Giải trí

Dũng Art: 'Vợ từng ghen khi tôi chụp người mẫu nude'

Nhiếp ảnh gia chia sẻ khó khăn khi theo đuổi công việc chụp ảnh nude cũng như quan điểm về môi trường làm nghề.

Chuẩn bị có tác phẩm dự triển lãm nude đầu tiên ở Hà Nội, anh đánh giá ra sao về sự kiện này?

- Từ người mẫu đến người chụp, chúng tôi đều rất vui và hoan nghênh. Nhà quản lý đã dũng cảm, chấp nhận đương đầu với dư luận. Đáng lẽ việc này phải diễn ra cách đây 10 năm. Nhiều lần anh em trong nghề làm thủ tục cấp phép triển lãm riêng nhưng không được. Khi ấy, cơ quan văn hóa cấm vì khó quản lý. Bây giờ, nhận thức của người Việt ngày càng rộng nên các nhà quản lý thay đổi cách nhìn, cởi mở hơn với loại hình nghệ thuật này.

Năm 2017, nhiếp ảnh gia Hạo Nhiên tổ chức triển lãm với chủ đề "Tạo tác" ở TP HCM. Sự kiện được coi là "bom tấn" không chỉ với giới chuyên môn mà còn cả những người yêu ảnh nude. Tuy nhiên, ảnh của Hạo Nhiên mang tính nhẹ nhàng, chỉ chụp những góc riêng người mẫu chứ không phải toàn thân.

Một tác phẩm của nghệ sĩ Dũng Art.

- Triển lãm không dành cho lứa tuổi vị thành niên, anh thấy sao?

- Tôi không đồng ý triển lãm gắn mác 18+. Nhận thức giới trẻ giờ khác xưa. Các cháu có nhiều cách thức tiếp cận hình khỏa thân như qua phim ảnh, tivi, báo chí. Thêm vào đó, triển lãm nude có hội đồng nghệ thuật quốc gia thẩm định thì chắc chắn an toàn. Hãy để bọn trẻ có cơ hội phân biệt ảnh nude nghệ thuật khác thế nào với ảnh dung tục, khỏa thân bảo vệ môi trường hay cởi truồng cưỡi ngựa phản cảm.

- Nguyên tắc chụp ảnh nude của anh là gì?

- Nguyên tắc của tôi khá khắt khe. Nhân vật trong tác phẩm của tôi thường giấu mặt hoặc quay lưng. Tôi không chụp những người mẫu đã có chồng, người yêu. Nhiều cô bảo tôi là họ tự nguyện, không để gia đình biết nhưng tôi nhất quyết không chụp. Tôi sợ lỡ sau này xảy ra chuyện, họ đổ vỡ hạnh phúc. Mấy năm gần đây, tôi không thích chụp những cô gái trẻ mà chuyển sang single mom (mẹ đơn thân), tuổi tầm 30 đến 40. Khi đó, tôi không phải nghĩ về chuyện chồng họ phàn nàn. Sau khi sinh nở, thân hình họ nhìn phồn thực, dung dị và rất đời.

- Vợ nghĩ sao về công việc của anh?

- Vợ tôi thuộc mẫu phụ nữ truyền thống, lại làm việc trong cơ quan nhà nước nên khó chấp nhận nghề tôi làm, thậm chí còn hình dung đủ mọi chuyện tiêu cực đằng sau. Ban đầu cô ấy phản đối, ghen ra mặt khi thấy tôi trò chuyện với nhiều cô mẫu xinh. Lúc tôi mở triển lãm nhỏ, bày ảnh nude ở một quán cà phê, vợ tôi nhất quyết không đến. Về sau, nhờ hai con gái động viên, vợ tôi mới đến. Thấy thế, các cô mẫu tỏ ra vui mừng, đến khoác vai chụp ảnh.

Gia đình nghệ sĩ Dũng Art.

- Kỷ niệm nào trong nghề khiến anh nhớ nhất?

- Năm 2014, một người mẫu sau khi chụp áo dài, muốn tôi chụp khỏa thân. Một thời gian sau, tôi trưng bày ảnh nude của cô ấy và đăng lên trang cá nhân. Tự dưng một ông Tây nhắn tin chửi: "Ai cho mày chụp ảnh vợ tao. Mày chưa được phép của tao", thậm chí còn đòi trình báo công an. Hóa ra cô ấy giấu tôi chuyện có bạn trai. Cuối cùng, tôi phải gỡ bức ảnh xuống.

- Anh nhìn nhận ra sao về môi trường nghệ thuật nude ở Việt Nam?

- Nó vẫn còn phát triển nửa giấu kín, nửa công khai. Nghệ sĩ vẫn đi chụp, vẽ nhưng không mạnh dạn trưng bày vì sợ người ngoài phán xét, bàn tán. Hơn nữa, bày ra thì lại phải chờ rất lâu để xin giấy phép, thẩm định. Chúng tôi đành lập hội kín và chia sẻ tác phẩm với nhau. Nude là loại hình nghệ thuật không thể chối bỏ. Nó cần sự bình đẳng như các thể loại khác. Cho nên, vấn đề này cần được minh bạch, công khai để công chúng tiếp nhận, đánh giá.

Một vấn đề khác là sự cám dỗ trong môi trường chụp ảnh, vẽ khỏa thân. Không thể phủ nhận một tác phẩm nude đẹp phải có nghệ thuật và sự lẳng lơ sắc dục. Tuy nhiên, yếu tố bản năng phải tiết chế, kiểm soát. Nhằm tránh mâu thuẫn, kiện cáo xảy ra, tôi nghĩ giữa người mẫu và nghệ sĩ cần có hợp đồng làm việc với những nguyên tắc, điều khoản rõ ràng. Người làm nghề chuyên nghiệp không thể đặt sự tin tưởng vào hợp đồng miệng.

Tác giả: Trọng Trường

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: nude' , Dũng Art:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP