Tin

Ghi nhận bước đầu từ mô hình trường học mới ở TP Hà Tĩnh

Mô hình trường học mới Việt Nam được trường Tiểu học Thạch Linh triển khai thí điểm từ năm học 2013 – 2014, đây là trường thực hiện mô hình trường học mới đầu tiên trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Khác với phương pháp học thông thường, lớp học chia thành các nhóm, mỗi nhóm từ 4 đến 6 em. Các em học sinh được cùng nhau thảo luận, bàn bạc và thống nhất trong nhóm, được phát biểu ý kiến trước toàn thể lớp học và cô giáo về bài học. Việc áp dụng mô hình mới này, các em học sinh hoàn toàn làm chủ giờ học, không bị thụ động trong việc tiếp thu kiến thức mà sẽ chủ động, phát huy khả năng sáng tạo trong việc tự học, có cơ hội giao tiếp với các bạn trong nhóm đã tạo nên sự tự tin, sôi nổi trong học tập, các em học sinh đều cảm thấy hứng thú, say mê với môn học.

Đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh  có 9 trường thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam, gọi tắt là VNEN. Qua 3 năm triển khai, mô hình trường học mới Việt Nam với sự kế thừa những mặt tích cực của mô hình trường học truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, cách dạy hiện đại, “lấy người học làm trung tâm” đã thu được những kết quả đáng khích lệ.  

Sau thí điểm mô hình trường học mới tại trường tiểu học Thạch Linh, đến năm học 2015-2016 tổng số trường thực hiện mô hình trường học mới của toàn thành phố là 9 trường, trong đó 7 trường tiểu học và 2 trường THCS. Với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”, việc học theo mô hình trường học mới Việt Nam đã tạo không khí lớp học tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện; giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu cải thiện tốt hơn. Học sinh đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc tiếp thu kiến thức, hình thành kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và xử lý tình huống. Giáo viên không mất nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng mà thay vào đó là những bài giảng điện tử được soạn sẵn, cụ thể hóa bằng những hoạt động thực tế, rất gần với cuộc sống hằng ngày nên học sinh luôn nắm chắc, nhớ lâu về kiến thức, tích cực, chủ động, sáng tạo về kỹ năng và mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp.

Việc triển khai mô hình trường học mới Việt Nam, ngoài nâng cao chất lượng dạy và học theo phương pháp mới, các trường thực hiện theo mô hình này còn nhận được sự quan tâm tích cực từ phía các địa phương, nhất là việc đầu tư cơ sở vật chất. Hiện tại, các trường đều được xây dựng cảnh quan nhà trường, bố trí phòng học đảm baỏ diện tích phù hợp với số lượng học sinh. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Ngoài ra, các trường đã có những biện pháp gắn kết chặt chẽ với phụ huynh và cộng đồng cùng tham gia với nhà trường chăm sóc giáo dục học sinh với các hình thức đa dạng, phong phú như: Phối hợp với phụ huynh xây dựng không gian học tập trên lớp, tham gia trực tiếp vào hoạt động giáo dục, dạy học một cách thường xuyên, tham gia nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn một số họat động thực hành trải nghiệm của học sinh theo các chủ đề, phối hợp thực hiện hoạt động ứng dụng tại nhà, tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của con em…từ đó mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh càng được củng cố chặt chẽ hơn.

Mặc dù, ban đầu triển khai mô hình trường học mới trên địa bàn thành phố còn có nhiều khó khăn, bất cập bởi việc thay đổi nhận thức, thói quan cách dạy, cách học cũ sang dạy, cách học mới tiên tiến đòi hỏi có thời gian, đầu tư công phu và đồng bộ. Do đó, một số giáo viên, học sinh và phụ huynh  chưa chuẩn bị tốt tâm thế tiếp nhận. Mặt khác, trong dư luận vẫn còn có những ý kiến trái chiều; một số giáo viên chưa thực sự hiểu bản chất và ý nghĩa của mô hình nên dạy học vẫn rập khuôn theo tài liệu. Bên cạnh đó, nhiều trường việc huy động nguồn lực còn hạn chế, tạo sự trở ngại  cho việc áp dụng và nhân rộng mô hình…Nhưng được sự chỉ đạo của Sở GD-ĐT, sự quan tâm của cấp ủy-chính quyền thành phố và sự quyết tâm cao của Phòng GD-ĐT thành phố, sau gần 3 năm thực hiện mô hình trường học mới Việt Nam, việc daỵ và học đã có bước chuyển biến tích cực. Hầu hết giáo viên đã thực hiện thành công việc chuyển đổi từ vai trò giảng giải, truyền thụ kiến thức sang tổ chức, hướng dẫn học sinh cách học, theo giỏi học sinh tự học; đa số giáo viên đã tập trung vào nghiên cứu nội dung bài học, theo giỏi kiểm soát học sinh tự học, chuẩn bị đồ dùng dạy học phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Riêng đối với các em học sinh yếu được quan tâm nhiều hơn, các em có hứng thú, được thể hiện khả năng của bản thân trước đông người, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp. Đặc biệt, sự hợp tác giữa nhà trường với cộng đồng có bước phát triển mới thông qua cơ chế phối hợp trong giáo dục và đánh giá học sinh, nhiều trường đã có những hình thức, nội dung phối hợp cụ thể, thiết thực, mang lại hiệu quả giaó dục cao. Nhờ vậy, chất lượng dạy và học theo mô hình trường học mới trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh đã được Ngân hàng thế giới là đơn vị hỗ trợ dự án, Bộ  giáo dục và đào tạo, các đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT và các đoàn tham quan học tập của các đơn vị trong và ngoài Tỉnh ghi nhận và đánh giá cao về chất lượng và hiệu quả. Một số trường đã được chọn để các đơn vị trong tỉnh về học tập, trao đổi kinh nghiệm. Trường tiểu học Thạch Linh được lựa chọn làm đơn vị trọng điểm về thực hiện mô hình trường học mới của Tỉnh.

Để đạt kết quả trên, ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, với quan điểm: Thực hiện thí điểm phải đảm bảo được tính hiệu quả, vững chắc, có lộ trình phù hợp, Phòng giáo dục đào tạo thành phố đã lên kế hoạch, lộ trình thực hiện, điều chuyển, bố trí giáo viên, cán bộ đáp ứng yêu cầu triển khai thí điểm. Ngoài ra, trên cơ sở nội dung đã được tập huấn của Bộ, Tỉnh, phòng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cán bộ quản lý các trường với các nội dung liên quan đến mô hình trường học mới. Chỉ đạo các trường rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng các góc học tập, trang trí không gian lớp học  theo hướng thiết thực, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, UBND thành phố đã ban hành công văn 303 về việc triển khai mô hình trường học mới trong các trường tiểu học, THCS, chỉ đạo ngành GD-ĐT, các trường học và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp như: Thực hiện công tác tuyên truyền, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, tổ chức bồi dưỡng, bố trí giáo viên, tổ chức các hoạt động giáo dục theo mô hình trường học mới…Để đánh giá đúng thực chất mô hình trường học mới, Thường trực Thành ủy, UBND thành phố đã trực tiếp kiểm tra việc thực hiện mô hình tại các nhà trường, nắm bắt thực trạng cũng như nhu cầu, nguyện vọng từ cơ sở. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trực tiếp thăm lớp, dự giờ, chứng kiến các hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh …từ đó có sự chỉ đạo cụ thể, sát đúng việc triển khai mô hình trường học mới trên địa bàn thành phố.

Những thành tựu mà mô hình trường học mới Việt Nam đang áp dụng tại các trường là bước đệm trong công cuộc cải cách giáo dục toàn diện ở cả nước nói chung và giáo dục của thành phố nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Từ thành công bước đầu của việc triển khai trường học mới, hiện nay ngành Giáo dục đào tạo thành phố Hà Tĩnh đang quyết tâm bắt đầu từ năm học 2016-2017 sẽ triển khai mô hình trường học mới tại 100% trường học trên địa bàn thành phố./

Bài, ảnh: Thúy Hằng – Đình Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP