Trong nước

Gấp rút xây dựng chiến lược thực phẩm cho KKT Vũng Áng

Với một địa bàn giàu tiềm năng về đất đai, lao động; người dân phần lớn sống dựa vào sản xuất nông nghiệp như tỉnh ta, rõ ràng việc bỏ trống thị trường thực phẩm rộng lớn từ KKT Vũng Áng là một nghịch lý.


> Thực phẩm cho KKT Vũng Áng: Bỏ ngỏ thị trường tiềm năng!


Xây dựng chiến lược phục vụ hậu cần lương thực, thực phẩm cho địa bàn này với một quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đang là yêu cầu cấp thiết, vừa để giữ lấy thị trường “sân nhà” vừa tăng tính hấp dẫn của KKT trọng điểm quốc gia.


Giữ thị phần thực phẩm ở “sân nhà”


Có thể nhìn thấy điểm yếu của nền sản xuất nhỏ Kỳ Anh – địa bàn đứng chân KKT Vũng Áng, ngay ở việc phát triển các sản phẩm chủ lực. Thiếu chiến lược và chính sách đầu tư, đã thể hiện ở sản phẩm có lợi thế thị trường rõ nét nhất là rau, củ, quả. Cả huyện mới chỉ có duy nhất vùng sản xuất rau tập trung ở xã Kỳ Hoa với đầy đủ các yếu tố về chất đất, nguồn nước, tiềm năng đất đai cho sản xuất rau an toàn với quy mô diện tích lớn.


Thế nhưng, qua nhiều năm hoạt động, vùng đất này vẫn chỉ khai thác được 3 ha với sự tham gia của 30 hộ dân. Bà Nguyễn Thị Thúy Văn – Chủ nhiệm HTX rau an toàn thôn Hoa Đông cho biết, hiện mỗi ha rau của HTX cho thu nhập 160 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, rau sản xuất ở vụ đông xuân (bắt đầu từ tháng 11 đến đầu tháng 4) vẫn chưa mang lại hiệu quả tương xứng do điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Nhiều năm qua, HTX đã đề xuất có được sự hỗ trợ từ Nhà nước cùng với nội lực của các xã viên để đầu tư hệ thống nhà lưới phục vụ cho việc trồng rau nhưng chưa thực hiện được. Bởi vậy, sản phẩm làm ra số lượng không ổn định, chủng loại đơn điệu, chủ yếu tiêu thụ nhỏ lẻ ở chợ, chưa hình thành được đầu mối cung ứng thường xuyên để phục vụ nhu cầu thực phẩm của KKT Vũng Áng.


Đối với sản phẩm gia súc, gia cầm ở Kỳ Anh, những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ với việc hình thành các cơ sở, HTX, tổ hợp tác chăn nuôi với quy mô lớn. Đặc biệt, mô hình liên kết chăn nuôi lợn với các doanh nghiệp (DN) lớn đang hình thành vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến súc sản ở Kỳ Anh. Tuy nhiên, quy mô đàn gia súc, gia cầm ở Kỳ Anh còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng. Sản lượng thịt hơi trâu, bò, lợn xuất chuồng năm 2012 đạt 6.850 tấn, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.


Tiếp xúc với các nhà đầu tư ở KKT Vũng Áng, hầu hết họ đều bày tỏ quan điểm sẵn sàng dành sự ưu tiên về tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện. Bởi vậy, việc xây dựng và có lộ trình, giải pháp quyết liệt phát triển các sản phẩm chủ lực gắn với nhu cầu thực phẩm cho KKT Vũng Áng là việc cần phải tập trung cao ở Kỳ Anh.


Khai thác tiềm năng sản xuất nông nghiệp để chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ nông sản ở KKT Vũng Áng, ngoài địa bàn Kỳ Anh còn phải nhìn xa hơn ở toàn tỉnh với sự đầu tư thỏa đáng cho các vùng sản xuất hàng hóa hiện có và xây dựng chiến lược dài hơi cho mục tiêu hậu cần thực phẩm ở thị trường giàu tiềm năng. Hiện Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh đang triển khai dự án xây dựng và giết mổ gia súc tập trung và chế biến thực phẩm tại KKT Vũng Áng với công nghệ tiên tiến để cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Nhà máy chế biến súc sản có công suất giết mổ 1.000 con/ngày và chế biến 12 tấn/ngày khi đi vào hoạt động sẽ là địa chỉ cung ứng sản phẩm tin cậy cho KKT Vũng Áng. Bên cạnh đó, dự án “Xây dựng mô hình rau, củ, quả công nghệ cao cho vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh” với tổng diện tích 150 ha đang mở ra cơ hội sản xuất sản phẩm rau, củ, quả có số lượng lớn, an toàn, chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn cung ứng cho những thị trường lớn. Có thể nói, những chương trình, dự án quy mô lớn như vậy được triển khai gắn với chiến lược sản xuất thực phẩm hậu cần cho KKT Vũng Áng nói riêng, các khu công nghiệp nói chung là không còn sớm so với tốc độ phát triển CN, TM-DV ở tỉnh ta hiện nay.


Phát triển mạng lưới cung ứng


Vươn tới những thị trường lớn, ngoài những khó khăn nội tại của ngành nông nghiệp, đường đi của nông sản còn vướng một lực cản lớn là thiếu hụt hệ thống mạng lưới cung ứng để nối sợi dây liên kết từ người sản xuất đến nhà tiêu thụ.

Thực phẩm cho KKT Vũng Áng: Bỏ ngỏ thị trường tiềm năng!

Đại lý cung cấp rau, củ, quả ở chợ thị trấn Kỳ Anh với hơn 90% mặt hàng phải nhập từ ngoại tỉnh.

Ông Diệp Phong Khánh – nhân viên quản lý nhà bếp Công ty FORMOSA cho biết, ngay khi bắt tay vào triển khai hoạt động nhà bếp với quy mô hàng ngàn suất ăn/ngày, Công ty mong muốn tìm kiếm và ký kết hợp đồng với một đối tác cung ứng lương thực, thực phẩm một cách chuyên nghiệp nhưng ở địa bàn Hà Tĩnh không có các DN hoạt động ở lĩnh vực này. “Khi dự án mới bắt đầu hoạt động, chúng tôi đã ký kết với Siêu thị Co.opmart về việc cung ứng các sản phẩm lương thực, thực phẩm cho Công ty FORMOSA. Tuy nhiên, đến đầu năm 2013 này, chúng tôi đã chuyển sang đối tác mới là Siêu thị Metro ở Vinh vì đơn vị này có nhiều yếu tố cạnh tranh hấp dẫn hơn.


Thiếu thông tin và năng lực tiếp cận những thị trường lớn đang là một điểm “nghẽn” trong việc mở rộng quy mô sản xuất ở những vùng rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh. Thực tế này đang diễn ra ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà) – địa phương có diện tích rau, củ, quả tập trung lớn nhất tỉnh hiện nay. Với 40 ha rau an toàn với nhiều chủng loại phong phú, hiện nay, xã mới chỉ tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm duy nhất là bí xanh, còn lại đang bấp bênh bài toán tiêu thụ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thìn cho biết, vừa rồi, Chủ nhiệm HTX sản xuất rau, củ, quả Hoàng Hà đã vào KKT Vũng Áng để tìm thị trường nhưng chưa kết nối được. Xã mong muốn các ngành chức năng hỗ trợ vùng rau Tượng Sơn hợp tác với các bếp ăn lớn ở KKT Vũng Áng để tìm địa chỉ tiêu thụ ổn định cho sản phẩm. Tượng Sơn còn 60 ha đất có khả năng trồng rau, củ, quả sạch và người dân ngày càng gắn bó với nghề, mong muốn được mở rộng diện tích. Tuy nhiên, xã chưa mạnh dạn đẩy mạnh hướng đi này do chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài.


Như vậy, trong quá trình xây dựng mạng lưới tiêu thụ, ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ DN tham gia liên kết với nông dân từ quá trình sản xuất đến bao tiêu nông sản, còn cần phải tập trung hỗ trợ nông dân chủ động kết nối thị trường. Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh các chính sách khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX và tiếp sức cho nông dân ứng dụng KHKT, nâng cao năng suất, sản lượng sản phẩm, vấn đề quan trọng không kém là các ngành chức năng sát cánh cùng họ trong việc xúc tiến thị trường và áp dụng quy trình sản xuất, chế biến đảm bảo ATVSTP, đáp ứng yêu cầu của các đối tác lớn.


Chị Nguyễn Thị Hoa – Chủ nhiệm HTX Khởi nghiệp Thạch Đài cho biết: Từ năm 2008, HTX đã đăng ký với các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục để được công nhận cơ sở sản xuất đảm bảo ATVSTP và kiểm dịch sản phẩm từ động vật. Nhờ đó, sản phẩm của HTX đến nay đã vươn tới các siêu thị ở Nghệ An, một số bếp ăn trường học và bước đầu sản phẩm trứng gia cầm đã được nhà ăn của Công ty FORMOSA sử dụng. “Thủ tục để có đủ tư cách pháp lý cho việc tiêu thụ rộng rãi trên thị trường không khó, tuy nhiên, đòi hỏi sự đầu tư khá bài bản từ cơ sở hạ tầng sản xuất đến quy trình sản xuất, giết mổ, bảo quản sản phẩm. Cũng từ đó, khi ra thị trường, giá sản phẩm của HTX chúng tôi nhích lên cao hơn các địa chỉ không có giấy kiểm dịch sản phẩm khác. Bởi vậy, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, không chỉ các hộ sản xuất nhỏ mà các tổ hợp tác, HTX cũng ngại tiếp cận quy trình này” – chị Hoa chia sẻ.


Ông Trần Nhật Tân – Giám đốc sở Công thương: Cần có chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thương mại


Để các sản phẩm nông nghiệp của địa phương tiếp cận được với siêu thị, nhà hàng, khách sạn hay bếp ăn tập thể một cách “chính danh“, tỉnh cần có chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thương mại, từng bước xây dựng các loại hình doanh nghiệp chủ yếu như: công ty mẹ – con; công ty thương mại; công ty hoặc HTX kinh doanh chợ; công ty sản xuất – chế biến – tiêu thụ hàng nông sản – thực phẩm… Khuyến khích các hộ kinh doanh trên thị trường nông thôn cải tạo, chuyển đổi các cửa hàng kinh doanh theo kiểu truyền thống, cửa hàng tiện lợi… phát triển thành doanh nghiệp/HTX, từng bước ứng dụng mô hình chuỗi phân phối bán lẻ.


Ông Phan Văn Dũng – Trưởng phòng quản lý chất lượng nông sản, Sở NN&PTNT: Đảm bảo điều kiện sản xuất, chế biến an toàn là điều kiện “cần“ để xây dựng thương hiệu


Những năm gần đây, các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh đều tăng cao và đã có nhiều địa phương áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn (Viet GAP). Tuy nhiên, để được công nhận là nông sản “sạch”, nông sản an toàn, các cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá về quy trình sản xuất, cơ sở vật chất để thu mua – chế biến và chất lượng nông sản hàng hóa… từ đó, cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến an toàn. Với giấy chứng nhận này, sản phẩm của cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản mới được khẳng định bảo đảm VSATTP, đáp ứng điều kiện “cần” để xây dựng thương hiệu nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, nhất là với khách hàng ngoài nước.


Ông Văn Quốc Hoàng – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh: Kênh phân phối sẽ mở rộng hơn nếu có sự tham gia của các sản phẩm nông nghiệp địa phương


Hiện nay, trên 90% sản phẩm rau, củ, quả tại Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đều phải nhập từ Đà Lạt – nơi có nguồn cung cấp lớn, đa dạng mặt hàng và đảm bảo tiêu chuẩn VietGap. Chúng tôi rất muốn nhập nhiều sản phẩm nông sản của địa phương để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh với các đơn vị ngoại tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm nông sản của địa phương chưa phong phú, đa dạng; và đặc biệt, hầu hết các cơ sở sản xuất nông sản chưa có chứng nhận sản xuất, chế biến an toàn. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.



Mai thủy – Thanh Hoài

Báo Hà Tĩnh

  Từ khóa: Bỏ ngỏ , tiềm năng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP