Tin láng giềng

Gia cảnh nghèo khó của nữ sinh 29 điểm trượt đại học

Con bé Nhi là niềm hy vọng của cả gia đình, dòng họ, nhưng ai ngờ…” – bà Phạm Thị Thanh Bình, mẹ của nữ sinh 29 điểm bị trượt đại học nói trong nước mắt.

Con nhà nghèo học giỏi

Chúng tôi tìm về thôn Sơn Ngọc, xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi có cô bé Bùi Kiều Nhi, đạt 29 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia nhưng bị trượt đại học gây xôn xao dư luận.

Hỏi đường về nhà Nhi cách hơn cây số nhưng ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường, một nữ sinh nhanh nhảu đưa chúng tôi vào tận ngõ.

Ngôi nhà cấp 4 của gia đình Nhi nằm nghiêng bên triền dốc, ngay sát đường tàu Bắc – Nam. Bà Bình, mẹ của Nhi ngồi ở góc sân thái chuối, đợi Nhi đi cắt cỏ về trộn vào để cho cá ăn buổi chiều.

Rót nước mời khách, bà buồn rầu chia sẻ: “Nhà có mấy sào ruộng xa, mùa này không làm được chi, may có ao cá hơn 100m2 cha nó đào khi còn sống, thi thoảng bán cá được đôi đồng để mua gạo, nếu không có nó thì mấy mẹ con không biết lấy gì mà sống”.

<br /> Cả gia đình Nhi trông chờ vào ao cá của người cha quá cố để lại (ảnh lớn)  Bà Bình ngồi thái chuối chờ Nhi cắt cỏ về để trộn vào cho cá ăn (ảnh nhỏ). Ảnh: Hoàng Nam.<br />

Cả gia đình Nhi trông chờ vào ao cá của người cha quá cố để lại (ảnh lớn)  Bà Bình ngồi thái chuối chờ Nhi cắt cỏ về để trộn vào cho cá ăn (ảnh nhỏ). Ảnh: Hoàng Nam.

Bà Bình kể: Trước bà ở thôn 3, còn chồng ở thôn 4. Thấy ông ấy nhanh nhẹn, chăm chỉ làm ăn nên bà đồng ý về làm vợ.

Ở quê ba bên, bốn bề đều là rừng núi, ruộng vườn thì ít nên để duy trì cuộc sống, vợ chồng bà vất vả đủ nghề. Vào những ngày nông nhàn, bà vào rừng hái củi đưa về bán, còn chồng thì đốn gỗ… tích góp cũng làm được ngôi nhà cấp 4.

Rồi lần lượt vợ chồng bà sinh được 4 đứa con, hai gái đầu, hai trai sau, các cháu đều chăm ngoan, học giỏi, họ hàng, làng xóm ai cũng mừng.

Khi đứa con gái đầu thi đậu, chuẩn bị vào học trung cấp y thì một buổi sáng, ông Bùi Vĩnh Tường, chồng của bà bị ngã ở góc vườn mê man bất tỉnh.

Đưa xuống viện, được một ngày thì ông qua đời vì tai biến mạch máu não, vào đúng tuổi 49. Người chồng, người cha trụ cột của gia đình ra đi đột ngột khiến cả nhà suy sụp tưởng chừng như không gắng gượng nổi.

Cô con gái đầu đòi bỏ học để ở nhà giúp mẹ nuôi các em. Nhưng bà nghĩ chỉ có học mới thoát được đói nghèo và cương quyết đưa con gái nhập trường.

“Vì rất thích vào trường Công an nên cháu rất kỹ khi làm hồ sơ. Cháu đã hỏi mẹ từng chi tiết một nhưng mẹ không hề nhắc đến chuyện bố đã từng vi phạm pháp luật và có án tích. Điều này cháu dám thề độc là mình không gian dối. Vì theo quy định, nếu cháu biết mà khai vào hồ sơ, thì với tội danh của bố, đã được xóa án tích thì cháu vẫn được vào học trường Công an. Nếu chiếu theo quy định là cháu sai, nhưng đây là lỗi do không ai biết, chứ không phải gian dối và cháu mong nhà trường thấu hiểu và thông cảm cho cháu điều đó”.

Bùi Kiều Nhi

Nhà không có tiền, bà vay Ngân hàng Chính sách xã hội, rồi quỹ Hội Phụ nữ xã để cho con theo học. Sau hai năm ra trường, cả tiền học, tiền ăn ở của con gái đầu, bà phải gánh nợ 55 triệu đồng nhưng vẫn hi vọng trả được nợ khi con đi làm.

Song con bà đã không thể xin được việc làm, món nợ vẫn giữ nguyên và hàng tháng phải trả lãi 500 nghìn đồng. “Thấy mẹ vất vả, cháu xin vào Đà Nẵng làm công nhân, tiền lương mỗi tháng gần 3 triệu đồng.

Tằn tiện chi tiêu, mỗi tháng cháu gửi về cho tui 500 nghìn đồng để trả lãi. Nó nói, nếu không xin được việc khác lương cao hơn thì không biết khi nào mà trả được nợ của nó ăn học để gánh cho mẹ một phần” – bà Bình kể.

Nhắc đến bé Nhi, hai hàng nước mắt cứ lăn dài trên má bà Bình. “Nó là đứa học khá toàn diện, đặc biệt các môn xã hội đều vượt trên điểm giỏi. Không hiểu sao, từ nhỏ cháu đã thích công an và bộ đội.

Sau khi cha mất thì quyết tâm thi vào ngành Công an của cháu càng lớn. Vì ngoài sở thích, thì cháu ý thức được, mẹ sẽ đỡ vất vả nuôi nó ăn học và sau này ra trường không phải xin việc làm.

Năm cuối nó học ngày, học đêm, sụt mất mấy cân. Tui can ngăn thì nó nói, vào trường công an điểm cao lắm nên phải cố gắng” – bà Bình sụt sùi kể.

<br /> Hàng ngày Nhi phải gánh vác việc đỡ đần giúp mẹ.<br />

Hàng ngày Nhi phải gánh vác việc đỡ đần giúp mẹ.

Oan cho cháu nó quá!

Thấy nhà bà Bình có khách, bà con lối xóm kéo đến hóng chuyện, Nhi cũng ôm bó cỏ từ ngoài đồng về. Nhi kể: Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, cháu tham gia ở Hội đồng thi tỉnh Thừa Thiên – Huế và đăng ký dự thi khối C.

Tổng điểm 3 môn là 27,5 (trong đó ngữ văn 8,75, lịch sử 9 và địa lý 9,75), cộng 1,5 điểm ưu tiên vùng miền, tổng điểm của thí sinh này là 29.

Với số điểm trên, Nhi tự tin đăng ký xét tuyển vào Học viện Chính trị Công an Nhân dân và nhận được kết quả thông báo trúng tuyển.

Tuy nhiên, ngày 4/9, gia đình Nhi lại nhận được công văn của Công an huyện Tuyên Hóa gửi về thông báo: “Không đủ điều kiện theo học các trường Công an Nhân dân vì đã khai báo không trung thực trong phần khai lý lịch”.

Nguyên nhân, bố của Nhi là ông Bùi Vĩnh Tường (SN 1965, đã mất năm 2013), từng bị TAND huyện Tuyên Hóa xử phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Chống người thi hành công vụ” (bản án ngày 18/5/1992).

Tuy nhiên, Nhi đã khai trong lý lịch là bố không có án tích và cam đoan về lời khai của mình.

Bà Bình nói trong nước mắt: “Khi tui nhận được thông báo từ Công an huyện thông báo con Nhi không thể nhập học, mặc dù lo lắng nhưng tui vẫn tin là họ nhầm ai đó.

Vì từ khi lấy ông ấy đến nay, chưa bao giờ ông ấy to tiếng với hàng xóm chứ đừng nói với gia đình thì làm sao gây nên tội lỗi này được. Tui chạy sang nhà nội hỏi, ai cũng ngớ người vì không biết.

Mãi sau mới có người nhớ ra, là ông ấy từng bị án treo khi chưa lấy vợ. Đến người nhà của anh ấy không biết, không nhớ thì làm sao tui biết được mà nhắc con làm hồ sơ chứ. Nói cháu gian dối là oan cho cháu nó quá!”.

Ông Bùi Vĩnh Thiệu (48 tuổi), chú ruột của Nhi buồn bã cho biết: “Việc anh Tường bị án treo cách đây hơn 23 năm rồi. Mà cái tội của anh ấy cũng chỉ vì nghèo khổ mà ra. Hồi đó, cả xã ni sống bằng nghề đốn gỗ rừng về bán.

Khi gặp kiểm lâm thì cố sống, cố chết khiêng gỗ mà chạy, hoặc cướp lại được khúc nào mới mong vợ con ở nhà có gạo ăn. Hồi đó, dân ở đây ai chẳng làm thế, nhưng anh tôi đen đủi nên bị bắt.

Hôm bác Bình chạy sang hỏi tui ngớ người không nhớ, mãi sau mới nhớ ra thì mẹ con chị ấy làm sao biết được”.

Ông Cao Ngọc Bảo (54 tuổi), người từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc chống lại quân xâm lược Trung Quốc cùng với bố Nhi cho biết: “Anh Tường rất gan dạ, luôn luôn xông pha lên đầu.

Về địa phương, anh ấy là một Cựu chiến binh gương mẫu trong làm ăn kinh tế cũng như trong đời sống hàng ngày. Việc bố cháu bị án treo đến tui cũng quên không còn nhớ.

Bố cháu mất rồi, sự việc bố cháu từng có tiền án thì ở đây không mấy ai biết. Mẹ cháu cũng không biết vì lúc đó chưa kết hôn. Tôi hy vọng các cấp hãy xem xét thật kỹ trường hợp của cháu Bùi Kiều Nhi để cháu không phải chịu thiệt thòi.

Bùi Kiều Nhi cho biết: Từ khi nhận được thông báo không đủ điều kiện nhập học, Nhi rất hụt hẫng nhưng vẫn hy vọng mọi người sẽ xem xét lại.

Nhi đã viết 4 bức thư, 3 bức gửi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và 1 bức gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận.

theo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP