hóa học.

Tính đến ngày hôm qua 28/8, Hải quân Nga đã triển khai tới gần lãnh thổ Syria một nhóm tác chiến tàu nổi do tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Slava Marshal Ustinov dẫn đầu, cùng 3 tàu hộ vệ hiện đại lớp Đô đốc Grigorovich, tàu khu trục lớp Udaloy Sveromorsk và một số tàu khác, trong đó chủ yếu là các tàu được trang bị tên lửa hành trình tấn công Kalibr. Ngoài ra, Hải quân Nga cũng điều 2 tàu ngầm tấn công lớp Kilo có khả năng phóng tên lửa Kalibr. Cả hạm đội phương Bắc và hạm đội Biển Đen đều huy động tàu tham gia đợt triển khai lần này của Hải quân Nga.

Xét đến số lượng tàu, đây là lần triển khai lớn nhất của Hải quân Nga tại khu vực kể từ khi Moscow bắt đầu tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria theo đề nghị của chính quyền Assad hồi năm 2015. Năm 2016, Nga cũng từng triển khai 8 tàu tới gần bờ biển Syria để tham gia một chiến dịch ở đây.

Bản đồ khu vực Idlib tại Syria (Ảnh: BBC)

“Hải quân Nga đã triển khai các lực lượng hải quân lớn tới Địa Trung Hải, bao gồm các tàu được trang bị tên lửa hành trình hiện đại. Chúng tôi không phán đoán ý đồ của hạm đội Nga, song điều quan trọng là tất cả các lực lượng trong khu vực vực phải kiềm chế để không làm xấu đi cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn rất nguy hiểm tại Syria”, người phát ngôn NATO Oana Lungescu nói với báo Haaretz của Israel.

Nằm ở phía tây bắc Syria, Idlib vẫn được xem là “thành trì” của các lực lượng phiến quân chống đối chính phủ Assad. Lực lượng này vẫn cố thủ tại Idlib sau nhiều cuộc tấn công của quân đội chính phủ, bất chấp sự hậu thuẫn tích cực của Nga. Tháng 2/2018, các phiến quân ở Idlib từng bắn rơi một máy bay tấn công Su-25 Frogfoot của Nga.

Một số nguồn tin nghi ngờ quân đội chính phủ Syria đang lên kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học để giải phóng Idlib khỏi tay phiến quân, tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận. Ngày 21/8, liên quân Mỹ, Anh, Pháp đe dọa sẽ có hành động quân sự nhằm vào Syria nếu phát hiện chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học. Hồi tháng 4, 3 nước này cũng từng tiến hành cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các cơ sở bị nghi ngờ có liên quan tới chương trình vũ khí hóa học của chính phủ Syria.

Cảnh báo trên của các nước phương Tây khiến Nga nghi ngờ Mỹ và các đồng minh có thể gây ra một vụ tấn công giả bằng vũ khí hóa học, từ đó lấy cớ để không kích Syria.

Mục đích của các bên

Tên lửa rực sáng trên bầu trời Damascus, Syria trong cuộc tấn công của liên quân Mỹ, Anh, Pháp hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Theo trang mạng Drive, Nga rất có thể đang chuẩn bị để hỗ trợ chiến dịch của chính quyền Assad tại tỉnh Idlib. Các tàu của Nga ở Địa Trung Hải, cũng như biển Caspi, kết hợp cùng các máy bay chiến đấu, tên lửa mặt đất và hệ thống pháo, từng hỗ trợ cho các cuộc tấn công của quân đội chính phủ Syria kể từ năm 2015.

Tháng 12/2017, Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố về thắng lợi của Nga trong cuộc chiến chống khủng bố và phiến quân tại Syria, song ông cũng nói rõ rằng Nga vẫn tiếp tục ủng hộ chính quyền Assad trong thời gian lâu nhất có thể. Tháng 5/2018, Tổng thống Putin nói rằng Hải quân Nga sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện lâu dài và luân phiên tại Đông Địa Trung Hải “do mối đe dọa khủng bố kéo dài”.

Theo các chuyên gia, Nga có thể hy vọng rằng hạm đội tàu chiến của nước này ở Đông Địa Trung Hải sẽ đóng vai trò như một lực lượng răn đe, khiến Mỹ và các đồng minh phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi có ý định tấn công các mục tiêu tại và xung quanh Syria. Moscow cũng lo sợ rằng các cuộc tấn công như vậy có thể sẽ vô tình gây thiệt hại cho các lực lượng quân sự của Nga tại Syria.

Ngoài ra, việc Nga bố trí số lượng lớn tàu chiến như vậy cũng có thể nhằm cản trở sự di chuyển của các tàu hải quân do Mỹ dẫn đầu nếu các tàu này có ý định tiến vào vị trí nào đó trên Địa Trung Hải để phóng các tên lửa hành trình vào các mục tiêu tại Syria, hay chỉ đơn giản là đưa ra cảnh báo trước về các cuộc tấn công như vậy.

Hai tàu chiến Mỹ trên Địa Trung Hải ngày 7/4/2017 đã dội 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. (Ảnh: AFP)

Các chỉ huy của quân đội Mỹ và đồng minh sẽ phải tính toán tới một loạt mối đe dọa tiềm tàng tới các tàu và máy bay hoạt động ở Đông Địa Trung Hải khi hạm đội tàu chiến của Nga cũng hiện diện ở khu vực này. Hồi tháng 4, các máy bay của Anh, Pháp và các tàu của Pháp đã phóng hàng loạt tên lửa hành trình vào Syria, trong khi lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành tuần tra và tiếp nhiên liệu trên không nhằm bảo vệ cũng như hỗ trợ cho chiến dịch của liên quân.

Việc liên quân Mỹ, Anh, Pháp phóng tên lửa bay qua các tàu của Nga trước khi rơi xuống Syria có thể khiến Nga hiểu rằng các tàu của nước này đang bị tấn công và kích hoạt biện pháp đáp trả. Khi đó cuộc tấn công nhằm vào Syria sẽ trở thành một cuộc tấn công quốc tế với hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều.

Tuy vậy, các lực lượng Nga và Mỹ có thể sẽ tránh đối đầu trực diện tại Syria. Khi lực lượng do Mỹ dẫn đầu tiến hành các cuộc tấn công tại Syria hồi tháng 4, và các cuộc không kích bằng tên lửa của Israel trong vài năm gần đây, lực lượng quân sự Nga tại Syria đều “án binh bất động” và không có biện pháp đáp trả nhằm tránh xung đột leo thang. Ngoài ra, trong các cuộc tấn công trước đây, các lực lượng Mỹ phần lớn tránh xa khu vực Địa Trung Hải. Thay vào đó, Mỹ thường phóng tên lửa hành trình từ các tàu ở Biển Đỏ và Vịnh Ba Tư hoặc từ máy bay di chuyển qua không phận Jordan.

Ngoài kịch bản tấn công quân sự, một số nguồn tin cho biết Nga đang nỗ lực bảo trợ cho một thỏa thuận, có thể với Thổ Nhĩ Kỳ, để yêu cầu các phiến quân rút khỏi Idlib một cách hòa bình. Ngoài ra, một số nguồn tin khác tiết lộ chính quyền Mỹ đang đàm phán với Nga về tình hình tại Syria và có thể tìm cách đạt thỏa thuận với Nga về vấn đề này. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump từ lâu vẫn ủng hộ việc rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Syria.

Tác giả: Thành Đạt

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP