Nhân ái

"Em nghĩ số mình xui rủi nhận nuôi nó, nên nó cũng xui rủi theo!"

Mới sinh được 3 ngày tuổi, Thắng đã bị mẹ bỏ rơi ở nhà chị Trang. Nghĩ mình không chồng con, chị Trang quyết định nuôi Thắng để về già có người chăm nom. Ai ngờ Thắng phát bệnh ung thư máu, chị Trang cố gắng chạy chữa cho con, gia sản đã bán hết mà bệnh của Thắng vẫn còn đang mang…

Không cha, mẹ bỏ rơi, bé 2 tuổi còn mắc bệnh ung thư

Chị Trương Thị Thùy Trang (sinh năm 1973, ngụ tại ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang ) vốn không chồng, không con. Năm 2015, làm ăn thất bại nên chị về ở nhờ nhà cha mẹ ở xã Tà Đảnh, xin dựng cái chái bên hông nhà để nương thân. Năm đó, cô gái trẻ tên T. vốn là người quen biết khi chị Trang còn kinh doanh vựa cây kiểng cũng đến xin ở nhờ cùng chị Trang vì bụng mang dạ chửa mà không dám về nhà.

Chị Trang kể: “Nó ra thành phố bán quán cà phê mà nói dối chồng con, cha mẹ ở nhà là đi làm công nhân. Rồi nghe lời đường mật của người ta, ăn ở có thai rồi người ta bỏ. Nó không dám mang cái thai về nhà vì sợ cha giết nên đến nhà em nương tựa. Nghĩ tình chị em quen biết, thấy phận nó cũng quá khổ nên em cũng giúp nuôi nó mấy tháng gần sinh”.

Sinh xong được 3 ngày thì T. bỏ đi, để lại đứa con trai còn đỏ hỏn. Chị Trang báo chính quyền địa phương, tính đưa lên trung tâm nuôi trẻ mồ côi để nuôi nhưng nghĩ mình đã lớn tuổi, sống đơn thân nên chị xin để mình nhận bé làm con nuôi, sau này có người chăm sóc tuổi về già. Đó là bé Trương Hữu Thắng (sinh ngày 11/11/2015).

Mong có đứa con đỡ đần lúc tuổi già, ai ngờ bé Thắng bệnh tật triền miên

Từ lúc sinh ra, hầu như bé Thắng ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà

Ai ngờ nuôi bé được vài ngày thì bé Thắng bệnh liên miên, chị Trang đưa cháu đi chạy chữa khắp nơi mà không khỏi. Đến tháng 7/2016 thì cháu bệnh nặng hơn, nôn ói, đi cầu và sốt liên tục. Thấy không thuyên giảm, bệnh viện đa khoa An Giang đã cho chuyển Thắng lên bệnh viện Nhi đồng điều trị. Sau khi điều trị triệu chứng, xét nghiệm hoàn tất, các bác sĩ tại đây xác định bé Thắng bị bệnh bạch cầu có loại tế bào không xác định (ung thư hệ tạo huyết) nên chuyển sang bệnh viện Ung bướu TPHCM để điều trị.

Chị Trang tâm sự: “Em cũng muốn có 1 đứa trẻ cho vui cửa vui nhà, ai ngờ đâu đã khổ lại càng thêm khó!”.

Mới ra đời, Thắng đã bị cha mẹ bỏ rơi, rồi lại bị bệnh tật hành hạ liên miên

Chỉ mong nó khỏe cho lòng bình an

Những ngày nhận nuôi bé Thắng cũng là những ngày mà chị Trang làm ăn thất bại, phải bán nhà để trả nợ. Do đó, khi bé Thắng bệnh, đi viện không có giấy tờ gì để bệnh viện miễn giảm viện phí nên chị Trang phải nhờ em trai là Trương Văn Thơm đứng tên làm cha của bé để làm giấy khai sinh và nhập khẩu vào nhà của anh Thơm. Nhờ đó, bé Thắng mới có được thẻ bảo hiểm y tế dành cho trẻ em để đeo đẳng những tháng ngày dài đi qua các bệnh viện từ tuyến huyện, lên tuyến tỉnh rồi chuyển đến Ung bướu TPHCM.

Dù có bảo hiểm y tế dành cho trẻ em nhưng hơn 2 năm trời đi lại, đeo đẳng điều trị cho bé Thắng đã khiến chị Trang kiệt quệ. Chưa kể đến những liều thuốc đặc trị ngoài danh mục với giá hàng triệu đồng thường phải khiến chị Trang đi vay nóng khắp nơi mới có để vào cho con. 2 năm điều trị cho bé Thắng khiến chị nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con.

Dẫu nợ nần chồng chất, chị vẫn cố gom góp hết những gì có thể để chữa chạy cho bé, mong được an lòng

Chị Trang kể: “Từ ngày ôm nó đi viện đến nay em cũng có làm ăn buôn bán được gì đâu, vì cứ đi viện nửa tháng, về nhà nửa tháng lại phải lên viện. Nên những ngày được về nhà em làm các công việc thời vụ như làm cá để phơi thành khô ăn theo sản lượng, khi hết việc thì xin ứng hàng quần áo của chị em bạn hàng quen để đi bán rong ở các chợ trong xã… Việc gì em cũng làm, gom góp được vài ba triệu lại bắt xe đưa con lên thành phố chữa trị. Ăn thì có cơm từ thiện, có tiền thì thuê phòng trọ, không có thì xin bảo vệ ở gầm giường bệnh, cầu thang hay xuống sân bệnh viện nằm… Cái gì tiết kiệm được thì em tiết kiệm để dành tiền vào thuốc cho con”.

Nhờ sự kiên trì của chị mà Thắng đã thuyên giảm phần nào, chuyển sang giai đoạn duy trì. Thế nhưng, sau 2 năm dài đeo đẳng chữa bệnh cho con, đến nay chị Trang đã kiệt quệ, nợ nần nhiều đến nỗi không còn chỗ để vay. Nên dù Thắng vẫn phải vào thuốc định kỳ trong giai đoạn duy trì nhưng vì không có tiền nên thường chị phải ráng, lố ngày đi tái khám cho con. Nhiều lúc bé quá đau, quá mệt vì thiếu thuốc mà không tiền đi chữa, chị cắn răng ôm con mà khóc…

Nhìn con đau đớn vì thiếu thuốc mà chị Trang nghẹn ngào

Đơn xác nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Trang

Nhìn đứa con nhỏ đã lên 3 mà nhỏ choắt, ốm o và đầy vết kim tím bầm trên tay chân, chị Trang nghẹn ngào tâm sự: “Em cứ nghĩ chắc số mình xui rủi mà nhận nuôi nó nên nó xui rủi theo chớ đứa nhỏ mới sinh ra thì có tội tình gì đâu. Nhiều lúc em cầu mong cho con khỏe thì trời có làm gì em cũng chịu, nhưng đâu phải mình cầu là được đâu anh. Nghèo thì đã nghèo, khổ cũng đã khổ rồi, có khổ hơn được nữa đâu. Em chỉ mong mình còn đủ sức khỏe để làm kiếm tiền chữa hết bệnh cho con để lòng mình được bình an…”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Mã số 3034: Chị Trương Thị Thùy Trang (mẹ nuôi bé Trương Hữu Thắng)

Số điện thoại: 0907285991

Địa chỉ: ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang (hiện bé Thắng đang điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện Ung bướu TPHCM)

Tác giả: Tùng Nguyên

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP