Người đương thời

Gặp lại người con gái sông La

Giữa không khí tưng bừng chào mừng Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng tôi về Đồng Lộc thăm lại “người con gái sông La” – nữ Anh hùng lực lượng vũ trang La Thị Tám.

Hơn 40 năm về trước, chị đã được biết đến như một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại.

Thời oanh liệt

Sinh năm 1944 trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, cha mất sớm, La Thị Tám phải nghỉ học đi làm. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, năm 1967, cô gái trẻ La Thị Tám viết đơn tình nguyện vào miền Nam chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Ngày ấy, chị được phân công vào đơn vị C2 chủ lực thuộc ngành Giao thông vận tải Hà Tĩnh, tham gia đảm bảo giao thông thông suốt để chi viện kịp thời sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường miền Nam.
Chị La Thị Tám bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm ấy, Đồng Lộc trở thành một “ túi bom” tuyến 15A, là “ yết hầu” của mọi tuyến đường ra Bắc, vào Nam. Vì thế, kẻ địch xác định phải huỷ diệt nhằm cắt đứt hoàn toàn việc vận chuyển, chi viện của hậu phương miền Bắc. Hòng ngăn cản lực lượng ra lấp hố bom thông đường cho xe qua, chúng trút xuống mảnh đất này đủ loại bom phá, bom nổ chậm, bom sát thương… cả ngày lẫn đêm khiến đất Đồng Lộc nhão thành những bãi bùn mênh mông. Thế nhưng lực lượng thanh niên xung phong với khí thế “3 sẵn sàng”, tinh thần “5 xung phong”, với ý chí dám xả thân vì nghĩa lớn nên ai cũng tâm niệm một điều: “Giặc phá một thì ta làm mười. Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”… Cứ như vậy, chị cùng đồng đội quyết tâm bám đường, bám cầu để bảo đảm cho xe thông tuyến.
Trong những ngày tháng chiến đấu đó, nhiệm vụ mà chị Tám đảm nhiệm hết sức nguy hiểm, ngày đêm đối diện với cái chết. Chị luôn đứng trên đồi cao, phía trái ngã ba Đồng Lộc vào những ngày máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom trút xuống. Chị phải nhìn thật tinh và hết sức tập trung xem có bao nhiêu quả đã rơi, bao nhiêu quả đã nổ, những quả chưa nổ thì rơi ở khu vực nào, để khi máy bay đi khỏi thì chạy đến đánh dấu mục tiêu, chờ công binh đến rà phá cho xe vượt “ chảo” bom. Hiện lên giữa bom đạn mù trời là hình ảnh người con gái dũng cảm, kiên trung, cái sống và cái chết thật mong manh mà miệng vẫn luôn nở nụ cười. Đoàn xe nào đi qua khu vực này cũng được nghe kể về người con gái trung kiên ấy…
Nhớ lại những ngày tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng, chị Tám vẫn chỉ cười giản dị: “Nhiệm vụ là trên hết mà. Lúc đó, chúng tôi không có thời gian nghĩ về cái chết. Cả một thế hệ đều nghĩ rằng, nếu có mất mát, hy sinh, ấy là vì Tổ quốc!”. Người con gái nhỏ bé, nhưng rất đỗi phi thường ấy, ghi lại rõ ràng trong bản thành tích: Đếm và đánh dấu 1.502 quả bom các loại. Sau này chính nhà thơ Xuân Hoài cũng phải thốt lên: “Hố bom nhiều đố ai đếm được/ Con đường nghiêng như tấm ván nghiêng/ Gác trên miệng hố bom khấp khểnh… mỗi ngọn cờ từ bàn tay em/ Cắm chỉ đường có bom chậm nổ/ Khi xe đi qua đã thành vô số/ Những lá cờ bay lên chiến công… Những ngọn đồi bất khuất không tên/ Đỉnh cao nào của La Thị Tám?/ Đỉnh nào cũng cao hơn bom đạn/ Cũng cao hơn mưu chước quân thù…”. Cảm phục, mến yêu người con gái – đỉnh cao Đồng Lộc – nhà thơ Lê Duy Phương đã viết tặng: “Tuổi của em đã có bao nhiêu/ Mười chín, hai mươi nắng hồng đôi má/ Em làm lính canh đứng trên sỏi đá/ Đất trời gọn trong mắt em…”. Người con gái 20 tuổi ấy, hằng ngày khoác tấm vải dù, tay cầm ống nhòm đứng vắt vẻo trên chiếc chòi dựng tạm bên sườn núi như một người canh trời để làm nhiệm vụ trong 5 năm (1967 – 1972). Nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Bảo có lần hỏi chị Tám: “Có sợ không?” thì chị cười: “Sợ gì! Nó ở bên kia bán cầu sang ném bom giết hại dân mình thì phải đánh chứ!”.
Dũng cảm trong chiến đấu, chị được nhận được nhiều bằng khen và Huân chương Chiến công hạng Nhất. Cuối năm 1968, chị La Thị Tám vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng Huy hiệu của Người. Ngày 22/12/1969, chị được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vực trang nhân dân, khi mới tròn 22 tuổi.

Năm 1970, trong một lần đi công tác, nhạc sĩ Doãn Nho đã tận mắt được thấy quả đồi nơi chị La Thị Tám hằng ngày đứng đếm số bom mà quân thù trút xuống mảnh đất này. Từ cảm xúc về vùng đất anh hùng, bài hát “Người con gái sông La” ra đời và ca sĩ Tường Vi là người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này với những giai điệu tha thiết: “Em vừa 18 tròn đẹp như xuân sang/ Em chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết, dáng em hiên ngang/ Em là chồi biếc của mùa Xuân Việt Nam”. Mùa đông năm 1970, khi nghe được bài hát này, chị La Thị Tám đã xúc động khóc. Chị kể lại: “Tôi nhận ra đó là tập thể, là đồng đội của mình, những người con gái Quân khu IV vốn kiên cường, bất khuất. Tôi chỉ thay mặt họ “xuất đầu lộ diện” một tí thôi”. Cách đây mấy năm, khi Đài PTTH Hà Tĩnh tổ chức chương trình ca nhạc “Âm vang sông La”, chị Tám mới có cơ hội được hội ngộ nhạc sỹ Doãn Nho và đó là “cuộc gặp đầy cảm động mà có lẽ trong đời mình không bao giờ quên được” chị Tám thổ lộ.
Trở về đời thường

Anh hùng La Thị Tám đang kể về đồng đội. Ảnh: TG



Năm 1974, chị Tám trở về thị xã Hà Tĩnh công tác tại cơ quan Dân Chính Đảng. Từ giã cây súng ở chiến trận, chị lại cầm phấn và tiếp tục truyền ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, khẳng định niềm tin, lý tưởng, con đường đi lên CNXH cho những quần chúng ưu tú khao khát đóng góp, cống hiến. Một lần nữa, chị lại khẳng định mình nhưng không phải trên chiến trường trực diện với quân thù khốc liệt mà bằng tư tưởng, hành động, tấm gương thông qua những bài giảng, bài nói chuyện, việc làm, tấm gương, lối sống mẫu mực hàng ngày. Chị tìm thấy niềm vui, đắm đuối yêu nghề và gắn bó với công việc này suốt gần 20 năm.
Chiến tranh làm cho con người xa nhau, nhưng nhiều khi cũng là điều kiện để người ta tìm đến nhau, hiểu nhau và sẻ chia… để rồi xây đắp hạnh phúc dài lâu. Cũng sau cái ngày rời khỏi chiến trường mưa bom bão đạn ấy, rồi không biết trời se duyên thế nào mà cô gái Vĩnh Lộc (Can Lộc) lại gặp và nên duyên với chàng trai Hà Linh (Hương Khê). Chồng chị cũng từng rong ruổi khắp chiến trường miền Nam, nhiều lần bị thương rồi phục viên trở về địa phương. Sau chiến tranh, phải đối mặt với nhiều thử thách, những tính toán, lo lắng cho cuộc sống thường ngày với cơm áo, gạo tiền… nhưng ở họ vẫn toát lên tình yêu trong sáng, chân thành, hạnh phúc để vượt qua thử thách. Mấy mươi năm chịu cảnh “ cơm niêu nước lọ” trong căn nhà tập thể chật hẹp, thiếu thốn, mãi đến năm 1993, vợ chồng chị mới cất được ngôi nhà nhỏ 2 gian ở tổ 10 phường Nam Hà, đường Nguyễn Biểu, thành phố Hà Tĩnh. Con cái chị đều ngoan ngoãn và đang học tập, công tác tại Hà Nội. Con gái đầu Phạm Thị Tuyết Trinh (sinh năm 1983) hiện đang công tác tại Trung tâm Thông tin (Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội). Con thứ Đặng Thế Anh (sinh năm 1987) hiện đang học Thạc sĩ kinh tế. Cả hai đều giỏi giang và đang say mê theo đuổi sự nghiệp học hành.

Vẫn biết cuộc sống ở Thủ đô đầy khó khăn, áp lực – là môi trường cần thiết để các con mình được thử thách và trưởng thành song trong lòng người mẹ ấy không bao giờ hết nỗi lo toan. Những lo lắng thường nhật ấy lại làm chị băn khoăn, trăn trở hàng đêm. Trái tim giàu tình yêu thương, hi sinh nhưng cũng rất mạnh mẽ, quyết đoán tạo cho chị sự lạc quan, yêu đời và tin tưởng vào tương lai của các con. Chị bảo, con cái chính là tài sản vô giá, là niềm tự hào, hạnh phúc lớn nhất của anh chị.
Mấy mươi mùa xuân đã trôi qua, cô Tám ngày nào “đôi mắt trong tựa ngọc/ đôi giọt nước sông La” giờ đã bước sang tuổi 56 nhưng vẫn khuôn mặt hiền từ, phúc hậu, sống gần gũi, chan hoà với bà con lối xóm. Một chị Tám của quá khứ vẫn vẹn nguyên giữa đời thường, giản dị, chân thực, khiêm tốn và rất đỗi kiên cường, rắn rỏi đến diệu kỳ.
Bây giờ có ai gợi lại chuyện quá khứ, bao giờ chị cũng nói rằng: “Vinh quang, công lao thuộc về tập thể”. Đúng vậy, có ai đó đã từng nói, chiến tranh luôn là một thử thách đối với thế hệ trẻ, làm bộc lộ phẩm chất và năng lực hành động của những con người trẻ tuổi trước vận mệnh sống còn của Tổ quốc, của nhân dân. Chị Tám nói, thời ấy là thế, biết là có thể hy sinh bất cứ lúc nào nhưng không cho phép bất cứ ai được đắn đo chần chừ, mà chỉ tìm mọi cách để hoàn thành tốt nhiệm vụ tập thể giao…
Và hôm nay, chị nhắc tới đồng đội như một phần máu thịt trong cuộc sống của mình, lòng chị lại thổn thức, nghẹn ngào trào dâng đến lạ lùng. Dẫu là thế hệ con cháu nhưng tôi hiểu, sự xúc động của chị càng tôn thêm phẩm chất anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong thời chống Mỹ.

Hồ Hà

Gia Đình

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP