Hà Tĩnh ngày nay

Ðược và chưa được trong luân chuyển cán bộ

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, các cấp ủy, các ngành, các địa phương có những cách làm sáng tạo; giúp cán bộ trong quy hoạch có cơ hội được rèn luyện thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho đất nước. Qua tìm hiểu ở một số địa phương, như TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên, cho thấy: Công tác luân chuyển cán bộ sẽ thành công về nhiều mặt nếu có những cách làm phù hợp.

Bí thư Đảng ủy phường 5, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Quốc Dương (người ngoài cùng bên trái) khảo sát sự hài lòng của người dân về thủ tục hành chính.  Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Đảng ủy phường 5, quận 6 (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Quốc Dương (người ngoài cùng bên trái) khảo sát sự hài lòng của người dân về thủ tục hành chính. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ý kiến người trong cuộc

Ðang là Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí Ðặng Quốc Khánh được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của tập thể cấp ủy sở tại cùng sự nỗ lực của bản thân, sau ba năm công tác ở huyện, đồng chí trở về tỉnh và được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh năm 2013, ở tuổi 37. Thông qua công tác luân chuyển, Hà Tĩnh có một cán bộ lãnh đạo trẻ, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Khi chứng kiến đồng chí Ðặng Quốc Khánh chỉ đạo, quyết đáp những công việc liên quan giải phóng mặt bằng cho Dự án Formosa sát hợp tình hình cụ thể mới thật sự hiểu được hiệu quả chiều sâu của công tác luân chuyển cán bộ. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí cho biết, nhờ đi luân chuyển mà “vỡ” ra nhiều điều và trưởng thành hơn. Nhất là trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện bất cứ việc gì, dù khó khăn, phức tạp, nếu đi thẳng, đi sâu để nắm vững tình hình và gần dân, sát dân, hiểu dân thì giải quyết được hết. Khi được hỏi về kinh nghiệm để giúp công tác luân chuyển cán bộ đạt hiệu quả hơn, đồng chí đề nghị, khi đưa cán bộ đi luân chuyển, nên bố trí vào các vị trí chủ chốt. Vì chỉ khi ở vị trí đứng đầu, người cán bộ mới có đầy đủ điều kiện, khẳng định mình qua việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bộc lộ rõ phẩm chất, năng lực cá nhân. Và cấp trên cũng nhìn vào đó để đánh giá, nhận xét cán bộ một cách chính xác. Cụ thể, khi đồng chí Ðặng Quốc Khánh làm Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân đúng vào giai đoạn địa phương có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng ở khu di tích đền Chợ Củi, dự án đường tránh quốc lộ 1 đoạn qua huyện Nghi Xuân hay sân gôn Xuân Thành… Lúc đó, Bí thư Huyện ủy đối thoại, giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc của dân và chỉ đạo các phòng, ban giải quyết tại chỗ những việc có thể giải quyết. Nhờ đó việc giải phóng mặt bằng diễn ra êm thấm và được bàn giao cho bên thi công đúng tiến độ. Nếu không phải là người đứng đầu thì chắc chắn không có được sự quyết đáp đó. Cùng chung suy nghĩ ấy, đồng chí Trần Anh Tú (Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hà Tĩnh được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà đầu năm 2011) cho biết, trong ba năm qua, đồng chí đã làm được hai việc thiết thực. Ðó là thực hiện chính sách hỗ trợ ngư dân Lộc Hà đóng 30 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi tàu trị giá 200 triệu đồng. Nguồn vốn lấy từ tiền kết dư của các năm và từ nguồn tiền của chương trình xây dựng nông thôn mới. Việc thứ hai là giải quyết chế độ cho những cán bộ xã không đạt chuẩn để thay thế cán bộ mới, trẻ và có trình độ, năng lực cao hơn mà không chờ hết nhiệm kỳ. Ðồng chí khẳng định, nếu chỉ là cấp phó, không chắc những kiến nghị đó được thực hiện. Cho nên đi luân chuyển, nếu được bố trí ở vị trí người đứng đầu thì sẽ thuận cho cán bộ luân chuyển.

Mới 38 tuổi, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Bí thư Huyện ủy Phú Lương (Thái Nguyên) đã kinh qua nhiều cương vị công tác: Là Chánh Văn phòng Huyện ủy, đồng chí được luân chuyển làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái nguyên và năm 2013, được trở về làm Bí thư Huyện ủy. Ðồng chí khẳng định, nếu luân chuyển nhằm mục đích tạo nguồn cán bộ tầm xa, thì có thể đưa đi làm cấp phó. Còn nếu để tạo nguồn gần thì nên bố trí vào vị trí chủ chốt, vừa để anh em có điều kiện thể hiện, khẳng định mình, vừa giúp tổ chức đánh giá chính xác về cán bộ luân chuyển để tính toán những bước đi tiếp theo. Cũng vì lý do đó, cho nên mới về Phú Lương hơn nửa năm, Bí thư Huyện ủy Phạm Hoàng Sơn đã quyết định luân chuyển ba cán bộ huyện về làm cán bộ chủ chốt ở ba xã. Ðể vừa rèn luyện cán bộ vừa “kích hoạt” khát vọng thể hiện mình của cán bộ luân chuyển, tạo đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Luân chuyển kết hợp thay thế cán bộ yếu kém

Tổng công ty (TCT) Thương mại Sài Gòn (SATRA) là một doanh nghiệp lớn của TP Hồ Chí Minh sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thành công đó là, nhiều năm qua công tác xây dựng Ðảng luôn được Ðảng bộ SATRA chú trọng theo phương châm gắn công tác tổ chức cán bộ với sắp xếp và cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc luân chuyển cán bộ ở SATRA được kết hợp với thay thế, xử lý cán bộ yếu kém ở các đơn vị thành viên. Ðể làm được điều này, theo Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy TCT Trần Ngọc Minh, nhiều năm nay, Ðảng ủy tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có trình độ chuyên môn, năng lực tác nghiệp cao đưa vào đội ngũ kế cận. Vì thế, khi một số đơn vị thành viên làm ăn thua lỗ, thậm chí có đơn vị cả ban giám đốc bị khởi tố do để thất thoát vốn hàng trăm tỷ đồng, Ðảng ủy, Ban Tổng giám đốc (TGÐ) TCT luân chuyển một số cán bộ trẻ về tham gia lãnh đạo, điều hành. Kết quả là đã tạo những chuyển biến tích cực. Cụ thể như Công ty cổ phần Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn làm ăn thua lỗ, vốn bị thất thoát, Ðảng ủy đưa đồng chí Trương Tiến Dũng, Bí thư Ðoàn Thanh niên Tổng công ty về làm Giám đốc. Ba năm qua, doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh ổn định. Một đơn vị thành viên khác là Công ty Cofidec, trước đây thua lỗ hơn 100 tỷ đồng, nhưng khi Ðảng ủy, Ban TGÐ luân chuyển đồng chí Phùng Ðình Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Ðảng ủy về làm Phó Giám đốc đã góp sức cùng doanh nghiệp duy trì phát triển sản xuất và làm ăn có lãi.

Ở quận Thủ Ðức có thời kỳ người dân trên địa bàn rất bức xúc vì sự chậm trễ trong việc đền bù giải tỏa các dự án: kênh Ba Bò (phường Bình Chiểu); dự án cầu vượt Gò Dưa (phường Tam Bình); dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh),… Ban Thường vụ Quận ủy đã tập trung chỉ đạo làm rõ và xác định nguyên nhân chính là do cán bộ lãnh đạo các phường này là người sở tại, cho nên thiếu kiên quyết trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Quận ủy quyết định điều chuyển, bố trí lại cán bộ ở các phường này bằng cách luân chuyển, bố trí cán bộ không phải là người địa phương vào các vị trí chủ chốt. Sau một thời gian ngắn, toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng từ các dự án đều được đền bù giải tỏa và chính quyền địa phương giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Từ đó, Quận ủy Thủ Ðức thực hiện luân chuyển cán bộ theo phương án như trên. Ðến nay, quận có 11 Chủ tịch, 20 Phó Chủ tịch UBND phường không là người địa phương. Với cách làm tương tự, xã miền núi Hồng Sơn, huyện Ðô Lương (Nghệ An) từ một đơn vị đứng thứ 28/33 xã, thị trấn vào năm 2011, nay đã vươn lên vị trí thứ 20 sau khi hai đồng chí Nguyễn Hồng Xuân, Bí thư Huyện đoàn và Trần Hoàng Anh, Phó chánh Thanh tra huyện được luân chuyển về giữ chức Bí thư Ðảng ủy và Chủ tịch UBND xã thay hai cán bộ cũ có hạn chế về nhiều mặt.

Từ đó, có thể thấy việc luân chuyển cán bộ nếu kết hợp chặt chẽ với thay thế những cán bộ trình độ năng lực hạn chế thì sẽ đạt hiệu quả nhiều mặt, vừa có môi trường để đào tạo, thử thách cán bộ, vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, khắc phục những yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tạo đà phát triển kinh tế – xã hội ở những nơi yếu kém.

Vướng mắc cần tháo gỡ

Trước khi có Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, việc luân chuyển cán bộ còn một số mặt hạn chế, như luân chuyển chưa dựa trên cơ sở quy hoạch, phần lớn chỉ mới nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách; có cán bộ luân chuyển còn ngại khó, ngại khổ; thậm chí có trường hợp lợi dụng luân chuyển cán bộ để đưa đi những người không hợp với mình. Hiện nay, những hạn chế này, cơ bản đã được khắc phục. Ðồng chí Trần Nam Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho hay, địa phương có cách làm đơn giản mà rất hiệu quả. Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành giai đoạn 2010 đến 2015 được đưa vào quy hoạch với các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể. Trong đó, việc đi luân chuyển là một điều kiện bắt buộc. Theo các tiêu chuẩn, điều kiện đó, những cán bộ thấy mình có khả năng và khát khao cống hiến sẽ tự nguyện, tự giác hoàn thiện. Mặt khác, Tỉnh ủy có văn bản quy định rõ tiêu chuẩn để được đi luân chuyển. Do vậy, ai muốn lợi dụng việc luân chuyển để “đẩy” đi người không hợp với mình cũng không dễ. Và quan trọng hơn, do cán bộ luân chuyển ở Hà Tĩnh trong thời gian qua có những đóng góp nhất định cho nơi đến như ở các huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Nghi Xuân…, không còn hiện tượng viện lý do để từ chối tiếp nhận cán bộ luân chuyển. Nhờ vậy, từ năm 2002 đến nay, Hà Tĩnh đã luân chuyển khoảng 1.300 lượt cán bộ.

Tuy nhiên, công tác luân chuyển cán bộ còn một số hạn chế, nhất là việc luân chuyển “ngang” từ cơ quan quản lý nhà nước sang cơ quan đảng, MTTQ, đoàn thể gặp nhiều khó khăn. Ở Hà Tĩnh, 10 năm qua mới có 64 người trong tổng số hơn một nghìn cán bộ luân chuyển; ở Thái Nguyên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa có trường hợp nào luân chuyển “ngang” như nêu trên. Ðồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đánh giá, công tác luân chuyển cán bộ trên địa bàn thành phố chưa được thực hiện đồng bộ giữa các ngành, các cấp, trong cùng một đơn vị và giữa các lĩnh vực. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, các địa phương mới làm tốt việc luân chuyển cán bộ từ trên xuống mà chủ yếu là từ tỉnh, thành phố xuống quận, huyện. Còn từ quận xuống phường, nhất là từ huyện xuống xã thật sự chưa tốt. Nguyên nhân cơ bản là do định biên cán bộ, công chức cấp xã đã cơ cấu “cứng”, không còn chỗ để tiếp nhận cán bộ luân chuyển. Ở Hà Tĩnh, Thái Nguyên đã tháo gỡ bằng cách luân chuyển cán bộ từ huyện về xã nhưng biên chế và các chế độ vẫn để ở huyện. Song lại nảy sinh tình trạng huyện thiếu người làm việc mà vẫn phải chi trả lương, thưởng cho người đi làm việc ở xã. Vì thế, càng đẩy mạnh luân chuyển cán bộ về xã, huyện càng phải chi phí nhiều và càng thiếu người làm, cho nên chỉ luân chuyển có mức độ. Ðể công tác luân chuyển cán bộ thành công hơn, cần có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc nêu trên.

DUY HƯƠNG, NAM TƯ và THÀNH CHÂU

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP