Tin trong nước

Gần 90% người dân hài lòng về sự phục vụ của công chức

Theo khảo sát, tỷ lệ người dân cảm thấy hài lòng về sự phục vụ của công chức từ 74,3%-87,2%.

Theo khảo sát, tỷ lệ người dân cảm thấy hài lòng về sự phục vụ của công chức từ 74,3%-87,2%.

Tại hội nghị đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) sáng 14/3, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết bắt bầu từ năm 2017, các bộ ngành, địa phương sẽ triển khai chỉ số SIPAS đồng bộ trên cả nước.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng với các thủ tục hành chính đạt từ 73,5%-88,7% trong đó thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt tỷ lệ hài lòng thấp nhất và thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn đạt tỷ lệ cao nhất. Đặc biệt, tỷ lệ người dân hài lòng về sự phục vụ của công chức từ 74,3%-87,2%.

Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết một trong các mục tiêu quan trọng đối với công tác cải cách hành chính giai đoạn 2016 -2020 Chính phủ đặt ra là bảo đảm sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 60% vào năm 2015 và trên 80% vào năm 2020.

“Nếu không triển khai bây giờ thì đến năm 2020 không thể trả lời được câu hỏi bao nhiêu người dân hài lòng”, ông Nhân nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, kết quả sự hài lòng của người dân, tổ chức phản ánh khá trung thực bức tranh về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính ở những lĩnh vực, thủ tục được triển khai.

“Việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đang có tác động làm thay đổi tư duy, phương pháp giải quyết công việc của cơ quan hành chính nhà nước theo hướng lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức để phục vụ người dân, tổ chức ngày càng tốt hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc đo sự hài lòng của người dân còn tác động nâng cao nhận thức, tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức vào quá trình ra quyết định của cơ quan hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý còn một số khó khăn, hạn chế đáng quan tâm. Cụ thể như việc lãnh đạo, công chức ở nhiều cơ quan, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc dân “chấm điểm” chính quyền. Hay việc người dân, tổ chức chưa được thông tin, tuyên truyền đầy đủ nội dung, kết quả của việc đo lường sự hài lòng, dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ, còn e ngại tham gia hoặc tham gia không đầy đủ, khách quan vào việc chấm điểm chính quyền nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng khảo sát…

Anh Thư/Theo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP