Tin Hà Tĩnh

Gặp lại cựu binh 3 lần được gặp Bác Hồ

Trở về sau chiến tranh với rất nhiều vết thương trên cơ thể, nhưng cựu binh Trương Xuân Bái vẫn luôn sống lạc quan, tích cực tham gia xây dựng gia đình, phát triển quê hương.

Cựu binh Trương Xuân Bái bên cạnh những huân, huy chương cao quý được Đảng và Nhà nước trao tặng

Kỷ niệm 3 lần được gặp Bác Hồ với những kỷ vật vô giá luôn được ông Bái giữ gìn, kể lại để giáo dục cho con cháu với lòng tự hào vô tận.

Vận động hiến đất làm đường

Giữa cái nắng gắt đầu hè, trong căn nhà nhỏ ở xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh, cựu chiến binh (CCB) Trương Xuân Bái (SN 1931, trú tại xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh) cùng người vợ 78 tuổi luôn quấn quýt bên nhau: Ông hái rau, bà nhổ cỏ; ông chăm đàn gà, bà quét dọn…

“Hai con trai sống trong miền Nam cứ nằng nặc đòi đưa bố mẹ vào để chăm sóc nhưng tôi nói với các con, bố lấy mẹ đến nay là đã 60 năm thì có đến 20 năm bố biền biệt vì chiến tranh, đặc biệt là hơn 10 năm làm nhiệm vụ ở Lào và Thái Lan gia đình không hề biết một thông tin gì. Giờ bố chỉ muốn ở quê hương, chăm sóc mẹ”, ông Bái nói.

"Bác Trương Xuân Bái là một đảng viên xuất sắc, là một tấm gương tiêu biểu về tuổi cao gương sáng ở địa phương. Có được 64 nghìn m2 đất làm giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng để xã về đích nông thôn mới đúng chỉ tiêu, kế hoạch một phần là nhờ những tuyên truyền viên xuất sắc như bác Bái. "

Ông Nguyễn Tuấn Anh
Chủ tịch UBND xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Xô Viết cách mạng, năm 20 tuổi, chàng trai trẻ Trương Xuân Bái đã giấu gia đình đi tuyển quân và được chọn vào Trung đoàn 44 của Bộ Quốc phòng đóng quân tại Yên Thành (Nghệ An). Rồi ông được bổ sung quân vào Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 (đóng tại Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Năm 1977, ông Bái rời quân ngũ về quê làm Đội trưởng Hợp tác xã Dệt thảm xuất khẩu sang Liên Xô (cũ) của xã. Sau đó, thêm 4 năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thanh Tiến, xã Thạch Môn. Năm 1986, nhận thấy tuổi mình đã cao, sức khỏe yếu, ông xin rút và giới thiệu những người trẻ tuổi đem sức khỏe, nhiệt huyệt vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Mặc dù vậy, ông Bái vẫn năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động của địa phương. Đặc biệt, là phong trào hiến đất làm nông thôn mới.

Để người khác nghe và làm theo, năm 2014, gia đình ông xung phong hiến 25m2 để mở rộng đường. “Có những người là bạn mình, thường xuyên sang nhà mình xuống nước nhưng vận động mãi vẫn không chịu hiến đất. Thế là mình lại sang nhà họ, vận động cả con cháu, bạn bè khác tác động thêm họ mới chịu. Hiến đất, mở rộng đường cho đẹp, để đi lại thuận lợi, dễ dàng hơn là việc làm không chỉ cho mình mà cho con cháu”, ông Bái kể.

Kỷ vật vô giá

Dù đã tuổi cao sức yếu, cộng với thời gian rời quân ngũ đã lâu nhưng mỗi câu chuyện về cuộc đời lính vẫn in đậm trong trí nhớ của ông. Đó là 40 trận đánh lớn nhỏ, trong đó có trận đánh lên đồi A1 để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu - chấn động địa cầu”. Đó là lời hứa với đồng đội Bế Văn Đàn (người lấy thân mình làm giá súng) nhưng chưa kịp thực hiện trước trận đánh Mường Pồn: “Mong đánh xong trận này, tao sẽ về quê mày chơi, rồi đi ra Nghệ An thăm quê Bác Hồ”.

Tự hào, vinh dự nhất đời lính cựu binh Trương Xuân Bái là 3 lần được gặp Bác Hồ và mỗi lần gặp Bác, ông đều có những kỷ vật để lưu giữ. Cẩn thận gỡ tấm ảnh đen trắng trong chiếc tủ tường, ông Bái nói: “Tấm ảnh này là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Người bằng xương, bằng thịt”. Đó là vào cuối năm 1957, Bác Hồ đi thăm các nước CNXH về. Ông Bái là 1 trong 120 người được cử đi bảo vệ Bác từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội) về Phủ Chủ tịch.

Sau lần ấy, ông còn được gặp Người thêm 2 lần nữa và đáng nhớ nhất là lần được Bác Hồ trò chuyện, tự tay Người trao tặng quà. Món quà mà suốt mấy chục năm qua, ông luôn nâng niu, gìn giữ cẩn thận và treo ở nơi trang trọng nhất trong căn nhà nhỏ.

Đặt tay lên chiếc áo kỷ vật, giọng ông bồi hồi: “Tháng 3/1958, tôi được chọn là Chiến sỹ tiêu biểu của Đại đoàn 316 tham gia Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc tại Phú Thọ. Tại đây, Bác Hồ đã tự tay tặng chiếc áo sơ mi lụa với dòng chữ “Tặng cháu Trương Xuân Bái - Chiến sỹ thi đua toàn quân. Đơn vị Đại đoàn 316 - 15/3/1958. Hồ Chí Minh”. Trước khi ra về, Người nắm chặt tay chúng tôi dặn dò: “Các cụ già Bác thường may kiểu áo bà ba, nhưng các cháu thanh niên Bác tặng áo sơmi. Bác mong các cháu phấn đấu và đạt nhiều thành tích cao hơn nữa”.

Ngoài ra, cựu binh Trương Xuân Bái còn có rất nhiều kỷ vật chiến tranh khác. Riêng áo bông chiến sĩ và một số kỷ vật chiến tranh ông trao tặng cho Bảo tàng Hà Tĩnh lưu giữ. Ông còn thường xuyên đến các trường tiểu học ở địa phương nói chuyện với học sinh về lịch sử để khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc và quyết tâm xây dựng nước nhà giàu mạnh cho thế hệ trẻ.

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP